Thư viện
Cơ sở dữ liệu quan hệ và Ứng dụng
PGS.TS Nguyễn Bá Tường
Ngày nay, sự thành công của một doanh nghiệp phụ thuộc vào khả năng có được những dữ liệu chính xác và kịp thời về các hoạt động của doanh nghiệp, để quản lý và phân tích dữ liệu một cách có hiệu quả nhằm đưa ra được chiến lược cho những hoạt động tiếp theo. Vấn đề quản lý và sử dụng thông tin dần trở thành một ngành công nghiệp có doanh số nhiều tỷ đô la. Người ta coi giá trị của dữ liệu như là một thứ tài sản quý giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu không có được sự quản lý một cách hữu hiệu đối với lượng dữ liệu ngày càng lớn này, cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu của các câu hỏi tìm kiếm, lượng dữ liệu này sẽ trở nên vô nghĩa. Chính điều này đã thúc đẩy sự cần thiết có được một cơ sở dữ liệu cũng như một hệ quản trị cơ sở dữ liệu hiệu quả và linh hoạt, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quản lý cũng như tìm kiếm thông tin. Chúng ta có thể định nghĩa cơ sở dữ liệu như là một bộ sưu tập có tổ chức của các dữ liệu liên quan logic với nhau và được các hệ ứng dụng của một tổ chức cụ thể nào đó sử dụng. Cách tiếp cận cơ sở dữ liệu nhấn mạnh đến tính chia sẻ và tích hợp của dữ liệu trong toàn bộ hoạt động của một doanh nghiệp. Theo cách tiếp cận này, dữ liệu được lưu trữ có tổ chức, tập trung dưới dạng một cơ sở dữ liệu và giữa các dữ liệu có sự liên kết logic với nhau. Trong cuốn sách này một lần nữa chúng tôi muốn nêu có hệ thống những vấn đề quan trọng nhất của cơ sở dữ liệu quan hệ. Môt mô hình dữ liệu xuất hiện trong hầu khắp các bài toán quản lý của doanh nghiệp. Cuốn sách gồm bốn chương: Chương 1 nêu một vài khái niệm, ký hiệu toán học sẽ dùng cho các chương sau. Chương 2 là cơ sở dữ liệu quan hệ trình bày các khái niệm như quan hệ, phụ thuộc hàm, khóa, khóa chính, khóa ngoại, dạng chuẩn, ràng buộc toàn vẹn v.v. Đặc biệt trong chương này chúng tôi có đưa thêm các ví dụ ứng dụng cụ thể và các bước thiết kế một cơ sở dữ liệu. Chương 3 giới thiệu những khái niệm cơ bản nhất của lý thuyết tập thô, một công cụ đắc lực của khai thác dữ liệu, khai phá tri thức đang được những người làm tin học cả thế giới quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Việc nghiên cứu và hiểu biết về tập thô thật sự cần thiết trong nghiên cứu về cơ sở dữ liệu. Chương 4 là chương về hệ tin, một trường hợp tổng quát của khái niệm quan hệ. Hệ tin thực chất là một bảng dữ liệu. Việc đưa hệ tin vào lý thuyết cơ sở dữ liệu giúp chúng ta có cách nhìn tổng thể về mô hình dữ liệu quan hệ. Hệ tin giúp chúng ta dễ dàng diễn đạt một số bài toán như thuật toán Quiland, K-Mean, Bayer v.v.
