Báo chí - Xuất bản
Nghệ thuật ứng xử của nhà báo: Con đường ngắn nhất tới thành công!
Nguyễn Quang Hoà
Nghệ thuật ứng xử là chiếc chìa khoá vạn năng có thể mở mọi cánh cửa hóc hiểm của lòng người. Chính vì vậy, cha ông ta từ xưa đã rất coi trọng việc giáo dục cách ứng xử và coi đó là biểu hiện cao nhất của văn hoá và đạo đức. Điều đó được đúc kết qua các câu tục ngữ, ca dao như: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Cái nết đánh chết cái đẹp”, “Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang - Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” và còn ví “Lời nói gói vàng ”... Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta nhận thức rất rõ, để xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp, văn minh thì phải xây dựng nền văn hoá Việt Nam mà trọng tâm là con người Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hoá, dân tộc. Ở phạm vi hẹp hơn, sau nhiều cuộc hội thảo, góp ý, đầu năm 2017, Hà Nội đã cho ra đời “Quy tắc ứng xử nơi công sở” nhằm xây dựng người Hà Nội văn minh, thanh lịch. Riêng với ngành Báo chí, một lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm và đa dạng lại mới chỉ có quy tắc đạo đức nghề nghiệp còn khá chung chung mà chưa có quy tắc ứng xử, điều đó vô tình để lại một khoảng trống trong công tác giáo dục, đào tạo sinh viên báo chí nói riêng, giáo dục các nhà báo nói chung. Thực tế những năm qua, chúng ta phải buồn lòng khi chứng kiến vô số chuyện của các nhà báo: nhẹ là xấu hổ vì tiếng điện thoại reo giữa cuộc họp báo quốc tế đang rất trật tự; tệ hơn là nhà báo vì ăn nói không đúng mực khiến việc lấy tài liệu thất bại, ăn mặc không đúng quy định bị cơ sở mời về; nặng nữa là bị thu hồi thẻ nhà báo, bị đuổi việc và vướng vòng lao lý. Trong bối cảnh đó, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã xuất bản cuốn sách “Nghệ thuật ứng xử của nhà báo: Con đường ngắn nhất tới thành công!” của TS Nguyễn Quang Hoà một cách kịp thời. Là cán bộ giảng dạy ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng đã có nhiều năm kinh nghiệm làm báo, kinh qua mọi công việc ở toà soạn, trong cuốn sách này, tác giả Nguyễn Quang Hòa không chỉ làm rõ các khái niệm liên quan đến nghệ thuật ứng xử và các nguyên tắc ứng xử mà còn cung cấp cho bạn đọc hàng trăm bài học kinh nghiệm quý báu trong ứng xử ở môi trường nội bộ toà soạn báo và cả nghệ thuật ứng xử khi đi thực tế, tiếp xúc với các đối tượng xã hội. Một cuốn sách thật sự không thể bỏ qua với những người đang và sẽ trở thành nhà báo.
6432 lượt xem
Chuyện đời làm báo
Minh Đức
Khi Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá các cơ sở kinh tế, các khu dân cư khiến tất cả các trường học ở Hà Nội và ở các thành phố lớn phải sơ tán về nông thôn. Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, tôi đã phải một mình về làng Đại Từ - huyện Thanh Trì - Hà Nội để tiếp tục được đi học. Người dân vùng nông thôn đã mở vòng tay đón và cho chúng tôi ở nhờ ngay trong nhà họ. Một lần tôi được nhà báo có bút danh là “Bút Thép” phỏng vấn. Nội dung câu hỏi xoay quanh vấn đề “Cuộc sống ở nông thôn”, tôi đã rất thật thà “tâm sự” cùng ông (theo cách nhìn của một trẻ thơ) về những khó khăn trong đó có cả việc phải dùng nước ao tù làm nước sinh hoạt. “Tâm sự” của tôi được đăng tải trên báo Thiếu niên tiền phong. Thế là một cuộc “búa rìu dư luận” của những người bạn cùng lứa đã “nhắm” vào tôi. Thậm chí có những “cô bạn” đã “chụp mũ” và “quy chụp” tôi thuộc tầng lớp “tiểu tư sản”!!! Nỗi oan xuất phát từ việc “nói thật” - đã để lại ấn tượng khó phai trong tâm trí tôi. Điều nực cười là việc mà nhà báo “Bút Thép” hướng dẫn dư luận chỉ trích tôi thì chỉ hơn 10 năm sau khi Việt Nam thống nhất đã trở thành tiêu chí phấn đấu của nhà nước - phấn đấu để người dân được dùng nước sạch. Nỗi oan này khiến tôi, khi trở thành nhà báo đã định hướng cho mình trong công việc phải có “cái tâm” trong sáng; phải “nói thẳng - nói thật”. Suốt chặng đường làm báo, tôi đã được gặp nhiều người từ những người dân gặp nạn khi quyết tâm chống lại những người “móc túi” nhà nước như kỹ sư Hứa Thúy Lan, như những người dân ở Quảng Ninh bị những người nhân danh các cơ quan công quyền “bớt xén” tiền đền bù khi phải nhường đất để mở rộng quốc lộ 18A và quốc lộ 10 v.v… đến những nhân vật đã trở thành những nhân chứng lịch sử như Đại tá Bùi Tùng, người thảo