Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Qua câu chuyện và minh họa hấp dẫn, cuốn sách nhắn nhủ tới bạn đọc thông điệp: Giữ gìn nét đẹp văn hóa là góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc để dân tộc trường tồn và phát triển
Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung nước dòng sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng rất gần gũi và thân thiết. Là điểm giao thoa, cầu nối giữa nhiều phần của đại lục châu Á, được các nhà địa chính trị Pháp coi là gốc của châu Á, hai dân tộc Việt Nam và Lào đã có sự liên hệ trong lịch sử trường kỳ dựng và giữ nước. Như một nhu cầu tự phát và dần hướng tới tự giác, khi hữu sự, bị đe dọa xâm lược, hoặc bị xâm lược, hai dân tộc đã tìm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Thế kỷ XV, đã chứng kiến sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân các bộ tộc Lào, cả về vũ khí, đạn dược, trang bị lẫn xây dựng căn cứ chiến đấu. Sang thế kỷ XIX, vận mệnh của hai dân tộc lại gắn bó với nhau khi có kẻ thù chung là thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được nhân dân các bộ tộc Lào che chở, giúp đỡ. Phong trào Cần Vương của vua quan triều đình Huế cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các bộ tộc Lào anh em nơi vùng biên. Các nghĩa quân của các bộ tộc Lào chống Pháp cũng nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các lực lượng yêu nước chống Pháp ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào. Sự hợp tác tự nguyện và tự giác ban đầu đó đã đặt nền móng vững chắc cho bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc ở thế kỷ XX khi hoàn cảnh lịch sử đặt ra cho mỗi dân tộc và cả hai dân tộc những thách thức hết sức khó khăn cần phải vượt qua. Cuốn sách “Việt - Lào: Hai nước chúng ta”, do tác giả Nguyễn Văn Khoan sưu tầm và biên soạn, tập hợp một số công trình khoa học viết về một số chủ đề đã công bố trên các sách báo, tạp chí, được sắp xếp theo thời gian lịch sử đáp ứng yêu cầu của bạn đọc khao khát tìm hiểu một vấn đề lớn của lịch sử hai nước, đồng thời có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.
Dân gian Việt Nam có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, mang ý nghĩa những ứng xử đối với sự chết của con người là những ứng xử cuối cùng đối với cuộc đời của một con người, cũng là những hành động rốt ráo trong quan hệ giữa con người với con người trong cộng đồng. Tang ma là nghi lễ cuối cùng trong chu trình vòng đời của con người. Từ xưa đến nay, các dân tộc Việt Nam đều rất chú trọng phong tục tang ma. Hầu hết các cộng đồng tộc người ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều quan niệm cái chết không phải là sự chấm dứt hoàn toàn và chết không phải là hết. Cái chết chỉ là sự chấm dứt cuộc sống hiện tiền trong chu trình vòng đời ở hiện tại và khởi đầu một cuộc sống mới ở thế giới bên kia, có thể là thế giới của tổ tiên, thế giới của thần linh hoặc những cảnh cõi huyền diệu khác. Bởi vậy, phong tục tang ma của các dân tộc Việt Nam vừa là các nghi thức để hoàn thành những thời khắc cuối cùng của người chết trong đời sống hiện tại; tỏ lòng tri ân của gia đình, dòng họ và cộng đồng đối với người quá cố; đồng thời là bước chuẩn bị và tiễn đưa người chết bước vào một cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
Hôn nhân không chỉ là bước chuyển trọng đại trong chu kỳ vòng đời người mà còn là một sự kiện quan trọng đối với mỗi gia đình, dòng họ, làng xóm... Ngoài các quy định của pháp luật, hôn nhân cần được xác lập thông qua các phong tục cưới hỏi. Phong tục cưới hỏi của các dân tộc Việt Nam được lưu truyền từ đời này sang đời khác và luôn biến đổi theo thời gian. Bởi vậy, phong tục cưới hỏi không chỉ là một trong những nghi lễ quan trọng của chu kỳ vòng đời người, mà còn phản ánh rõ nét
đặc điểm văn hóa tộc người với những dấu ấn truyền thống và hiện đại. Từ xưa đến nay, các dân tộc Việt Nam đều rất chú trọng phong tục cưới hỏi. Phong tục cưới hỏi vừa là một sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phong tục cưới hỏi chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống đã được chắt lọc, kết tinh qua nhiều thế hệ, như lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa nghệ thuật... và có tác động sâu sắc đến việc hình thành cốt cách, tình cảm, diện mạo văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Phong tục cưới hỏi là một phần không thể thiếu đối với mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng, một thành tố quan trọng góp phần cấu thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Lào khi hai nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào (18/7/1977 - 18/7/2017) và 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (05/9/1962 - 05/9/2017); được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với các chuyên gia tổ chức biên soạn, xuất bản 11 cuốn sách kỷ niệm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào. Năm 2018, nhằm tiếp tục khẳng định và tuyên truyền sâu rộng hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hai dân tộc, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông lựa chọn 8 cuốn sách để dịch và xuất bản sang tiếng Lào, đó là:
1. Những bước tiến trong tiến trình văn học để khẳng định độc lập dân tộc của Lào và Việt Nam.
2. Quan hệ đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào giai đoạn 1954 - 2017.
3. Việt Nam - Lào: Sự gắn bó xuyên thời gian (Những nét tương đồng về chính trị, lịch sử, văn hóa từ cổ đại đến hiện đại).
