So sánh Xú-pha-xít Lào với ca dao Việt Nam
So sánh Xú-pha-xít Lào với ca dao Việt Nam
share twitter
Giới thiệu
Tác giả
PGS. TS Lý Hoài Thu ThS Tạ Hồng Hạnh TS Nguyễn Phương Liên
Lượt xem
1,143
ISBN
978-604-80-2836-7
Loại sách
Ebook
Nhà xuất bản
NXB Thông tin và Truyền thông
Giới thiệu sách
Người Lào có câu xú-pha-xít “Mạy huồm co po huồm xược” (Đay chung dây, cây chung khóm). Quan hệ Việt Nam - Lào như lá chung một cành, như hoa chung một bụi. Hai đất nước cùng nằm trên bán đảo Đông Dương thuộc vùng Đông Nam Á, không chỉ liền kề nhau về địa lý mà còn có mối quan hệ bang giao hữu hảo lâu đời. Bởi vậy, bên cạnh những điểm khác nhau tất yếu, xuất phát từ bản sắc dân tộc, nền văn hóa hai nước nói chung, văn học dân gian hai nước nói riêng có những điểm tương đồng như là bản chất chung trong quá trình sáng tạo folklore nhân loại cũng như sự giống nhau do những điều kiện lịch sử, địa lý tự nhiên và những quan hệ giao lưu văn hoá mang lại. Nghiên cứu sự giống nhau và khác nhau này thông qua việc so sánh xú-pha-xít Lào và ca dao Việt Nam sẽ góp phần khẳng định tính độc lập của mỗi dân tộc; đặc biệt, không chỉ giúp cho những người quan tâm hiểu biết thêm về xú-pha-xít Lào hay ca dao Việt Nam, hiểu rõ hơn những nét đẹp truyền thống trong tâm hồn và tính cách của chính mình và của người bạn láng giềng mà còn góp phần làm sáng tỏ sự giống nhau kỳ lạ, đến từng chi tiết của một bộ phận văn học dân gian giữa hai dân tộc. Trong giáo trình chính thống của ngành Văn học, các tác giả đề cập đến khái niệm trữ tình dân gian (để phân biệt với tự sự dân gian), có sử dụng cụm từ “ca dao, dân ca” đi liền với nhau. Trong đó, khi nhấn mạnh đến ba yếu tố cần chú ý để phân loại dân ca Việt Nam: 1 - Lời ca (câu hay bài) 2 - Giai điệu (giọng hoặc làn điệu) 3 - Hình thức sinh hoạt (hay lề lối hát) Có thể thấy, yếu tố thứ hai đặc trưng cho dân ca nhưng hai yếu tố còn lại thì có thể bắt gặp ở khái niệm được định danh là “ca dao” trong văn học dân gian Việt Nam. Thậm chí có thể thấy là lời những bài dân ca có cùng thi pháp với ca dao, hay có thể sử dụng bất kỳ câu ca dao nào làm lời cho một làn điệu dân ca ngẫu hứng (hát ru con, hò...). Cuốn sách còn chia riêng thể loại “Lời ăn tiếng nói của nhân dân” bao gồm tục ngữ và câu đố. Tuy nhiên, trong văn học dân gian Lào tồn tại hai khái niệm: xú-pha-xít có nội hàm bao gồm thành ngữ, tục ngữ, câu đố và cả ca dao (vì gồm nhiều câu dài, hoặc những tác phẩm được ghi lại thành lời, tách riêng khỏi các làn điệu...); lăm và khắp có nội hàm tương tự dân ca ở Việt Nam. Chính do sự khác biệt trong cách phân loại cũng như tính nguyên hợp trong các thể loại của folklore, trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng khái niệm “phương ngữ” (phương: mùi thơm, ở đây chỉ những câu nói tinh hoa của dân gian (Trữ tình dân gian: ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian), khác với cách hiểu phương ngữ là “từ/tiếng địa phương” hay thổ ngữ) song song với “ca dao” để so sánh với xú-pha-xít của Lào.
Xem thêm more
Rút gọn short
Có thể bạn thích