lời đầu hàng cho Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trong ngày 30/4/1975; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người thuộc “lực lượng thứ 3” khi miền Nam chưa được giải phóng, 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390, chiếc xe đầu tiên đâm đổ cửa Dinh Độc Lập ở Sài Gòn trong ngày 30/4/1975; Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tác giả của Dinh Độc Lập; rồi viên tướng Gomit, người Xê-nê-gan nhưng có tâm hồn Việt Nam và hát rất hay… Tôi cũng đã thấy, đã biết được những mảng tối của cuộc sống, biết được sự tráo trở của một số người lợi dụng chức quyền hành dân; biết được nỗi khổ của người dân và cũng gặp được những con người chân chính. Như tôi đã phát biểu tại Hội thảo toàn quốc “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực” được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2002: “Những bài chống tiêu cực không chỉ là những bài chứa đựng những con số trái ngược nhau để từ đó tìm ra những khuất tất trong xây dựng cơ bản, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) mà các phóng sự đó phải mang tính nhân văn thông qua việc giải quyết tốt vấn đề đặt ra đối với số phận của những người chống tiêu cực”. Để có được một phóng sự điều tra chống tiêu cực là cả một quá trình khó khăn, vất vả mà chỉ những ai từng tham gia mới ý thức được.
701 lượt xem
Giáo trình Quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động xuất bản
TS. Vũ Thùy Dương, TS. Vũ Mạnh Chu
Giáo trình “Quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động xuất bản” do TS. Vũ Mạnh Chu và TS. Vũ Thùy Dương biên soạn là hệ thống kiến thức sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, được vận dụng trong lĩnh vực xuất bản. Giáo trình đã chuyển tải có hệ thống, từ các nội dung đại cương về quyền tác giả, quyền liên quan và những nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của tác giả, của các tổ chức, cá nhân đến các nội dung xác định tài sản trí tuệ của nhà xuất bản, sự cần thiết phải bảo vệ, cũng như việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền. Giáo trình được biên soạn dựa trên các nguồn tài liệu tin cậy là các quy định của pháp luật Việt Nam, được ghi tại Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, các luật và văn bản pháp luật liên quan của Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan, có đối chiếu với các điều ước quốc tế. Đồng thời, với việc truyền đạt có lý giải pháp luật, là các dẫn chứng thực tế đa dạng, phong phú đối với nhiều chế định pháp luật quan trọng, đã giúp cho các quy định khô cứng trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài ra, các phụ lục của sách cũng bổ sung những kiến thức bổ ích từ các điều ước quốc tế, hoạt động thực thi cùng với các tài liệu liên quan khác. Giáo trình được biên soạn phục vụ cho việc đào tạo sinh viên ngành Xuất bản, thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; là tài liệu tham khảo hữu ích cho các trường đại học và cao đẳng khác cũng như bạn đọc quan tâm đến pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng.
777 lượt xem
Sổ tay bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng
Nhiều tác giả

Sổ tay tập trung vào những vấn đề chung về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng; đồng thời cung cấp những luận cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng qua một số lĩnh vực chủ yếu và cung cấp các kỹ năng cơ bản về đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

357 lượt xem
Viết cho PR (Dành cho những người làm truyền thông chuyên nghiệp)
PGS. TS. Đinh Thị Thúy Hằng
Cuốn sách “Viết cho PR (Dành cho những người làm truyền thông chuyên nghiệp)” nhằm giới thiệu những lý luận, khái niệm và những kỹ năng phát triển các thông điệp truyền thông, viết các thể loại cho PR như: viết thông cáo báo chí, viết tin bài cho tạp chí hay các bản tin nội bộ, viết để cung cấp thông tin thông qua mạng xã hội. Những người làm PR, sinh viên học và nghiên cứu về PR cần phải nắm được bản chất của thông tin báo chí, quan hệ giữa báo chí và quan hệ công chúng, hiểu và viết được thông cáo báo chí, các bài chuyên đề, thông tin họp báo, kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí và kỹ năng thiết kế trình bày in ấn. Cuốn sách nhỏ này hi vọng sẽ cung cấp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản và hệ thống đó.
