Tiểu vùng văn hóa xứ Quảng
Tiểu vùng văn hóa xứ Quảng
share twitter
Giới thiệu
Tác giả
Hà Nguyễn Ha Nguyen
Lượt xem
685
Lượt bán
0
ISBN
978-604-80-2079-8
Loại sách
Ebook
Nhà xuất bản
NXB Thông tin và Truyền thông
Giá bán
  • Mua sách
    Giới thiệu sách
    Xứ Quảng là vùng đất vốn thuộc vương quốc Chămpa xưa. Sau nhiều biến cố lịch sử, vùng đất này đã trở thành một bộ phận của lãnh thổ Đại Việt. Buổi đầu thời Lê Sơ (thế kỷ XV), trên bản đồ quốc gia, vùng đất Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi được ghi là Nam Giới, được xem như một phên dậu của Đại Việt. Năm Hồng Đức thứ 2 (1471), giữa Đại Việt và Chămpa xảy ra xung đột. Vua Lê Thánh Tông thân chinh và đánh thắng Chămpa, cắt đặt vùng đất từ phía nam đèo Hải Vân đến đèo Cù Mông làm Thừa tuyên Quảng Nam, gồm có 3 phủ, 9 huyện. Cũng từ thời vua Lê Thánh Tông, tên gọi xứ Quảng bắt đầu xuất hiện trong dân gian bên cạnh xứ Thanh, xứ Nghệ... Sau thời kỳ chiến tranh Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn, vùng đất này nằm dưới quyền cai quản của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát phân chia lãnh thổ Đàng Trong thành 12 dinh. Về mặt hành chính, xứ Quảng khi đó trực thuộc dinh Quảng Nam. Tại xứ Quảng có cửa biển Hội An là cửa biển duy nhất lúc bấy giờ được phép buôn bán với nước ngoài. Năm 1806, vua Gia Long chia cả nước làm 23 đơn vị hành chính. Trong đó, đạo Quảng Nam hay dinh Quảng Nam được chia thành 3 trấn. Xứ Quảng hiện nay thuộc vào địa giới hành chính của doanh Quảng Nam và trấn Quảng Ngãi. Năm 1832, vua Minh Mạng thực hiện cuộc cải cách hành chính quy mô lớn, đổi tất cả trấn và doanh thành tỉnh, đặt các chức Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh, Án sát trông coi việc cai trị. Địa giới hành chính của tỉnh Quảng Nam (nay là Quảng Nam và Đà Nẵng) và tỉnh Quảng Ngãi lúc bấy giờ tương đương với xứ Quảng hiện nay. Dưới thời Pháp thuộc (1858-1945), sau khi Liên bang Đông Dương được thành lập (1887), chính quyền thực dân Pháp tách Đà Nẵng khỏi Quảng Nam, đổi tên là Tourane, trở thành một đơn vị hành chính độc lập, chịu sự cai quản trực tiếp của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1950, Pháp trao trả Đà Nẵng cho chính quyền Quốc gia Việt Nam (tức chính quyền Bảo Đại). Đến tháng 3 năm 1965, các đơn vị thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, thiết lập ở đây một căn cứ quân sự hỗn hợp lớn. Năm 1967, Đà Nẵng được chính quyền Việt Nam Cộng hòa quy định là thành phố trực thuộc Trung ương. Năm 1975, hòa bình lập lại, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ngày 6/11/1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa. Từ đó đến nay, tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và thành phố Đà Nẵng là 3 đơn vị hành chính độc lập. Cũng như các tiểu vùng văn hóa khác, quá trình hình thành và phát triển của tiểu vùng văn hóa xứ Quảng là sự tích hợp của nhiều yếu tố tự nhiên, lịch sử, kinh tế, xã hội, văn hóa... Các yếu tố này mang đặc trưng riêng biệt, tạo cho mỗi vùng miền những bản sắc không pha lẫn trong tổng thể lịch sử - văn hóa Việt Nam. Những giá trị đặc trưng của văn hóa xứ Quảng đã góp phần làm giàu thêm nét đặc sắc, đa dạng trong văn hóa Việt Nam. Chính vì vậy, sứ mệnh lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa quý báu đó phải được xem là trọng trách không chỉ của những con người sinh sống trên mảnh đất này, mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng và xã hội Việt Nam nói chung.
    Xem thêm more
    Rút gọn short
    Có thể bạn thích