1078 lượt xem
Giáo trình Xác xuất và Thống kê
PGS.TS Lê Bá Long
Giáo trình được biên soạn cho Hệ đại học chuyên ngành Điện tử viễn thông và Công nghệ thông tin, dựa trên nền chương trình khung của Bộ Giáo dục - Đào tạo và theo đề cương chương trình của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông phê duyệt năm 2007, cùng với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm của tác giả theo định hướng ứng dụng cho các ngành kỹ thuật. Nội dung giáo trình gồm 6 chương, tương ứng với 4 đơn vị học trình: Chương 1: Các khái niệm cơ bản về xác suất Chương 2: Biến ngẫu nhiên và các đặc trưng của chúng Chương 3: Véc tơ ngẫu nhiên và các đặc trưng cơ bản của chúng Chương 4: Luật số lớn và định lý giới hạn Chương 5: Thống kê toán học Chương 6: Quá trình ngẫu nhiên và chuỗi Markov. Điều kiện tiên quyết cho môn học xác suất và thống kê là hai môn toán cao cấp đại số và giải tích trong chương trình toán đại cương. Một số giáo trình trình bày lý thuyết xác suất trên cơ sở hệ tiên đề Kolmogorov, trong đó xác suất là một độ đo σ - cộng tính các định trong σ- đại số các biến cố. Với cách xây dựng này, các khái niệm và định lý được trình bày ngắn gọn hơn, mạch lạc hơn, tổng quát hơn. Tuy nhiên vì sự hạn chế về thời gian của chương trình toán dành cho ngành kỹ thuật nên tác giả lựa chọn cách tiếp cận lý thuyết xác suất theo hướng ứng dụng mà không theo hướng hệ tiên đề. Một số khái niệm được hình thành từ các ví dụ cụ thể, nhiều kết quả và định lý chỉ được phát biểu và minh họa chứ không có điều kiện để chứng minh chi tiết. Giáo trình được trình bày phù hợp với người tự học. Trước khi nghiên cứu nội dung chi tiết, bạn đọc nên xem phần giới thiệu của mỗi chương để thấy được mục đích, ý nghĩa, yêu cầu chính của chương đó. Tại mỗi chương, mỗi nội dung bạn đọc có thể tự đọc và hiểu được cặn kẽ thông qua cách diễn đạt và chỉ dẫn rõ ràng. Đặc biệt bạn đọc nên chú ý đến các nhận xét để hiểu sâu hơn hoặc mở rộng tổng quát hơn các kết quả và hướng ứng dụng vào thực tế. Trong giáo trình tác giả đưa vào nhiều ví dụ minh họa trực tiếp cho các khái niệm, định lý hoặc các thuật toán, vì vậy sẽ giúp người đọc dễ dàng hơn khi tiếp thu bài học. Cuối mỗi chương đều có các câu hỏi luyện tập và bài tập. Bộ câu hỏi này bao trùm toàn bộ nội dung trong chương: có những câu kiểm tra trực tiếp các kiến thức vừa được học nhưng cũng có những câu đòi hỏi bạn đọc phải vận dụng một cách tổng hợp và sáng tạo các kiến thức để giải quyết. Vì vậy việc giải các bài tập này giúp bạn đọc nắm chắc hơn lý thuyết và tự kiểm tra được mức độ tiếp thu lý thuyết của mình.
1256 lượt xem
Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại
TS. Nguyễn Thành Lợi
Sự ra đời các phương tiện truyền thông mới đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có. Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú đến “món ăn” tinh thần hàng ngày của công chúng truyền thông hiện đại. Đặc biệt, với sự ra đời của các thiết bị di động, những màn hình tương tác trở thành phương tiện truyền thông thông minh để mỗi giây, cư dân mạng có thể tải và chia sẻ hàng tỉ byte thông tin. Điều đó khiến cuộc va chạm giữa phương tiện truyền thông truyền thống và mới, giữa báo chí chính thống và truyền thông xã hội trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù thừa nhận hay không, truyền thông xã hội vẫn là một thực thể truyền thông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống truyền thông hiện đại, tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng, tác động không nhỏ đến ngành báo chí truyền thông thế giới đương đại. Có thể thấy, truyền thông Internet ra đời tạo ra xu hướng hội tụ truyền thông và đa phương tiện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự vận động và phát triển của báo chí truyền thông hiện đại. Vậy, hội tụ truyền thông là gì? Sự xuất hiện của kỷ nguyên truyền thông số đã khiến nghiệp vụ báo chí truyền thông có những thay đổi căn bản. Những thay đổi đó tác động như thế nào đến tiến trình hội tụ truyền thông? Từ tòa soạn đơn loại hình đến đa phương tiện rồi phát triển tới tòa soạn hội tụ là sự phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong bối cảnh chung đó, các tòa soạn báo ở Việt Nam nên sắp xếp và thay đổi mô hình tổ chức như thế nào để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới hiện