2304 lượt xem
Nghề báo - Những bài nhớ đời
TS. Nguyễn Quang Hòa
Công việc của phóng viên đòi hỏi họ phải “xục xạo” mọi nơi. Họ phải đối mặt với những sức ép, khó khăn, cạm bẫy nguy hiểm rình rập trong quá trình tác nghiệp thế nào? Còn các biên tập viên, lãnh đạo Ban Thư ký Tòa soạn chỉ ngồi nhà, trong các căn phòng mát lạnh vào mùa hè, ấm áp trong mùa đông, tại sao không ai bảo họ sướng? Nghề báo - Những bài học nhớ đời sẽ giải đáp các câu hỏi đó và hơn thế nữa. Qua những câu chuyện, cả thành công và thất bại của tác giả cũng như đồng nghiệp ở các tờ báo sẽ cho bạn đọc rất nhiều cung bậc cảm xúc, từ vui vẻ nhẹ nhàng tới nỗi buồn tột độ, những kinh nghiệm quý hơn vàng! Đây cũng là một tài liệu nghiệp vụ bổ ích cho các sinh viên báo chí, các nhà báo trẻ và những ai quan tâm đến công việc của người làm báo.
6304 lượt xem
Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn
TS. Nguyễn Thế Kỷ
Trong suốt chặng đường 88 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên nhiều mặt. Từ Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo năm 1925, đến nay, cả nước đã có hơn 800 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, hơn 60 báo điện tử và hàng trăm trang thông tin điện tử là cánh tay nối dài của các báo, tạp chí… Hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cả không ít khó khăn, thách thức. Đó là yêu cầu cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy, gần gũi của nhân dân; là quá trình hội tụ truyền thông, tích hợp đa phương tiện, đa loại hình. Báo chí ta hiện nay có diện mạo ra sao; đang phát triển như thế nào; công tác lãnh đạo, quản lý đang đặt ra những yêu cầu gì; có điều gì cần quan tâm, giải quyết? Khá nhiều vấn đề vừa nêu đã được TS. Nguyễn Thế Kỷ, bằng trải nghiệm hàng chục năm ở báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; ở các cương vị quản lý, chỉ đạo công tác báo chí, đã mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất cách nhìn, hướng đi, nhiệm vụ, giải pháp trong một số cuốn sách, công trình nghiên cứu mấy năm gần đây. “Báo chí - Dưới góc nhìn thực tiễn” là cuốn sách tuyển chọn các bài viết, công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thế Kỷ về báo chí và văn hóa. Sách gồm hai phần: - Phần 1: Báo chí - Những góc nhìn. Tác giả cố gắng khắc họa bức tranh toàn cảnh nền báo chí nước nhà; những vấn đề then chốt trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Đó là công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí cả nước; là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí trên các mặt: bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp; báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc… - Phần 2: Những câu chuyện văn hóa. Là những ghi chép, những cảm xúc chân thành, đằm thắm về đất nước, về con người, về những vùng đất mà tác giả đã đi, đã viết, đã lắng thành những kỷ niệm khó quên. Tác giả có những trang viết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, về Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, nhân dân dũng cảm, bạn bè quốc tế thủy chung, son sắt. Nổi rõ trong đó là quê hương xứ Nghệ, là dải đất miền Trung trữ tình, gian khó, đang vươn về phía trước.
