Giới thiệu sách
Những năm gần đây, khái niệm “phản biện xã hội” và vai trò phản biện xã hội của báo chí đã và đang trở thành những vấn đề “nóng” thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Phản biện xã hội và vai trò phản biện xã hội của báo chí truyền thông cũng được nhiều sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh lựa chọn làm công trình tốt nghiệp cho các bậc từ cử nhân đến tiến sĩ. Tuy nhiên, sự xuất hiện của phản biện xã hội trong các công trình nói trên chủ yếu ở dạng bài viết hoặc một chương để phục vụ cho quá trình nghiên cứu chứ chưa hệ thống hóa một cách toàn diện và đa chiều như là một chuyên luận hoặc chuyên khảo. Thạc sĩ Phan Văn Kiền là một trong những người đầu tiên tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường ĐKHXH và NV, Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện khóa luận tốt nghiệp đại học với đề tài về phản biện xã hội trên báo chí. Từ đó đến nay, đề tài này trở thành một vệt nghiên cứu rõ nét trong các cấp học của Phan Văn Kiền, từ cử nhân, thạc sĩ và đang thực hiện luận án tiến sĩ. Có thể nói, cuốn sách “Phản biện xã hội của báo chí Việt Nam qua một số sự kiện nổi bật” của ThS Phan Văn Kiền là công trình chuyên khảo đầu tiên, bước đầu tìm hiểu một cách toàn diện và hệ thống về vấn đề phản biện xã hội trên báo chí Việt Nam hiện nay. Chuyên khảo này thể hiện niềm đam mê của một người nghiên cứu trẻ với một đề tài mới mẻ nhưng không dễ thực hiện. Thay vì cấu trúc theo các chương như những công trình nghiên cứu khác, cuốn sách được chia làm hai phần chính: Phần thứ nhất là: Một số vấn đề về phản biện xã hội của báo chí Việt Nam, tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận chung về phản biện xã hội và phản biện xã hội trên báo chí; Phần thứ hai là: Phản biện xã hội của tác phẩm báo chí Việt Nam hiện đại qua một số sự kiện nổi bật, phần này tác giả tập trung phân tích một số trường hợp phản biện xã hội của các tác phẩm báo chí tiêu biểu. Kết cấu này mặc dù đơn giản nhưng rất rõ ràng và logic về mặt nội dung. Trong phần thứ nhất, tác giả đã trình bày một cách vừa khái quát, vừa cụ thể về những vấn đề liên quan tới phản biện xã hội và phản biện xã hội trên báo chí. Thành công nhất của phần này là tác giả mặc dù tham khảo rất nhiều công trình nghiên cứu trước đó về phản biện xã hội nhưng những vấn đề được đề cập lại không trùng với các công trình đó. Bằng những kiến giải mạch lạc và có lý, tác giả đã cho người đọc hình dung một hệ thống chặt chẽ của phản biện xã hội trên báo chí từ nguồn gốc đến khái niệm, những vấn đề chung về vai trò phản biện xã hội của báo chí, thực trạng phản biện xã hội của báo chí và cả những rào cản khách quan, chủ quan của báo chí trong việc thực hiện vai trò phản biện xã hội. Phần thứ hai, tác giả tập trung khảo sát sâu bốn sự kiện nổi bật trên báo chí trong thời gian vừa qua. Bốn sự kiện được lựa chọn đều là những sự kiện tiêu biểu, đậm nét phản biện xã hội của báo chí và mỗi sự kiện đều có một màu sắc phản biện riêng. Thành công của tác giả là không chỉ phân tích những nội dung phản biện của mỗi sự kiện trên báo chí, mà còn chỉ rõ được những phương thức, nghệ thuật phản biện của từng sự kiện trong các loạt bài khảo sát. Dù đây mới chỉ là công trình chuyên khảo bước đầu về phản biện xã hội trên báo chí, cũng là công trình đầu tay của tác giả Phan Văn Kiền, nhưng nó cho thấy đam mê và công phu của tác giả trong việc chuẩn bị tư liệu cũng như quá trình khảo sát. Lần tái bản này, công trình đã được bổ sung thêm nhiều tư liệu và nhiều phân tích phong phú, cụ thể và sát với tình hình thời sự báo chí những năm gần đây hơn. Trên thực tế, tác giả cũng đang không ngừng bổ sung thêm vào những kiến thức được xây dựng từ trước về vấn đề này bằng việc thực hiện luận án tiến sĩ báo chí học về vai trò phản biện xã hội của báo chí. Với sự trân trọng đam mê, năng lực của tác giả cũng như nội dung, chủ đề chuyên khảo, tôi xin giới thiệu công trình này tới bạn đọc
Xem thêm
Rút gọn