đại? Đây là những vấn đề đang được báo giới, học giả cũng như các nhà báo hết sức quan tâm. Có thể khẳng định, sự xuất hiện thời đại truyền thông hội tụ không làm thay đổi bản chất của báo chí, mà báo chí vẫn cần sự phát hiện và khai quật của nhà báo chuyên nghiệp, vẫn cần sự gia công trong khâu biên tập và khâu xuất bản, vẫn phải thông qua phương tiện truyền thông để đưa sản phẩm báo chí tới công chúng. Và sự thay đổi của nó là tốc độ truyền phát thông tin và phương thức tiếp nhận thông tin. Nắm vững các kỹ năng làm báo hiện đại vẫn là yêu cầu quan trọng nhất của người làm báo trong môi trường truyền thông hiện nay. Trong môi trường hội tụ truyền thông, những nghiên cứu về sự thay đổi và bất biến của nghiệp vụ báo chí truyền thông ở nước ta vẫn còn khá ít ỏi. Cuốn sách “Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại” của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi giới thiệu với độc giả những nét khái quát nhất về các vấn đề khá mới mẻ đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới nhiều năm - nhiều thập kỷ qua như truyền thông xã hội, các lý thuyết truyền thông, hội tụ truyền thông, tòa soạn hội tụ, đồng thời trình bày đặc điểm và những kỹ năng cần thiết đối với “nhà báo đa năng” trong môi trường hội tụ truyền thông. Tác giả đã giới thiệu những kỹ năng cơ bản trong viết báo đa phương tiện, thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, với những ví dụ minh họa sinh động của các hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới, tác giả đã làm rõ cách thức xây dựng kế hoạch truyền thông cho một chủ đề cụ thể, phương thức sử dụng đa phương tiện, thông tin đồ họa cho báo chí hiện đại. Kết cấu của cuốn sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, phóng viên, biên tập viên và những người muốn nghiên cứu lĩnh vực này. Tìm tòi, trình bày và giải thích là mục đích của tác giả viết cuốn sách này, khi tiếp xúc với những vấn đề mà nhà nghiên cứu cảm thấy xa lạ, hoặc khi bản thân vấn đề đó còn khá mới mẻ, người nghiên cứu sẽ phải có những nhận thức sơ bộ đối với đề tài. Sau khi những nhận thức dần được hình thành, hoạt động nghiên cứu không thể chỉ dừng lại ở khâu miêu tả và đánh giá lý thuyết của nước ngoài, mà cần có sự áp dụng sâu hơn vào thực tiễn đào tạo và làm báo của nước nhà. Nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ quan sát, nhưng cuối cùng phải giải thích về sự vật mình quan sát được, cần áp dụng phương pháp nào đó để giải thích, ví dụ phương pháp xã hội học, phương pháp tâm lý học truyền thông. Góc độ phân tích phương pháp nghiên cứu của mỗi người mỗi khác mới cho ra đời những quan điểm mới mẻ, có tác dụng gợi mở cho độc giả và ngành khoa học. Công trình nghiên cứu của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi đã đưa ra những vấn đề mới mang tính gợi mở cho các cuộc thảo luận tiếp theo của các nhà khoa học, các đồng nghiệp và độc giả trong nước. Đây là hướng đi khá mới mẻ, cũng là một sự thử nghiệm rất đáng quý.
3626 lượt xem
Phóng sự báo chí - Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm
TS. Nguyễn Quang Hòa
Bằng một cách nào đó, bạn đã có và bắt đầu đọc cuốn sách này, điều đó có nghĩa trong huyết quản của bạn đã có “máu” của một người viết phóng sự. Đây là cuốn sách được biên soạn để hỗ trợ việc giảng dạy môn Phóng sự báo chí cho sinh viên năm thứ ba, bên cạnh giáo trình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ở thời điểm này, sinh viên đã được học lịch sử báo chí, cách viết tin, quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí, làm quen với một số thể loại báo chí khác như Tường thuật, Ghi nhanh. Học nghề báo không thể chỉ nghe, đọc tài liệu mà rất quan trọng phần trao đổi, hướng dẫn của những người giàu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài cụ thể. Bởi vậy, cuốn sách này ngoài cung cấp những kiến thức cơ bản về thể loại Phóng sự báo chí như: Hoàn cảnh lịch sử ra đời và phát triển của phóng sự, các dạng phóng sự, các quan niệm khác nhau về thể loại phóng sự cũng như các đặc điểm của thể loại này; những tố chất cần có của người viết; sách còn dành nhiều trang đề cập tới cách vượt qua những khó khăn khi tác nghiệp trong thực tế và cách thể hiện để bài viết sinh động, cuốn hút; cả những vấp váp của tác giả và những đồng nghiệp để bạn đọc tham khảo, sau này tránh lặp lại.