1514 lượt xem
Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại
TS. Nguyễn Thành Lợi
Sự ra đời các phương tiện truyền thông mới đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có. Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú đến “món ăn” tinh thần hàng ngày của công chúng truyền thông hiện đại. Đặc biệt, với sự ra đời của các thiết bị di động, những màn hình tương tác trở thành phương tiện truyền thông thông minh để mỗi giây, cư dân mạng có thể tải và chia sẻ hàng tỉ byte thông tin. Điều đó khiến cuộc va chạm giữa phương tiện truyền thông truyền thống và mới, giữa báo chí chính thống và truyền thông xã hội trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù thừa nhận hay không, truyền thông xã hội vẫn là một thực thể truyền thông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống truyền thông hiện đại, tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng, tác động không nhỏ đến ngành báo chí truyền thông thế giới đương đại. Có thể thấy, truyền thông Internet ra đời tạo ra xu hướng hội tụ truyền thông và đa phương tiện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự vận động và phát triển của báo chí truyền thông hiện đại. Vậy, hội tụ truyền thông là gì? Sự xuất hiện của kỷ nguyên truyền thông số đã khiến nghiệp vụ báo chí truyền thông có những thay đổi căn bản. Những thay đổi đó tác động như thế nào đến tiến trình hội tụ truyền thông? Từ tòa soạn đơn loại hình đến đa phương tiện rồi phát triển tới tòa soạn hội tụ là sự phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong bối cảnh chung đó, các tòa soạn báo ở Việt Nam nên sắp xếp và thay đổi mô hình tổ chức như thế nào để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới hiện đại? Đây là những vấn đề đang được báo giới, học giả cũng như các nhà báo hết sức quan tâm. Có thể khẳng định, sự xuất hiện thời đại truyền thông hội tụ không làm thay đổi bản chất của báo chí, mà báo chí vẫn cần sự phát hiện và khai quật của nhà báo chuyên nghiệp, vẫn cần sự gia công trong khâu biên tập và khâu xuất bản, vẫn phải thông qua phương tiện truyền thông để đưa sản phẩm báo chí tới công chúng. Và sự thay đổi của nó là tốc độ truyền phát thông tin và phương thức tiếp nhận thông tin. Nắm vững các kỹ năng làm báo hiện đại vẫn là yêu cầu quan trọng nhất của người làm báo trong môi trường truyền thông hiện nay. Trong môi trường hội tụ truyền thông, những nghiên cứu về sự thay đổi và bất biến của nghiệp vụ báo chí truyền thông ở nước ta vẫn còn khá ít ỏi. Cuốn sách “Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại” của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi giới thiệu với độc giả những nét khái quát nhất về các vấn đề khá mới mẻ đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới nhiều năm - nhiều thập kỷ qua như truyền thông xã hội, các lý thuyết truyền thông, hội tụ truyền thông, tòa soạn hội tụ, đồng thời trình bày đặc điểm và những kỹ năng cần thiết đối với “nhà báo đa năng” trong môi trường hội tụ truyền thông. Tác giả đã giới thiệu những kỹ năng cơ bản trong viết báo đa phương tiện, thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, với những ví dụ minh họa sinh động của các hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới, tác giả đã làm rõ cách thức xây dựng kế hoạch truyền thông cho một chủ đề cụ thể, phương thức sử dụng đa phương tiện, thông tin đồ họa cho báo chí hiện đại. Kết cấu của cuốn sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, phóng viên, biên tập viên và những người muốn nghiên cứu lĩnh vực này. Tìm tòi, trình bày và giải thích là mục đích của tác giả viết cuốn sách này, khi tiếp xúc với những vấn đề mà nhà nghiên cứu cảm thấy xa lạ, hoặc khi bản thân vấn đề đó còn khá mới mẻ, người nghiên cứu sẽ phải có những nhận thức sơ bộ đối với đề tài. Sau khi những nhận thức dần được hình thành, hoạt động nghiên cứu không thể chỉ dừng lại ở khâu miêu tả và đánh giá lý thuyết của nước ngoài, mà cần có sự áp dụng sâu hơn vào thực tiễn đào tạo và làm báo của nước nhà. Nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ quan sát, nhưng cuối cùng phải giải thích về sự vật mình quan sát được, cần áp dụng phương pháp nào đó để giải thích, ví dụ phương pháp xã hội học, phương pháp tâm lý học truyền thông. Góc độ phân tích phương pháp nghiên cứu của mỗi người mỗi khác mới cho ra đời những quan điểm mới mẻ, có tác dụng gợi mở cho độc giả và ngành khoa học. Công trình nghiên cứu của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi đã đưa ra những vấn đề mới mang tính gợi mở cho các cuộc thảo luận tiếp theo của các nhà khoa học, các đồng nghiệp và độc giả trong nước. Đây là hướng đi khá mới mẻ, cũng là một sự thử nghiệm rất đáng quý.