4. 55 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào: Nhìn lại và hướng tới.
5. Những câu chuyện về tình đoàn kết hữu nghị Việt - Lào.
6. Sự tương đồng về tư tưởng trong văn hóa dân gian Việt Nam - Lào.
7. So sánh Xú-pha-xít Lào với ca dao Việt Nam.
8. Tìm hiểu văn hóa - lịch sử đất nước Lào.
Nội dung bộ sách giới thiệu những thông tin cơ bản về đất nước và con người Lào, về những đặc trưng của đất nước Triệu Voi thông qua các lĩnh vực lịch sử - quân sự, chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội,... cùng song hành trong thế tương quan so sánh với những đặc trưng về đất nước và con người Việt Nam. Bên cạnh đó, bộ sách còn đi sâu phân tích mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và những triển vọng kết nối trên tất cả lĩnh vực.
Ngọc Lặc là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Cẩm Thủy, Bá Thước; phía Nam giáp huyện Thọ Xuân, Thường Xuân; phía Tây giáp huyện Lang Chánh; phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Yên Định.
Ngọc Lặc từ xa xưa đã giữ một vị trí địa lý khá đặc biệt. Đối với nội tỉnh Thanh Hóa, Ngọc Lặc là vùng đất cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng miền núi với các huyện đồng bằng của tỉnh. Đối với bên ngoài tỉnh, Ngọc Lặc có tính chất mở ra với các địa phương khác trong nước. Vị trí địa lý của Ngọc Lặc ngày càng phát huy giá trị của một vùng đất mang tính cởi mở tạo nên thế và lực cho huyện trong thời kỳ hợp tác và phát triển.
Ngọc Lặc có diện tích tự nhiên 49.092,4 ha; có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm Thị trấn Ngọc Lặc (huyện lỵ) và 20 xã: Cao Ngọc, Cao Thịnh, Đồng Thịnh, Kiên Thọ, Lam Sơn, Lộc Thịnh, Minh Sơn, Minh Tiến, Mỹ Tân, Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Ngọc Trung, Nguyệt Ấn, Phúc Thịnh, Phùng Giáo, Phùng Minh, Quang Trung, Thạch Lập, Thúy Sơn, Vân Am.
Ngọc Lặc là nơi có một lịch sử cư trú lâu đời của các dân tộc: Mường, Kinh (Việt), Dao, Thái. Tính đến ngày 31/12/2023, dân số của Ngọc Lặc là 35.137 hộ. Trong đó, người Mường có 25.295 hộ, chiếm hơn 70% dân số toàn huyện. Người Kinh có 9.209 hộ, chiếm 28% dân số toàn huyện. Người Dao, người Thái và các dân tộc khác chiếm khoảng gần 2% dân số toàn huyện.
Ở Ngọc Lặc, người Mường có mặt khắp nơi trong huyện, đông nhất là ở các xã: Thạch Lập, Nguyệt Ấn, Vân Am, Thúy Sơn, Kiên Thọ, Minh Sơn, Mỹ Tân, Cao Ngọc, Quang Trung, Đồng Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Minh Tiến, Phúc Thịnh, Phùng Giáo, Phùng Minh, Cao Thịnh và Thị trấn Ngọc Lặc. Người Kinh có số dân đông ở các xã: Lam Sơn, Kiên Thọ, Minh Sơn, Ngọc Liên, Cao Thịnh, Minh Tiến và Thị trấn Ngọc Lặc. Người Dao tập trung tại làng Tân Thành thuộc xã Thạch Lập, làng Hạ Sơn thuộc thị trấn Ngọc Lặc và làng Phùng Sơn thuộc xã Phùng Giáo. Người Thái cư trú tại xã Phùng Minh, Phúc Thịnh.