2457 lượt xem
Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại
Nguyễn Đình Hậu, Phan Văn Kiền, Phạm Chiến Thắng, Phan Quốc Hải
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và sự thay đổi trong xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng, báo chí truyền thông hiện đại cũng đang bước vào một thời kỳ mà mọi giá trị của thông điệp và tin tức đều khó có thể khẳng định sự bền vững. Sự thay đổi của công nghệ và tần suất xuất hiện của những xu hướng mới khiến cho báo chí truyền thông hiện đại luôn nằm trong xu thế vận động liên tục. Đóng một vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải thông điệp truyền thông đến công chúng, các nhà báo hiện đại cũng luôn phải thay đổi, làm mới chính mình để không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn để không bị tụt hậu so với công nghệ của nền công nghiệp truyền thông đang thay đổi từng ngày, từng giờ hiện nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại”. Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả đang cùng là nghiên cứu sinh tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nội dung cuốn sách được cấu trúc với 4 chương: Chương 1: Một số vấn đề và xu hướng chung của báo chí truyền thông hiện nay do Phan Văn Kiền viết. Chương 2: Truyền hình hiện đại: Đặc tính và xu hướng do Phan Quốc Hải viết Chương 3: Xu hướng phát thanh hiện đại trên Internet do Nguyễn Đình Hậu viết Chương 4: Những vấn đề của quảng cáo hiện đại do Phạm Chiến Thắng viết. Nội dung cuốn sách đề cập đến một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện nay, với mong muốn đem đến một cái nhìn xuyên suốt và đa diện về những xu hướng chủ đạo của báo chí truyền thông hiện đại cả trên thế giới và ở Việt Nam, cả trên lĩnh vực báo chí và truyền thông. Dù chưa bao quát hết được tất cả các lĩnh vực của báo chí và truyền thông hiện đại, nhưng ở mỗi góc nhìn, các tác giả đã cố gắng vừa bao quát được những đặc điểm chung về xu hướng của loại hình, vừa có những kiến giải riêng vào từng góc độ tiếp cận.
1979 lượt xem
Tiếng Anh chuyên ngành Điện tử - Viễn thông
Vương Đạo Vy, Đặng Đức Cường, Nguyễn Cẩm Thanh
Cuốn sách “Tiếng Anh chuyên ngành Điện tử - Viễn thông” là tài liệu học tập dành cho cho sinh viên ngành Điện tử -Viễn thông và Công nghệ thông tin, được biên soạn chủ yếu phục vụ cho đối tượng sinh viên năm thứ hai, hoặc tối thiểu đã hoàn thành chương trình tiếng Anh trình độ Elementary. Cuốn sách gồm 20 bài lựa chọn theo những chủ đề cơ bản của chuyên ngành Điện tử - Viễn thông. Nội dung các bài đều hướng vào phát triển kĩ năng đọc hiểu và kỹ năng dịch chuyên ngành. Các bài giới thiệu ngữ pháp (Language focus) được trình bày bằng tiếng Việt giúp cho sinh viên hệ thống hoá hoặc bổ sung những nội dung ngữ pháp cơ bản, thường gặp trong văn phong khoa học - như câu điều kiện, mệnh đề quan hệ, câu bị động v.v... Ngoài ra, cuốn sách còn cung cấp các bài kiểm tra giữa và cuối khoá học, các bài dịch mẫu cũng như phần giải đáp các bài tập của từng bài trong phần phụ lục giúp cho sinh viên tự đánh giá kết quả học tập của mình và tra cứu những đoạn dịch mẫu khi cần.
