Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Tư pháp quốc tế (TPQT) là một môn học bắt buộc 3 tín chỉ trong chương trình cử nhân Luật Thương mại quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương. Trong các chương trình cử nhân luật ở các trường Đại học của Việt Nam, đây cũng là môn học bắt buộc.
Cùng với quá trình toàn cầu hóa làm cho thế giới ngày càng “phẳng” hơn, các quan hệ quốc tế ngày nay trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cộng với nỗ lực của các quốc gia trong việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các quan hệ quốc tế đã làm cho sự dịch chuyển của thể nhân, của hàng hóa, dịch vụ và dòng vốn trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, TPQT với tư cách là một ngành luật nghiên cứu các quan hệ tư quốc tế đã có những thay đổi lớn, với một loạt các lý thuyết mới, cách tiếp cận mới về lựa chọn pháp luật áp dụng, lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp và công nhận, cho thi hành quyết định dân sự nước ngoài, không chỉ ở các nước Civil Law, đặc biệt là châu Âu vốn được biết đến là khu vực mà ở đó TPQT phát triển rất mạnh mẽ, mà cả ở các nước thuộc hệ thống Common Law. Có thể kể tới: nguyên tắc về mối quan hệ gắn bó nhất, nguyên tắc gương soi (mirror principle), forum non conveniens, forum necessitatis, forum shopping, proper law…, Điều này đòi hỏi khoa học pháp lý về TPQT Việt Nam phải bắt kịp xu thế vận động đó.
Chính sự phát triển nhanh chóng về số lượng và đa dạng về thể loại của các quan hệ tư quốc tế đã đòi hỏi TPQT, với tư cách là một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ tư quốc tế, phải có những thay đổi để bắt kịp với các xu thế vận động đó. Kể từ khi Hiến pháp mới được thông qua năm 2013, một loạt các văn bản pháp luật của Việt Nam đã được sửa đổi, đặc biệt là các văn bản luật điều chỉnh các QHDS, kinh doanh, lao động và thương mại. Nếu như hoạt động lập pháp năm 2014 được đánh dấu bằng sự ra đời của ba đạo luật quan trọng là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Hôn nhân và Gia đình, thì năm 2015 lại là một dấu mốc đặc biệt đối với TPQT Việt Nam với việc Quốc hội đã thông qua Bộ luật hàng hải, Bộ luật dân sự (BLDS) và Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Hoạt động lập pháp liên quan đến TPQT còn được tiếp tục trong năm 2016 với việc thông qua Luật Điều ước quốc tế và tất nhiên sẽ còn được tiếp diễn với việc xây dựng mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật khác, cũng như ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế điều chỉnh các quan hệ tư quốc tế. Chính sự ra đời của các văn bản mới này khiến cho TPQT với tư cách là một ngành luật nghiên cứu các quan hệ tư quốc tế cần phải được cập nhật.
Thấy được sự cần thiết đó, Hội đồng Khoa học của Trường Đại học Ngoại thương đã giao nhiệm vụ cho Nhóm biên soạn Giáo trình Tư pháp quốc tế với ý nghĩa là tài liệu học tập và nghiên cứu chính thức của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế. Giáo trình Tư pháp quốc tế cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các chuyên ngành khác của Trường để học môn Pháp luật đại cương.
TPQT chịu nhiều ảnh hưởng của các quan điểm học thuật và nhiều giải pháp của luật mang tính trừu tượng, hàn lâm, nên việc tìm hiểu và áp dụng các quy định đôi khi rất khó khăn và khó định lượng kết quả. Để khắc phục tình trạng này, Giáo trình được thiết kế nhằm mục đích giải quyết các vấn đề cụ thể, giúp cho sinh viên chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương tích lũy được những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tên của các chương vẫn được đặt theo cách truyền thống để đảm bảo tính hàn lâm cần thiết của một giáo trình đại học, nhưng các chủ đề lớn trong từng chương sẽ được trình bày theo hướng thực tiễn hơn. Cuối mỗi chương sẽ có một danh mục tài liệu cũng như các câu hỏi và bài tập thực hành.
Với thời lượng 3 tín chỉ, nội dung của Giáo trình được đề cập trong hai Phần. Phần thứ nhất nghiên cứu các vấn đề chung của TPQT, với 4 Chương: Khái quát chung về TPQT (Chương 1), Xung đột pháp luật (Chương 2), Xung đột thẩm quyền xét xử (Chương 3) và Công nhận và cho thi hành quyết định dân sự nước ngoài (Chương 4). Phần thứ hai đề cập đến một số quan hệ cụ thể trong TPQT, như: Hôn nhân và gia đình (Chương 5), Thừa kế (Chương 6), Tài sản (Chương 7), Hợp đồng (Chương 8), Lao động (Chương 9), Nghĩa vụ ngoài hợp đồng (Chương 10), Đầu tư (Chương 11) và Phá sản (Chương 12).
