Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Hiện nay, đi đôi với việc phát triển kinh tế xã hội thì vấn đề sức khỏe và an toàn lao động được các doanh nghiệp rất chú trọng, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động. Bất kỳ một công việc, hoạt động, sản xuất nào từ nhẹ đến nặng đều tiềm ẩn những rủi ro về an toàn lao động trong đó. Do đó, ngoài việc quan trắc môi trường lao động thì doanh nghiệp, đơn vị sản xuất cần nhận diện các yếu tố nguy hại và đánh giá rủi ro cho chính công việc đó, giúp cho công việc diễn ra an toàn và hiệu quả.
Để hướng dẫn cụ thể phương pháp đánh giá và quản lý rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp giúp cho các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất triển khai hệ thống quản lý rủi ro an toàn sức khỏe nghề nghiệp, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp cùng các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động xuất bản cuốn sách ''Hướng dẫn phương pháp chung nhận diện các yếu tố nguy hiểm/độc hại, đánh giá rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp''.
Nội dung của cuốn sách gồm 4 phần:
Phần 1. Khái quát về rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp tại vị trí làm việc;
Phần 2. Nhận diện các mối nguy hiểm, độc hại trong lao động sản xuất tiềm ẩn khả năng gây rủi ro an toàn và sức khỏe nghề nghiệp;
Phần 3. Phương pháp chỉ số rủi ro nghề nghiệp xác định rủi ro tai nạn lao động và rủi ro bệnh nghề nghiệp;
Phần 4. Xác định rủi ro suy giảm sức khỏe nghề nghiệp do điều kiện lao động không hợp vệ sinh.
Phần Phụ lục tham khảo là ví dụ minh họa kết quả đánh giá rủi ro nghề nghiệp tại một doanh nghiệp.
Hy vọng cuốn sách là tài liệu hữu ích cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp; các cán bộ quản lý an toàn và sức khoẻ nghề nghiệp tại các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất và bạn đọc muốn tìm hiểu về chủ đề này.
Người lao động là lực lượng quan trọng quyết định sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sức khỏe của người lao động là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, năng suất làm việc, hiệu quả hoạt động của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Do vậy, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tạo lập môi trường lao động an toàn, đảm bảo sức khỏe, đời sống và các chính sách cho người lao động.
Công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp còn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đảng và Nhà nước, được thể hiện qua các đường lối, chính sách cụ thể, điển hình như Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020 - 2030; Công văn số 4986/BYT-MT ngày 14/9/2022 của Bộ Y tế về việc tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động còn gặp rất nhiều khó khăn, các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp hiệu quả đạt được chưa cao, người lao động còn hạn chế trong việc tiếp cận quyền lợi được pháp luật bảo hộ về chăm sóc sức khỏe tại nơi làm việc…
Nhằm nâng cao hiểu biết cho người lao động, người sử dụng lao động những kiến thức về chăm sóc sức khỏe; khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc; phòng, chống bệnh, tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với BS. Vũ Kiều Anh biên soạn và xuất bản cuốn sách “Chăm sóc sức khỏe người lao động”.
Nội dung cuốn sách bao gồm 04 chương, cụ thể:
Chương 1. Vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động
Chương 2. Chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe
Chương 3. An toàn trong môi trường làm việc
Chương 4. Phòng, chống bệnh nghề nghiệp, một số bệnh truyền nhiễm và tai nạn, thương tích cho người lao động
Hy vọng cuốn sách sẽ hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng lao động, người lao động cũng như các cán bộ quản lý trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nâng cao hiệu quả của công tác an toàn, vệ sinh lao động; phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo cho quá trình lao động sản xuất.
Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã thổi lên luồng sinh khí mới cho nền sản xuất phát triển. Trong cơ chế hội nhập kinh tế toàn cầu, đối tác đòi hỏi các nhà sản xuất kinh doanh không chỉ có chất lượng hàng hóa cao, giá thành rẻ mà còn đòi hỏi phải đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động theo thông lệ quốc tế. Với những tiêu chí đó, các doanh nghiệp nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Công nghệ sản xuất lạc hậu, lực lượng lao động phần lớn xuất thân từ nông dân, trình độ có hạn. Năng lực quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo luật pháp của doanh nghiệp còn thấp kém, thiếu thông tin, thậm chí có nơi không kiểm soát. Vì vậy, rủi ro nghề nghiệp hoàn toàn có thể xảy ra.