924 lượt xem
Quản trị bán hàng
Trần Thị Thập
Bán hàng là một hoạt động chức năng cơ bản nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thế giới, các quan điểm về bán hàng cũng được phát triển nhanh chóng theo thời gian: vai trò của người bán hàng là người cung cấp sản phẩm, dịch vụ và xác định người bán hàng là người sáng tạo giá trị. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đang trên đà phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến khâu bán hàng và quản trị bán hàng. Các sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing, trong tương lai nhiều người sẽ trở thành người quản trị bán hàng, và hơn ai hết họ sẽ phải nắm rõ Quản trị bán hàng là gì?? Cuốn sách “Quản trị bán hàng” là một công cụ khá hoàn chỉnh bao quát toàn diện các kiến thức cơ bản của Nghề bán hàng, các kỹ thuật quan trọng và phương pháp kỹ năng bán hàng, cách thức lập kế hoạch và tổ chức bán hàng và cuối cùng là phương thức kiểm soát và đánh giá bán hàng. Khi các sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing được tiếp cận đầy đủ với kiến thức chuyên môn của công tác bán hàng, họ sẽ nhận thức vị trí, vai trò của người quản trị bán hàng và nhân viên bán hàng trong doanh nghiệp, hiểu và vận dụng tốt các kỹ năng cần thiết đối với người quản trị bán hàng, cuối cùng là nhận thức được tương lai phát triển của hoạt động quản trị bán hàng. Cuốn sách này do TS.Lê Thị Thập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông biên soạn, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu cả trong nước và ngoài nước. “Quản trị bán hàng” không chỉ là tài liệu thiết yếu dành cho sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing, mà các nhà quản trị doanh nghiệp cũng sẽ tìm thấy nhiều thông tin, quan điểm mới về quản trị bán hàng.
2208 lượt xem
Giáo trình Quyền tác giả và quyền liên quan trong hoạt động xuất bản
TS. Vũ Thùy Dương, TS. Vũ Mạnh Chu
Giáo trình “Quyền tác giả, quyền liên quan trong hoạt động xuất bản” do TS. Vũ Mạnh Chu và TS. Vũ Thùy Dương biên soạn là hệ thống kiến thức sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, được vận dụng trong lĩnh vực xuất bản. Giáo trình đã chuyển tải có hệ thống, từ các nội dung đại cương về quyền tác giả, quyền liên quan và những nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ của tác giả, của các tổ chức, cá nhân đến các nội dung xác định tài sản trí tuệ của nhà xuất bản, sự cần thiết phải bảo vệ, cũng như việc áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền. Giáo trình được biên soạn dựa trên các nguồn tài liệu tin cậy là các quy định của pháp luật Việt Nam, được ghi tại Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ, các luật và văn bản pháp luật liên quan của Việt Nam về quyền tác giả và quyền liên quan, có đối chiếu với các điều ước quốc tế. Đồng thời, với việc truyền đạt có lý giải pháp luật, là các dẫn chứng thực tế đa dạng, phong phú đối với nhiều chế định pháp luật quan trọng, đã giúp cho các quy định khô cứng trở nên dễ hiểu, dễ nhớ. Ngoài ra, các phụ lục của sách cũng bổ sung những kiến thức bổ ích từ các điều ước quốc tế, hoạt động thực thi cùng với các tài liệu liên quan khác. Giáo trình được biên soạn phục vụ cho việc đào tạo sinh viên ngành Xuất bản, thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền; là tài liệu tham khảo hữu ích cho các trường đại học và cao đẳng khác cũng như bạn đọc quan tâm đến pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả, quyền liên quan nói riêng.