Với cách tiếp cận như vậy, nhóm tác giả hy vọng Giáo trình sẽ không chỉ có ích cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành luật, việc giảng dạy của giáo viên, mà còn có thể phục vụ cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về ngành luật rất đặc biệt này.
Giáo trình Tư pháp quốc tế do tập thể các tác giả sau đây biên soạn:
- TS Ngô Quốc Chiến, chủ biên, biên soạn Chương 1, Chương 2, Chương 3, Chương 4; Chương 6, Chương 8, Chương 11;
- ThS Lý Vân Anh biên soạn Chương 7 và Chương 10;
- ThS Đỗ Viết Anh Thái biên soạn Chương 12;
- ThS Đinh Thị Tâm biên soạn Chương 5.
- ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Linh biên soạn Chương 9.
Nội dung sách sách chuyên khảo được chia thành bốn phần, với 10 chương. Cụ thể:
Phần 1: Tổng quan về hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (chương 1 và chương 2);
Phần 2: Kinh nghiệm quốc tế về tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (chương 3 đến chương 5);
Phần 3: Một số vấn đề pháp lý về việc tham gia hiệp định thương mại tự do thế hệ mới của Việt Nam (chương 6 đến chương 8);
Phần 4: Định hướng và một số giải pháp tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (chương 9 và chương 10).
Sách chuyên khảo có thể được sử dụng làm tài liệu nghiên cứu và học tập cho sinh viên, học viên các chương trình đào tạo cử nhân và sau đại học nhiều chuyên ngành của Trường Đại học Ngoại Thương (như chương trình cử nhân Luật Thương mại quốc tế; chương trình cử nhân Thương mại quốc tế; chương trình cử nhân Kinh tế đối ngoại; chương trình cử nhân Kinh tế quốc tế; chương trình thạc sỹ Luật kinh tế; chương trình thạc sỹ Chính sách và Luật thương mại quốc tế; chương trình thạc sỹ Kinh doanh – Thương mại…). Đặc biệt, cuốn sách ra đời sẽ giúp ích rất nhiều cho các học viên cao học chương trình thạc sỹ Luật Kinh tế khi học tập, nghiên cứu môn học Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Ngoài ra, cuốn sách cũng có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho các môn học về thương mại quốc tế, luật thương mại quốc tế… của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo về kinh tế và luật của Việt Nam.
Sách chuyên khảo này được hình thành từ những nghiên cứu chuyên sâu của GS. TS. Nguyễn Thị Mơ (Viện Chính sách công và Pháp luật, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại Thương); PGS. TS. Trần Thị Thùy Dương (Phó Tổng biên tập Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam); PGS. TS. Doãn Hồng Nhung (Giảng viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội); TS. Hà Công Anh Bảo (Phó Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương); TS. Vũ Kim Ngân (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương); ThS. Phùng Thị Yến (Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại Thương) và ThS. Phùng Thị Phương (Giảng viên Khoa Kiến thức cơ bản, Trường Đại học Thể dục thể thao). Xin chân thành cảm ơn các tác giả đã dành nhiều tâm huyết, thời gian, công sức để hoàn thành các phần viết với những phân tích, nhận định giàu tính lý luận, có tính thực tiễn và có giá trị tham khảo cao.
Giáo trình “Pháp lý đại cương” được biên soạn để phục vụ cho chương trình đào tạo đại học đang được triển khai ở Trường Đại học Ngoại thương. Đối tượng nghiên cứu của môn học “Pháp lý đại cương” là những vấn đề cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật; về pháp luật trong nước (pháp luật dân sự) và về pháp luật quốc tế (công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế).
Giáo trình gồm 4 chương. Nội dung các chương liên quan tới những kiến thức chung về Nhà nước và pháp luật, về bản chất và vai trò của pháp luật, về pháp luật xã hội chủ nghĩa, về pháp luật dân sự, về công pháp quốc tế và tư pháp quốc tế. Giáo trình cũng đề cập tới những nguyên lý chung về ký kết và thực hiện hợp đồng dân sự, về thời hiệu tố tụng, về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và áp dụng pháp luật nước ngoài trong các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài...
Giáo trình “Pháp lý đại cương” đề cập tới những vấn đề pháp lý chủ yếu nhất liên quan tới các môn học ở giai đoạn chuyên ngành. Những kiến thức có được từ môn học pháp lý đại cương góp phần làm phong phú thêm khối kiến thức về các môn học cơ bản, giúp cho sinh viên có hành trang cơ bản để tiến tới nghiên cứu các môn học “Pháp luật trong hoạt động kinh tế đối ngoại” hoặc môn học “Pháp luật thương mại quốc tế, môn học “Pháp luật doanh nghiệp”... ở giai đoạn giáo dục chuyên ngành. Đó là những vấn đề pháp lý chủ yếu có liên quan tới các hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung và hoạt động kinh doanh quốc tế nói riêng. Những vấn đề như vậy không thể chứa đựng hết trong khuôn khổ của một giáo trình, vì vậy giáo trình còn tồn tại những sai sót là khó tránh khỏi. Nhóm tác giả rất mong nhận được sự nhận xét, góp ý của bạn đọc để giáo trình được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau.