1581 lượt xem
Chính luận phản biện, phản bác - Lý thuyết, kỹ năng và thực tiễn
TS. Nguyễn Tri Thức
Từ khi ra đời, báo chí thế giới đã phân tách thành những thể loại khác nhau, nhưng có thể gói gọn trong hai nhánh chính, đó là thông tin phản ánh đơn thuần những gì diễn ra trong đời sống xã hội và thông tin có phân tích, bình luận, lý giải chiều sâu .....Lịch sử báo chí thế giới xác nhận rằng, nhóm thể loại chính luận xuất hiện vảo nửa đầu thế kỷ XIX với mục đích đem lại cho công chúng những tri thức mới không chỉ là tin tức đơn thuần mà là sự phân tích, lý giải, nêu quan điểm về một chủ đề, sự kiện, vấn đề...... thông qua đó, góp phần giáo dục, tác động đến suy nghĩ, tư duy của người đọc, thuyết phục, định hướng thông tin cho công chúng
672 lượt xem
Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn
PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ
Trong suốt chặng đường 95 năm qua, từ sự ra đời của báo Thanh Niên, tờ báo cách mạng đầu tiên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập và lãnh đạo (21/6/1925 - 21/6/2020), báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước trưởng thành vượt bậc cả về đội ngũ, loại hình, số lượng, phạm vi ảnh hưởng và chất lượng nội dung, hình thức. Tính đến đầu năm 2020, cả nước đã có hơn 850 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, 5 kênh truyền hình của cơ quan báo chí; 23 cơ quan báo chí điện tử và hàng trăm trang thông tin điện tử tổng hợp… Không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng nội dung báo chí cũng không ngừng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, thông tin nhanh chóng, chính xác, đa dạng, phong phú; đội ngũ những người làm báo được đào tạo bài bản hơn về chính trị, chuyên môn, văn hóa, đạo đức nghề nghiệp; các cơ quan báo chí thích nghi và đứng vững trong cơ chế thị trường, lớn mạnh cả về hoạt động kinh tế báo chí; thể chế, chính sách về báo chí được hoàn thiện những bước cơ bản; hoạt động đối ngoại và thông tin đối ngoại được tăng cường. Báo chí nước ta thực sự là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương; là tiếng nói của nhân dân; tuyên truyền phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với bên ngoài. Để có được nỗ lực và thành tựu của báo chí cách mạng Việt Nam 95 năm qua, nhất là hơn 35 năm đổi mới và phát triển, trước hết là có sự lãnh đạo, dìu dắt của Đảng, Nhà nước; của hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương; của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và các cơ quan chủ quản báo chí; của đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên các cơ quan báo chí; sự đóng góp quan trọng của công chúng báo chí ngày càng đông đảo. Để giúp các cơ quan báo chí, nhà báo, nhà nghiên cứu và bạn đọc có được góc nhìn rộng, đầy đủ và sâu sắc về bức tranh toàn cảnh của báo chí Việt Nam 95 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm đổi mới, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu cuốn sách “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. Ông là nhà báo, nhà văn có gần 40 năm cầm bút, trải qua các cương vị phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo Đài PTTH Nghệ An, Báo Nghệ An, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An; Vụ trưởng vụ Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương. Thực tiễn hoạt động 40 năm qua đã giúp tác giả cuốn sách có tầm nhìn, góc nhìn rộng, sâu, biện chứng; lý luận và thực tiễn luôn gắn bó, hòa quyện; nhiều hiện tượng, nhiều vấn đề của báo chí, văn hóa được ông phân tích, bình luận thấu đáo, chân tình, khách quan. Những năm gần đây, tuy công việc quản lý bận rộn nhưng PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ vẫn say sưa viết báo, nghiên cứu, giảng dạy báo chí, văn hóa, đào tạo nhiều thạc sỹ, tiến sỹ báo chí học và văn hóa học. Không chỉ tâm huyết với những vấn đề nóng hổi của báo chí, văn hóa mang hơi thở của thời cuộc, ông còn có những ghi chép xúc động về những vùng đất, những con người mà ông đã qua, đã gặp. Cuốn sách “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” của PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ có hai mảng nội dung hấp dẫn và bổ ích: Phần 1: “Hồ Chí Minh, Người sáng lập, Người thầy của nền Báo chí cách mạng Việt Nam”. Năm 2020, Việt Nam và thế giới kỷ niệm trọng thể 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Vì sự kiện quan trọng này, phần mở đầu cuốn sách là một số bài viết của tác giả về Bác Hồ: Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về báo chí, văn hóa; Người làm báo, viết báo; người căn dặn, mong muốn xây dựng nền báo chí nước nhà vững mạnh, cán bộ báo chí là những chiến sỹ gương mẫu trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; giới báo chí Việt Nam học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Phần 2: “Báo chí, truyền thông Việt Nam - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn”. Tác giả phác họa bức tranh toàn cảnh nền báo chí, truyền thông nước nhà, nhất là việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện chiến lược, chính sách, cơ chế phát triển báo chí; một số vấn đề quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí; vấn đề đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí; báo chí trong kỷ nguyên số, đa loại hình, đa nền tảng; báo chí Việt Nam với nhiệm vụ bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc, thông tin đối ngoại, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; những cuộc trả lời phỏng vấn thú vị về chuyện nghề, chuyện đời. Cũng ở phần này, tác giả nêu những góc nhìn, những lý giải về báo chí - văn hóa. Đó là những ghi chép, nghĩ suy về con người, vùng đất, sự kiện, vấn đề mà tác giả trải nghiệm dưới góc nhìn báo chí - văn hóa học. Đó là tấm gương sáng về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người khởi xướng “Những việc cần làm ngay” của báo chí nước ta “đêm trước” Đổi mới; nhà cách mạng, nhà báo xuất sắc Phan Đăng Lưu; là những kỷ niệm đẹp trong cuộc đời làm báo, viết văn, viết kịch của tác giả.