Các dân tộc ở Ngọc Lặc cư trú và sinh sống với nhau hòa hợp. Người Mường có mặt trên đất Ngọc Lặc từ rất lâu đời. Huyền thoại về vùng đất cho biết các Mường như Mường Rặc (nay thuộc xã Quang Trung, Ngọc Liên, và một phần xã Ngọc Sơn), Mường Mèn (nay thuộc xã Minh Sơn, Minh Tiến); Mường Chẹ (nay thuộc xã Cao Ngọc, Mỹ Tân); Mường Lập, Mường Yến (nay thuộc xã Thạch Lập); Mường Tạ (nay thuộc xã Thúy Sơn và một phần của xã Thạch Lập); Mường Mèn (nay thuộc xã Minh Sơn, Minh Tiến); Mường Ngòn (nay thuộc xã Ngọc Khê); Mường Ứn; Mường Bằng (nay thuộc xã Kiên Thọ, Nguyệt Ấn); Mường Um (nay thuộc xã Vân Am) là các Mường cổ trong vùng. Từ đó, đã hình thành nên những lớp di sản văn hóa dân gian Mường phong phú, có nét sắc thái riêng, biểu hiện rõ nét trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, lễ hội và nguồn tri thức dân gian, kiến tạo nên bản sắc vùng đất Ngọc Lặc với nền tảng văn hóa Mường sâu đậm. Và nét đặc trưng dễ nhận thấy nhất là không gian sinh sống của người Mường với kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống. Trên địa bàn huyện hiện có gần một nghìn ngôi nhà sàn, trong đó, tập trung nhiều nhất là làng Lập Thắng, xã Thạch Lập. Lập Thắng là làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng đất Ngọc Lặc có địa thế chiến lược trọng yếu, là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Vì thế Ngọc Lặc là vùng đất có mật độ cao về các di tích lịch sử, văn hóa: Đền thờ Trung túc vương Lê Lai, Đền Lai, Đền Lê Lâm, Đền Mỹ Lâm, Đền Cao, Đền Chẹ, Đền Cọn, Đền Riếng, Đền Bà Chúa Chầm, Thiền tự Trúc Lâm - Bàn Bù. Các di tích lịch sử, văn hóa này đều gắn với các lễ hội truyền thống có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các dân tộc ở Ngọc Lặc và các vùng phụ cận.
Trên cơ sở tính đặc sắc của tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, Ngọc Lặc có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch: Du lịch cộng đồng, Du lịch sinh thái, Du lịch văn hóa, Du lịch tâm linh, Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch nông thôn, đưa du lịch trở thành một ngành, một thành phần kinh tế quan trọng của địa phương. Du lịch là ngành định hướng tài nguyên rất rõ nét, vì vậy, việc biên soạn sách Bách khoa thư Du lịch Ngọc Lặc có ý nghĩa quan trọng, nhận diện các giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tự nhiên có thể khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá, giới thiệu về tài nguyên du lịch Ngọc Lặc, nhằm đưa các di tích lịch sử, văn hóa trở thành các điểm đến, cùng các giá trị văn hóa đặc sắc trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với du khách khi đến Ngọc Lặc.
Hà Nội dường như là thủ đô thiên nhiên của châu thổ sông Nhị, của miền Bắc Việt Nam. Các mạch núi Tây Bắc đều dồn về đây, các dòng sông cũng dồn về đây rồi toả ra thế “chúng thuỷ triều Đông”. Và có lẽ bởi vậy mà vùng“đất lành chim đậu” này cũng trở thành nơi hội tụ của các anh tài, các nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước. Từ mùa thu năm Canh Tuất (1010) đất kinh thành được phục hưng và bừng nở với Long phượng thành, với 61 rồi 36 phố phường, với thập tam trại và nhiều chợ búa ở cửa ô. Trí thức, thương nhân, thợ thủ công tụ hội về đây chen đua, cọ sát trí năng thủ xảo, tâm linh để dần dần kết tinh thành văn hiến, văn vật, thành tài hoa đất kinh kỳ. Nếu nhà văn Tô Hoài cho rằng Hồ Gươm - Kẻ Chợ tạo ra tiếng Hà Nội, do trăm nhà trăm vùng đua tiếng rồi dung hợp lại mà thành, không giống bất cứ một phương ngữ tiếng Việt nào thì “tài khéo đất rồng” là kết quả hội tụ và kết tinh cái sành sỏi, cái tế vi của người Hà Nội. Xung quanh Thăng Long - Đông Kinh - Kẻ Chợ mọc dần lên các làng chuyên doanh đặc sản: các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, vàng quỳ Kiêu Kỵ, làng nghề giấy vùng Bưởi, làng hoa Ngọc Hà, quất Nghi Tàm... Làng nghề trồng trọt, làng nghề thủ công cứ thế mà nổi danh cùng năm tháng. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều nghề, làng nghề Hà Nội vẫn tồn tại, phát triển và để lại dấu ấn khó quên trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội ngày càng bộc lộ một diện mạo phong phú, một tiềm năng không nhỏ, một truyền thống nghề không thể để mai một với thời gian. Hà Nội có tiềm năng lớn về du lịch các làng nghề. Khách đến với Hà Nội không chỉ được chiêm ngưỡng các danh thắng, di tích lịch sử và các lễ hội mà còn được thưởng thức, ngắm nhìn cả một bảo tàng sống động về các sản phẩm đặc sắc, phong phú và đa dạng của các làng nghề đã được hình thành và tồn tại hàng ngàn năm lịch sử.