Vì mới xuất hiện vài thập niên gần đây nên sức mạnh mềm được coi là khái niệm khoa học mới. Nhưng với Ấn Độ, một trong bốn nền văn minh cổ của nhân loại, có lịch sử dài lâu đến hơn 5000 năm; một quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân, sử dụng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, ưa thích đàm đạo triết học và hiện là một quốc gia mạnh về nhiều mặt, nên sức mạnh mềm Ấn Độ, trên thực tế, lại là một thực thể văn hóa - xã hội đã hiện hữu từ rất sớm, khó nơi đâu trên thế giới có thể so sánh. Viết về sức mạnh mềm Ấn Độ, do vậy, là thách thức với tất cả những ai có ý định nghiên cứu về chủ đề này, kể cả những người đã hiểu biết sâu về Ấn Độ. Trên tay bạn đọc là cuốn chuyên khảo “Sức mạnh mềm Ấn Độ: gợi mở đối với Việt Nam” của tác giả PGS.TS. Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu hàng đầu và cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Nội dung cuốn sách đi sâu vào việc đánh giá bằng phương pháp định lượng tác động của ứng dụng công nghệ số như phần mềm, tổ chức ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp, kỹ năng công nghệ số của người lao động, các công nghệ số hiện đại, bảo mật và an toàn thông tin,... đến năng suất lao động của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các đánh giá tác động của kinh tế số tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành tại Việt Nam; từ đó đề xuất giải pháp phát triển kinh tế số trong thời gian tới cho Việt Nam.
Cụ thể cuốn sách gồm 3 phần:
Phần 1. Tác động của công nghệ số tới năng suất lao động doanh nghiệp Việt Nam
Phần 2. Tác động của kinh tế số tới dịch chuyển cơ cấu kinh tế và năng suất lao động tại Việt Nam
Phần 3. Một số đề xuất về chuyển đổi số nhằm phát triển kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới
Cuốn sách sẽ hữu ích với các doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ số và thực hiện chuyển đổi số quá trình kinh doanh; các nhà quản lý tại các cơ quan chính phủ, bộ, ban, ngành đang thực thi chương trình chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số tại trung ương và địa phương; các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên và các độc giả quan tâm tới quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Cuốn sách "Các Bài Tập Tình Huống về Kế Toán Doanh Nghiệp" cung cấp cho người học một hệ thống bài tập sát với thực tế, phản ánh những thách thức thường gặp trong lĩnh vực kế toán doanh nghiệp.
Mỗi tình huống được xây dựng dựa trên các sự kiện cụ thể tại doanh nghiệp, đi kèm với đầy đủ thông tin về bối cảnh, nguyên nhân phát sinh và các vấn đề cần giải quyết. Người học sẽ có cơ hội phân tích dữ liệu thực tế, đánh giá tác động của các quyết định kế toán và đề xuất giải pháp phù hợp. Điểm đặc biệt của cuốn sách này là sự đa dạng về nội dung và cấp độ tình huống. Các bài tập không chỉ tập trung vào kế toán tài chính và kế toán quản trị, mà còn mở rộng đến các loại hình doanh nghiệp khác nhau, từ doanh nghiệp sản xuất, thương mại đến dịch vụ. Điều này giúp sinh viên có cái nhìn toàn diện về hoạt động kế toán trong nhiều lĩnh vực, đồng thời khuyến khích tư duy sáng tạo để tìm ra nhiều giải pháp khác nhau cho cùng một vấn đề.
Cuốn sách là tài liệu hữu ích cho sinh viên, giảng viên cũng như những ai quan tâm đến lĩnh vực kế toán doanh nghiệp. Thông qua việc thực hành các tình huống thực tế, người học không chỉ rèn luyện kỹ năng chuyên môn mà còn phát triển tư duy quản trị, sẵn sàng thích ứng với những thách thức trong môi trường kinh doanh hiện đại.
Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận với các hoạt động và mô hình thương mại điện tử, cuốn sách Thương mại điện tử căn bản được biên soạn với mong muốn mang đến cho bạn đọc những kiến thức và kỹ năng cơ bản về triển khai các hoạt động thương mại sử dụng thiết bị điện tử và hệ thống các mạng viễn thông. Nội dung cuốn sách giúp người học nắm được những kiến thức từ nền tảng cơ sở hạ tầng để triển khai thương mại điện tử cho tới những kiến thức toàn diện về các mặt hoạt động của thương mại điện tử như: giao dịch hợp đồng điện tử, chữ ký số và chứng thực số, thanh toán điện tử, marketing điện tử, các vấn đề về an toàn thông tin và các khía cạnh về luật pháp, đạo đức, xã hội trong thương mại điện tử.