1490 lượt xem
Chuyện đời làm báo
Minh Đức
Khi Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, máy bay Mỹ ném bom, bắn phá các cơ sở kinh tế, các khu dân cư khiến tất cả các trường học ở Hà Nội và ở các thành phố lớn phải sơ tán về nông thôn. Cũng giống như các bạn cùng trang lứa, tôi đã phải một mình về làng Đại Từ - huyện Thanh Trì - Hà Nội để tiếp tục được đi học. Người dân vùng nông thôn đã mở vòng tay đón và cho chúng tôi ở nhờ ngay trong nhà họ. Một lần tôi được nhà báo có bút danh là “Bút Thép” phỏng vấn. Nội dung câu hỏi xoay quanh vấn đề “Cuộc sống ở nông thôn”, tôi đã rất thật thà “tâm sự” cùng ông (theo cách nhìn của một trẻ thơ) về những khó khăn trong đó có cả việc phải dùng nước ao tù làm nước sinh hoạt. “Tâm sự” của tôi được đăng tải trên báo Thiếu niên tiền phong. Thế là một cuộc “búa rìu dư luận” của những người bạn cùng lứa đã “nhắm” vào tôi. Thậm chí có những “cô bạn” đã “chụp mũ” và “quy chụp” tôi thuộc tầng lớp “tiểu tư sản”!!! Nỗi oan xuất phát từ việc “nói thật” - đã để lại ấn tượng khó phai trong tâm trí tôi. Điều nực cười là việc mà nhà báo “Bút Thép” hướng dẫn dư luận chỉ trích tôi thì chỉ hơn 10 năm sau khi Việt Nam thống nhất đã trở thành tiêu chí phấn đấu của nhà nước - phấn đấu để người dân được dùng nước sạch. Nỗi oan này khiến tôi, khi trở thành nhà báo đã định hướng cho mình trong công việc phải có “cái tâm” trong sáng; phải “nói thẳng - nói thật”. Suốt chặng đường làm báo, tôi đã được gặp nhiều người từ những người dân gặp nạn khi quyết tâm chống lại những người “móc túi” nhà nước như kỹ sư Hứa Thúy Lan, như những người dân ở Quảng Ninh bị những người nhân danh các cơ quan công quyền “bớt xén” tiền đền bù khi phải nhường đất để mở rộng quốc lộ 18A và quốc lộ 10 v.v… đến những nhân vật đã trở thành những nhân chứng lịch sử như Đại tá Bùi Tùng, người thảo lời đầu hàng cho Đại tướng Dương Văn Minh, tổng thống Việt Nam Cộng hòa, trong ngày 30/4/1975; chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, người thuộc “lực lượng thứ 3” khi miền Nam chưa được giải phóng, 4 chiến sĩ trên chiếc xe tăng 390, chiếc xe đầu tiên đâm đổ cửa Dinh Độc Lập ở Sài Gòn trong ngày 30/4/1975; Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, tác giả của Dinh Độc Lập; rồi viên tướng Gomit, người Xê-nê-gan nhưng có tâm hồn Việt Nam và hát rất hay… Tôi cũng đã thấy, đã biết được những mảng tối của cuộc sống, biết được sự tráo trở của một số người lợi dụng chức quyền hành dân; biết được nỗi khổ của người dân và cũng gặp được những con người chân chính. Như tôi đã phát biểu tại Hội thảo toàn quốc “Trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của nhà báo trong đấu tranh chống tiêu cực” được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2002: “Những bài chống tiêu cực không chỉ là những bài chứa đựng những con số trái ngược nhau để từ đó tìm ra những khuất tất trong xây dựng cơ bản, trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) mà các phóng sự đó phải mang tính nhân văn thông qua việc giải quyết tốt vấn đề đặt ra đối với số phận của những người chống tiêu cực”. Để có được một phóng sự điều tra chống tiêu cực là cả một quá trình khó khăn, vất vả mà chỉ những ai từng tham gia mới ý thức được.
1063 lượt xem
Truyền thông - Lý thuyết và kỹ năng cơ bản
PGS.TS Nguyễn Văn Dững
Cuốn sách sẽ trang bị những kiến thức lý thuyết và kỹ năng truyền thông cơ bản, giúp sinh viên tạo lập kiến thức nền tảng và nâng cao kỹ năng về giao tiếp - truyền thông - vận động xã hội trong hoạt động truyền thông và báo chí; tăng cường khả năng hội nhập bình đẳng trong phạm vi khu vực và quốc tế, khả năng hoà nhập vào các nhóm công chúng - xã hội, một yêu cầu rất quan trọng và là một trong những điểm yếu của sinh viên báo chí hiện nay.