1376 lượt xem
Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào?
Nguyễn Thị Bích Yến
Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, việc nghiên cứu công chúng là bộ phận rất quan trọng, mang tính then chốt cho sự tồn tại của một sản phẩm truyền thông. Vì thế, các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện công việc này một cách thường xuyên và chuyên nghiệp. Các chuyên gia chú trọng việc nghiên cứu công chúng từ góc độ kinh tế học, báo chí học, xã hội học, về thái độ, hành vi, nhu cầu, điều kiện tiếp cận… của công chúng đối với các sản phẩm truyền thông đại chúng. Đặc biệt, thời đại toàn cầu hoá thông tin đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động truyền thông nói chung và truyền thông đại chúng nói riêng. Đây chính là lý do quan thiết khiến các nhà nghiên cứu quan tâm hơn đến việc nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ kinh tế hay còn gọi là nghiên cứu công chúng thị trường báo chí. Mặc dù, công chúng truyền thông giữa các quốc gia có sự khác biệt về địa tầng văn hoá xã hội, kinh tế, chính trị... song trong xu thế toàn cầu hóa thông tin đã khiến họ dần không còn “biên giới cứng” trong tiếp nhận thông tin. Vì thế, quan niệm về công chúng truyền thông, công chúng thị trường báo chí giữa các nước phát triển và Việt Nam có một số điểm xích lại gần nhau”. Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ xã hội học, báo chí học nhưng việc nghiên cứu công chúng thị trường báo chí từ góc độ kinh tế là hướng nghiên cứu còn mới mẻ. Hơn nữa, chưa có một công trình toàn diện nào nghiên cứu về những giải pháp phát triển công chúng thị trường của một tờ báo nước ngoài cụ thể. Để giúp cho bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về công chúng thị trường, cũng như có cơ hội được tìm hiểu về bí quyết thành công của một tờ báo in lâu đời nhất thế giới còn hoạt động (1703), tác giả đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của báo Wiener Zeitung (Áo)”. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho báo chí Việt Nam nói chung, các nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, các sinh viên, học viên… khi nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ kinh tế; các độc giả muốn tìm hiểu bí quyết thành công của tờ báo nổi tiếng này. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương: Chương 1: Khái niệm công chúng truyền thông, thị trường báo chí, công chúng thị trường báo chí Chương 2: Kinh nghiệm phát triển công chúng thị trường của báo Wiener Zeitung (Áo) Chương 3: Phát triển công chúng thị trường của của báo Wiener Zeitung, một số gợi ý cho báo chí Việt Nam
858 lượt xem
Thuật làm báo (Sách thực hành)
TRẦN DZĨ HẠ
“Kinh nghiệm là ông thầy tốt nhất”. Cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” nêu lên những kinh nghiệm thực tế của một người đã từng có nhiều năm viết báo và vẫn đang tiếp tục viết báo, đó là nhà báo Trần Dzĩ Hạ. Thông thường những người viết sách về những vấn đề lý thuyết thì hay tham khảo sách khác trước đó rồi mới chấp bút, như vậy là từ sách sang sách. Còn nhà báo Trần Dzĩ Hạ thì lấy vốn sống thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp của chính bản thân để viết sách, như vậy là từ cuộc sống vào sách. Cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ không giống bất kỳ một quyển sách nào trước đó về cách trình bày, không sao chép từ sách nọ sang sách kia. Cái gì Trần Dzĩ Hạ viết là của Trần Dzĩ Hạ. Những bài viết trong