Để đáp ứng yêu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Tổ chức quản lý vệ sinh an toàn lao động tại nơi làm việc - Kỹ năng kiểm soát” do Thầy thuốc ưu tú, Bác sỹ Nguyễn Đức Đãn biên soạn.
Nội dung của cuốn sách gồm 9 chương cung cấp cho bạn đọc các kiến thức chung về an toàn vệ sinh lao động tại nơi làm việc, các yếu tố vật lý tác động đến sức khỏe (như vi khí hậu, bụi, tiếng ồn, ánh sáng nơi làm việc...), các chất độc nguy hại trong sản xuất kinh doanh, các tư thế làm việc chưa đúng ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động và các biện pháp dự phòng, kỹ năng kiểm soát chúng để cải thiện điều kiện lao động của doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt các chương 8, 9 của cuốn sách đề cập đến vấn đề quản lý sức khỏe và tổ chức sơ cấp cứu tại chỗ nhằm đảm bảo điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động tại nơi làm việc.
Trong cuốn sách này có sử dụng tài liệu của các tổ chức quốc tế (ILO, WHO) và các tác giả có tiếng trong nước, ngoài nước. Tuy nhiên trong quá trình biên soạn, cuốn sách sẽ khó tránh khỏi thiếu sót, rất mong nhận được các ý kiến góp ý của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản tiếp theo. Hy vọng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các bạn đọc quan tâm đến vấn đề này.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta đã có những hành động rất quyết liệt với quyết tâm kiểm soát tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ nguồn nhân lực là tài sản giá trị nhất của mỗi doanh nghiệp, mỗi quốc gia, hướng tới một nền sản xuất an toàn, có năng suất cao, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, một trong các quyền cơ bản của người lao động là “được làm việc đảm bảo an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc”.
Những mất mát về con người và thiệt hại vật chất do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã có giảm nhưng vẫn còn lớn; thách thức và nguy cơ trong công tác an toàn, vệ sinh lao động vẫn tiềm tàng; người sử dụng lao động vẫn chưa nhận thức và quan tâm, đầu tư đúng mức; không ít người lao động chưa được đào tạo nghề, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn và tác phong công nghiệp còn hạn chế.
Trong lao động, sản xuất, vì những lý do khách quan và chủ quan mà người lao động có thể sẽ phải chịu tác động từ những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại gây bất lợi cho bản thân người lao động, gây ra tai nạn lao động, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động. Vì vậy, thực hiện các biện pháp an toàn lao động sẽ ngăn ngừa tai nạn, bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn mắc các bệnh nghề nghiệp. Hơn nữa, an toàn vệ sinh lao động còn đảm bảo được quyền lợi và nghĩa vụ của cả người lao động lẫn người sử dụng lao động.
Nhằm nâng cao hiểu biết cho người lao động, người sử dụng lao động những kiến thức chung về an toàn, vệ sinh lao động, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với BS. Vũ Kiều Anh biên soạn và xuất bản cuốn sách “Hỏi đáp an toàn, vệ sinh lao động”.
Nội dung cuốn sách bao gồm 230 câu hỏi kèm theo câu trả lời về kiến thức chung; luật pháp, chế độ chính sách; vệ sinh lao động; kỹ thuật an toàn; an toàn điện; an toàn cơ khí; an toàn thiết bị chịu áp lực; an toàn hóa chất; an toàn phòng cháy, chữa cháy; kỹ thuật an toàn đối với máy công cụ; kỹ thuật khi hàn, cắt kim loại; an toàn trên công trường xây dựng.
Hy vọng cuốn sách sẽ hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng lao động, người lao động cũng như các cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nâng cao hiệu quả của công tác an toàn, vệ sinh lao động; phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp đảm bảo cho quá trình lao động sản xuất. Mặc dù rất cố gắng biên soạn, tham khảo và cập nhật thông tin mới truyền tải đến bạn đọc, song cuốn sách vẫn khó có thể tránh khỏi những hạn chế. Rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.
