Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn
Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn
share twitter
Giới thiệu
Tác giả
Nguyễn Thừa Hỷ
Lượt xem
1,817
Lượt bán
1
ISBN
978-604-80-1483-4
Loại sách
Ebook
Nhà xuất bản
NXB Thông tin và Truyền thông
Giá bán
  • Mua sách
    Giới thiệu sách
    Trong những thập kỷ gần đây, trên hành tinh của chúng ta, những thuật ngữ “văn hóa”, “văn minh”, “truyền thống”, “văn hóa truyền thống” đã trở thành những từ khóa phổ biến mang tính thời thượng, được nhiều người quan tâm và nhắc đến trong cuộc sống và các phương tiện truyền thông. Đó là một điều có ý nghĩa và có thể hiểu được. Có lẽ trong cuộc sống thường ngày, chúng ta bị cuốn hút vào vòng xoáy của những lo toan và ganh đua kinh tế, lợi danh, mà đã lãng quên đi hoặc không còn thời giờ để dành cho việc suy nghĩ và chăm sóc đời sống tinh thần. Cái hiện tại cũng đang đè nặng lên những hành xử, choán hết không gian suy tư của con người, không còn chỗ đứng cho những hồi tưởng quá khứ. Mặt khác, nhìn rộng ra trên phạm vi toàn cầu, chúng ta đang đối diện với một thách thức là những va chạm xung đột giữa các nền văn minh, văn hóa đang tồn tại, lúc âm ỉ, khi bột phát. Có lẽ, sở dĩ ý thức được như vậy, mà hiện nay nhân loại đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo và kêu gọi về vấn đề văn hóa. Liên Hợp quốc, tổ chức UNESCO đã phát động Thập kỷ văn hóa, tổ chức năm Đối thoại những nền văn minh, ra nhiều nghị quyết, tuyên ngôn về đa dạng, đa nguyên và khoan dung văn hóa. Văn hóa là một lực lượng tinh thần, có thể chuyển hóa thành sức mạnh vật chất, là ngọn nguồn, xung lực của phát triển xã hội. Tuy nhiên, văn hóa cũng có thể trở thành một lực cản kìm hãm và phá hoại lịch sử, đời sống con người với những hậu quả và tổn thất khó lường. Ở Việt Nam, trong vòng một thế kỷ qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều cuộc biến động, đổi thay, xáo trộn và đấu tranh văn hóa. Ngày nay, trong quá trình hội nhập và phát triển, trước cơn lốc xoáy về tư tưởng, lối sống và hệ giá trị, chúng ta lại đang đứng giữa giao lộ của những ngã rẽ chưa có biển chỉ đường rõ ràng. Chúng ta đang được động viên, khích lệ, mà cũng đồng thời đang bị đe dọa, dối lừa bởi văn hóa. Trong một hoàn cảnh, tình huống đặc biệt như vậy, có lẽ một sự quay về, nhận diện và suy ngẫm nghiêm túc về nền văn hóa Việt Nam truyền thống sẽ là một điều bổ ích không thừa, nếu không muốn nói là cần thiết. Nền văn hóa truyền thống đã từng ngự trị hàng thiên niên kỷ trong một xã hội hầu như rất ít thay đổi, sau đó lại chịu những va đập và biến động lớn trong hơn một thế kỷ qua, đã có bộ mặt đích thực như thế nào, xu thế chuyển biến ra sao? Nó đã để lại cho chúng ta những giá trị gì cần phải kế thừa và những hệ lụy gì cần phải gạt bỏ? Có lẽ đó là những câu hỏi trăn trở mà người viết cố gắng tiếp cận khi đề ra mục đích khiêm tốn cho cuốn sách “Văn hóa Việt Nam truyền thống - Một góc nhìn”, mong đóng góp một phần nhỏ bé vào công việc chung to lớn. Tuy nhiên, gói gọn trong một vài trăm trang sách cả một nền văn hóa có hàng nghìn năm tuổi và trải ra trên một không gian xã hội rộng lớn nhiều vùng miền với nhiều đặc trưng khác biệt, quả thực là một điều không dễ dàng, đúng hơn là quá khó thực hiện. Các