cuốn sách đã thể hiện sự độc lập tư duy, hay trăn trở, tính tìm tòi và đầu óc sáng tạo của tác giả, chứ không câu nệ vào những lý thuyết có sẵn. Tác giả luôn luôn đặt ra những câu hỏi, những phản biện, chứ không thấy ai nói sao nghe vậy, không dễ chấp nhận những cái có sẵn, không “tát nước theo mưa”. Sáng tạo là một trong những điều cần thiết của người viết báo và cả viết văn. Tất cả những điều này chỉ có thể tìm thấy trong một người yêu nghề, hết lòng với cây bút. Trần Dzĩ Hạ luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và phát hiện, chính điều này đã làm cho ông có nhiều đề tài để viết. Trong cuốn sách này có rất nhiều lý thuyết nghiệp vụ báo chí, từ khâu đi viết bài đến khâu toà soạn, nhưng lại được viết dưới hình thức câu chuyện hoặc tiểu phẩm, có các tình tiết cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và cũng dễ tiếp thu, dễ thực hành. Thực tế diễn ra muôn màu muôn vẻ, cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ không đưa ra những lý thuyết chung chung mà nêu lên thực tế sống động của người làm báo, trong đó có cả những thành công và những thất bại. Thành công hay thất bại của người đi trước thường để lại một kinh nghiệm đáng quý cho những người đi sau. Mặc dù, không học ở bất kỳ một trường lớp báo chí nào, song con số vài nghìn bài viết của Trần Dzĩ Hạ trên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như trên 100 tờ báo khác đã thể hiện khả năng của một người làm báo. Trần Dzĩ Hạ là phóng viên của Chương trình Thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam, rất có duyên khi viết những tiểu phẩm cho tiết mục “Tuổi trẻ và cuộc sống” và những truyện hài hước và cũng là người duy nhất của chương trình viết được những tiết mục này. Cuốn sách “Thuật làm báo - sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ chưa phải đã hoàn thiện, hoàn mỹ, nhưng nó đã bổ sung cho những tập giáo trình về nghiệp vụ báo chí đang được giảng dạy ở các trường đào tạo chuyên ngành báo chí trên cả nước. Giá như, mỗi một đời làm báo để lại một cuốn sách kinh nghiệm lưu vào kho nghiệp vụ báo chí nhằm giúp cho lớp nhà báo đi sau thì hay và quý biết mấy.
630 lượt xem
Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản
PGS.TS Nguyễn Văn Dững
Cuốn sách sẽ trang bị những kiến thức lý thuyết và kỹ năng truyền thông cơ bản, giúp sinh viên tạo lập kiến thức nền tảng và nâng cao kỹ năng về giao tiếp - truyền thông - vận động xã hội trong hoạt động truyền thông và báo chí; tăng cường khả năng hội nhập bình đẳng trong phạm vi khu vực và quốc tế, khả năng hoà nhập vào các nhóm công chúng - xã hội, một yêu cầu rất quan trọng và là một trong những điểm yếu của sinh viên báo chí hiện nay.
1592 lượt xem
Phỏng vấn trong chính luận truyền hình
TS. Trần Bảo Khánh

Trong hoạt động báo chí, phỏng vấn là công việc gắn liền với những kĩ năng cần thiết của nhà báo, thường được nhìn nhận từ hai khía cạnh: là một phương pháp công tác và một thể loại báo chí, phỏng vấn được coi là chìa khóa của thành công trong quá trình tác nghiệp của nhà báo. Ở truyền hình cũng vậy, phỏng vấn thực sự là công việc vừa khó khăn, vừa hấp dẫn để có những thông tin hấp dẫn công chúng. Vì vậy, để chinh phục được những khán giả truyền hình hiện nay trước sự cạnh tranh của các phương tiện truyền thông mới, bên cạnh những tác phẩm báo chí của nhiều thể loại khác, rất cần những cuộc phỏng vấn với đầy đủ các khía cạnh của một cuộc đấu trí giữa người phỏng vấn và người được phỏng vấn.