Cháy, nổ có thể xảy ra ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Trong cuộc sống, nhiều lúc chỉ cần một phút lơ là, bất cẩn là cháy, nổ có thể xảy ra, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội. Nguyên nhân có nhiều, song vấn đề mấu chốt vẫn là ý thức, kiến thức về phòng cháy, chữa cháy của các cá nhân, đơn vị còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó là việc chúng ta chưa thực hiện tốt các công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức và thiếu các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn để phòng cháy, chữa cháy.
Nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, thoát nạn, thoát hiểm và sơ cấp cứu cho đông đảo đối tượng độc giả, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các tác giả công tác tại Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy biên soạn và xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn các tình huống thoát nạn, thoát hiểm, sơ cấp cứu trong phòng, chống cháy nổ”.
Nội dung cuốn sách gồm 4 chương, cụ thể:
Chương 1. Một số kiến thức cơ bản
Chương 2. Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cách thoát nạn, thoát hiểm tại một số địa điểm, phương tiện dễ cháy
Chương 3. Kỹ năng phòng cháy, chữa cháy và cách thoát nạn, thoát hiểm khi gặp sự cố cháy, nổ
Chương 4. Hướng dẫn sơ cấp cứu người bị nạn và xử lý một số tình huống thường gặp
Cuốn sách tập trung đi sâu vào những kiến thức thiết thực về công tác phòng cháy, chữa cháy, tác hại do cháy gây ra, các kỹ năng xử lý khi gặp tình huống đám cháy; hướng dẫn thoát nạn, cứu nạn, sơ cấp cứu ban đầu người bị nạn và tham gia chữa cháy. Những nội dung này đã được nghiên cứu để phù hợp với đặc điểm tình hình, điều kiện của nước ta hiện nay và các nước trên thế giới. Hy vọng cuốn sách sẽ hỗ trợ đắc lực cho đông đảo đối tượng độc giả gồm các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các hộ gia đình và cá nhân; giúp mọi người tự tin khi phải đối mặt với các tình huống khẩn cấp khi xảy ra cháy tại gia đình, nhà trường và nơi công cộng.
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình biên soạn, biên tập xuất bản sách, song cuốn sách sẽ khó tránh khỏi thiếu sót. Nhà xuất bản rất mong nhận được ý kiến đóng góp của quý độc giả để cuốn sách được hoàn thiện hơn trong những lần xuất bản sau.
An toàn, vệ sinh lao động là công tác bắt buộc mà các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải tuân thủ và áp dụng để đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Trong đó, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân như mũ bảo vệ cá nhân, quần áo bảo hộ, kính bảo vệ mắt hoặc trang thiết bị khác được thiết kế để bảo vệ người lao động khỏi tác động của các yếu tố nguy hiểm, độc hại phát sinh trong quá trình lao động là một trong các biện pháp đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Phương tiện bảo vệ cá nhân là các dụng cụ, thiết bị cực kỳ quan trọng và cần thiết với người lao động.
Việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động nhằm đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động chung và tính mạng, sức khỏe cho từng cá nhân người lao động. Tùy vào môi trường làm việc, điều kiện làm việc mà người lao động sẽ được trang cấp những dụng cụ, thiết bị phù hợp.
Nhằm nâng cao hiểu biết cho người lao động, người sử dụng lao động những kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể hơn là những kiến thức chung về phương tiện bảo vệ cá nhân, cũng như giới thiệu, hướng dẫn sử dụng các loại phương tiện bảo vệ cá nhân phổ biến nhất hiện nay, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với tác giả Bùi Hữu Hạnh biên soạn và xuất bản cuốn sách “Hướng dẫn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân”.
Nội dung cuốn sách bao gồm 02 chương, cụ thể:
Chương 1. Kiến thức chung về phương tiện bảo vệ cá nhân
Chương 2. Hướng dẫn sử dụng các loại phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động
Hy vọng cuốn sách sẽ hỗ trợ đắc lực cho người sử dụng lao động, người lao động cũng như các cán bộ quản lý trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất để nâng cao hiệu quả của công tác an toàn, vệ sinh lao động; phòng tránh tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, đảm bảo cho quá trình lao động sản xuất.