bộ thông sử thường ghi chép rất ít những tư liệu đời sống vật chất cũng như tinh thần. Các sách hiến chương và hội điển cũng chỉ cho biết thêm về những điển chế quan phương của nhà nước. Do đó, việc khảo cứu không thể không tìm đến những nguồn tư liệu khác, như văn hóa dân gian, dân tộc học và nhất là nguồn tài liệu thực địa “mắt thấy tai nghe” của những người nước ngoài. Điều “may mắn” là tốc độ chuyển biến của văn hóa truyền thống Việt Nam rất chậm, những hiện tượng văn hóa xảy ra ở cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX có thể cũng là những hình ảnh gần như trung thực của văn hóa, xã hội Việt Nam trong nhiều thế kỷ trước, do đó có thể coi là tư liệu gốc, những thông tin đương đại. Những thông tin này đã được ghi chép trong một số lớn sách báo của những tác giả người Pháp có mặt hoặc đã sống ở Việt Nam lúc bấy giờ. Vì vậy, người đọc sẽ có thể hiểu được và thông cảm vì sao, hình như tác giả cuốn sách có vẻ thiên vị khi sử dụng những tư liệu cổ nhiều hơn kim, trích dẫn những tác giả nước ngoài nhiều hơn các tác giả trong nước. Thực ra, những dữ kiện về văn hóa truyền thống của các tác giả lớn như Phan Kế Bính, Đào Duy Anh, Nguyễn Văn Huyên là những tư liệu cơ bản rất quý báu mà người viết cố gắng khai thác, tận dụng. Tuy nhiên, để tôn trọng tính đương thời nguyên dạng, những tư liệu đương đại - được hiểu là từ sau năm 1945 - của các tác giả trong nước và nước ngoài đã được sử dụng và trích dẫn ở mức độ hạn chế, trừ khi cần nêu lên những luận điểm kiến giải. Sau khi cung cấp những thông tin - đôi khi rất quen thuộc, bình thường đối với lớp người lớn tuổi, nhưng chưa chắc các bạn trẻ đã hiểu biết cặn kẽ, việc khó khăn hơn là tổng hợp, phân tích, đánh giá. Chúng tôi cố gắng thoát khỏi những định kiến giáo điều trong việc khen chê. Một hiện tượng có thể là tích cực về mặt này, ở thời điểm này, nhưng rất có thể lại trở thành tiêu cực ở khía cạnh khác, trong thời điểm khác và ngược lại. Bản thân một sự kiện văn hóa nhiều khi cũng mang tính hai mặt. Văn hóa Việt Nam truyền thống càng không phải là một khối đơn nguyên, thuần nhất, mà là một cấu trúc lai tạo, lưỡng nguyên đối trọng. Chúng tôi cho rằng việc có khen có chê không phải là một thái độ chiết trung thiếu ý kiến rõ ràng, mà là một phong cách tư duy phức hợp, khai mở, khoa học và biện chứng của những người làm công tác nghiên cứu hiện đại. Tất nhiên, mọi luận điểm đánh giá về những sự kiện khách quan của cá nhân tác giả vẫn chỉ là một góc nhìn chủ quan, có thể chưa thực thấu đáo, thậm chí sai sót. Nhưng khoa học chính là một tiến trình luôn luôn sửa sai để tiếp cận đến những cái ít sai hơn, trên con đường bất tận dò tìm chân lý. Hiểu biết kỹ lưỡng nền văn hóa truyền thống dân tộc, cũng như hiểu biết một người thân, với những nét đẹp và nét chưa đẹp, nết tốt và cả tật xấu, chính là cơ sở để yêu thương nhiều hơn, với một sự gắn bó bền vững hơn, mong muốn đi đến một sự hoàn thiện hơn. Điều ước muốn lớn nhất của tác giả khi viết cuốn sách cũng là như vậy. Tất nhiên, mọi tri thức, nhận thức muốn tiến đến gần sự thật, rất cần những ý kiến phản biện, tranh luận. Tác giả mong chờ những điều góp ý quý báu về cuốn sách của mọi bạn đọc gần xa.
    Xem thêm more
    Rút gọn short
    Có thể bạn thích