Nghiên cứu về phỏng vấn và phỏng vấn truyền hình, trước đây đã từng có một số công trình ở nhiều cấp độ khác nhau. Cuốn sách “Phỏng vấn trong chính luận truyền hình” mà các bạn cầm trên tay cũng là một trong số những nghiên cứu về phỏng vấn, nhưng chủ yếu trên bình diện của chính luận truyền hình. Nội dung cuốn sách đề cập tới khá nhiều các khía cạnh khác nhau trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn của các chương trình chính luận đang thực hiện trên sóng của VTV và một số kênh truyền hình khác.
Cuốn sách ra mắt bạn đọc chắc chắn khó tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Chúng tôi rất mong nhận được những ý kiến góp ý quý báu của bạn đọc để cuốn sách được hoàn thiện hơn ở những lần xuất bản sau.

636 lượt xem
Biên tập Báo chí
TS. Nguyễn Quang Hòa
Cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay là giáo trình chính thức của Học viện Báo chí - Tuyên truyền, được viết để phục vụ giảng dạy môn Biên tập báo chí cho sinh viên, những người sẽ trở thành phóng viên, biên tập viên ở các cơ quan báo chí, nhà xuất bản trong tương lai. Đồng thời, nó cũng rất bổ ích cho những người đang làm công tác biên tập, phóng viên báo chí. Ở Chương 1, tác giả đề cập đến những vấn đề lý luận và thực tiễn của công tác biên tập như “khái niệm”, “đặc điểm của công tác biên tập”, “vai trò của biên tập viên” và những vấn đề đặt ra với công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ biên tập viên. Từ Chương 2, cuốn sách nói rõ các bước lập kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, kế hoạch đột xuất; quy trình xuất bản ở các tòa soạn báo, từ bản thảo của phóng viên tới tờ báo trên tay bạn đọc (hoặc các trang điện tử, chương trình phát thanh, truyền hình). Cuốn sách còn trả lời các câu hỏi: - Những ai biên tập báo chí? Vị trí và đặc điểm của công tác biên tập là gì? - Những loại lỗi phổ biến trên báo và các lỗi hi hữu, xảy ra trong các hoàn cảnh đặc biệt. - Những nguyên tắc khi biên tập. - Người biên tập cần những tố chất gì, những loại kiến thức gì để hoàn thành tốt công việc trong các tòa soạn đa phương tiện? - Những điều cần chú ý khi biên tập các chuyên đề Xây dựng Đảng, Kinh tế, Văn hóa xã hội, Pháp luật, Thể thao... Tác giả cũng chỉ ra những kẽ hở trong quy trình biên tập, đó chính là những cạm bẫy đối với người biên tập và đưa ra cách khắc phục.
1183 lượt xem
Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại
Nguyễn Đình Hậu, Phan Văn Kiền, Phạm Chiến Thắng, Phan Quốc Hải
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và sự thay đổi trong xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng, báo chí truyền thông hiện đại cũng đang bước vào một thời kỳ mà mọi giá trị của thông điệp và tin tức đều khó có thể khẳng định sự bền vững. Sự thay đổi của công nghệ và tần suất xuất hiện của những xu hướng mới khiến cho báo chí truyền thông hiện đại luôn nằm trong xu thế vận động liên tục. Đóng một vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải thông điệp truyền thông đến công chúng, các nhà báo hiện đại cũng luôn phải thay đổi, làm mới chính mình để không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn để không bị tụt hậu so với công nghệ của nền công nghiệp truyền thông đang thay đổi từng ngày, từng giờ hiện nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại”. Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả đang cùng là nghiên cứu sinh tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nội dung cuốn sách được cấu trúc với 4 chương: Chương 1: Một số vấn đề và xu hướng chung của báo chí truyền thông hiện nay do Phan Văn Kiền viết. Chương 2: Truyền hình hiện đại: Đặc tính và xu hướng do Phan Quốc Hải viết Chương 3: Xu hướng phát thanh hiện đại trên Internet do Nguyễn Đình Hậu viết Chương 4: Những vấn đề của quảng cáo hiện đại do Phạm Chiến Thắng viết. Nội dung cuốn sách đề cập đến một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện nay, với mong muốn đem đến một cái nhìn xuyên suốt và đa diện về những xu hướng chủ đạo của báo chí truyền thông hiện đại cả trên thế giới và ở Việt Nam, cả trên lĩnh vực báo chí và truyền thông. Dù chưa bao quát hết được tất cả các lĩnh vực của báo chí và truyền thông hiện đại, nhưng ở mỗi góc nhìn, các tác giả đã cố gắng vừa bao quát được những đặc điểm chung về xu hướng của loại hình, vừa có những kiến giải riêng vào từng góc độ tiếp cận.
832 lượt xem