4199 lượt xem
Kỹ năng giao tiếp
Nguyễn Thị Anh Đào, ThS. Đoàn Chí Thiện
Kỹ năng giao tiếp là một trong những kỹ năng mềm cực kỳ quan trọng trong thế kỷ 21. Đó là một tập hợp những qui tắc, nghệ thuật, cách ứng xử , đối đáp được đúc rút qua kinh nghiệm thực tế hằng ngày giúp mọi người giao tiếp hiệu quả thuyết phục hơn khi áp dụng thuần thục kỹ năng giao tiếp. Trong những năm gần đây, theo đánh giá của một số doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp ra trường thường có ý kiến cho rằng: Hạn chế lớn nhất của hầu hết sinh viên chủ yếu trên các mặt thuộc về kỹ năng mềm, mà đặc biệt là kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra lựa chọn kỹ năng giao tiếp như thế nào cho phù hợp với sinh viên bậc giáo dục cao đẳng và đại học để đảm bảo phù hợp với mục tiêu giáo dục đào tạo, nội dung chương trình cũng như phương thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá và đặc biệt là nhu cầu thực tiễn. Nhằm giúp mọi đối tượng nói chung và sinh viên nói riêng nâng cao kỹ năng giao tiếp, Thạc sỹ Đoàn Chí Thiện và Thạc sỹ Nguyễn Thị Anh Đào – Đại học Đà Nẵng biên soạn cuốn sách “Kỹ năng giao tiếp”. Nội dung cuốn sách gồm 5 chương, cụ thể như sau: Chương 1. Khái niệm về kỹ năng giao tiếp Chương 2. Các nguyên tắc khi giao tiếp Chương 3. Các loại hình giao tiếp Chương 4. Tính cách, kỹ năng cần thiết và tư thế trong giao tiếp Chương 5. Mối quan hệ, ứng xử và các kiểu trong giao tiếp Hy vọng rằng, với những hướng dẫn cụ thể mang tính hệ thống hóa sẽ góp phần tạo nên diện mạo mới cho hoạt động kỹ năng giao tiếp, một lĩnh vực còn khá mới mẻ trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Việc trang bị các kiến thức kỹ năng giao tiếp sẽ giúp sinh viên có nhiều cơ hội việc làm cũng như phát triển sự nghiệp tốt hơn trong tương lai.
1227 lượt xem
Giáo trình giao tiếp ứng xử và kỹ năng bán hàng
TỔNG CÔNG TY BƯU CHÍNH VIỄN THÔNG
Giáo trình Giao tiếp ứng xử và kỹ năng bán hàng đã được biên soạn, gồm 04 chương, nhằm trang bị cho học viên những kiến thức cơ bản về thị trường; về Marketing; các khái niệm cơ bản về giao tiếp ứng xử và kỹ năng bán hàng; các luận điểm cơ bản trong giao tiếp; những yêu cầu đối với người bán hàng bưu điện, rèn luyện kỹ năng bán hàng bưu điện..
1205 lượt xem
Cơ sở dữ liệu quan hệ và công nghệ phân tích - thiết kế
TS. Lê Văn Phùng
Cơ sở dữ liệu (CSDL) là một trong những môn học chuyên ngành quan trọng của chuyên ngành công nghệ thông tin. Mục đích của cuốn sách nhằm giúp bạn đọc nắm bắt nhanh những vấn đề cốt lõi nhất về mặt lý thuyết CSDL quan hệ, trên cơ sở đó vận dụng vào thực tế trong việc thiết kế cơ sở dữ liệu logic cũng như thiết kế hệ thống thông tin nói chung. Do đó, nội dung tài liệu không đi sâu vào việc chứng minh các định lý mà chú trọng đến việc làm sáng tỏ ý nghĩa thực tế của các công thức để từ đó hướng dẫn học viên cách tiếp cận tư duy logic, nắm vững kỹ thuật tính toán cũng như các bước triển khai giải quyết các bài toán thực tế trên khía cạnh công nghệ. Nội dung sách được biên soạn sau nhiều năm thể nghiệm giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và Trung tâm đào tạo tin học tại nhiều tỉnh thành trong cả nước. Cuốn sách gồm 3 chương: Chương 1 - Tổng quan về cơ sở dữ liệu: trích lọc những khái niệm cơ bản nhất về dữ liệu, cơ sở dữ liệu, hệ thống xử lý dữ liệu, hệ quản trị CSDL, các phương tiện diễn tả dữ liệu, từ điển dữ liệu, cũng như những khái niệm cốt lõi về mô hình dữ liệu sẽ được sử dụng trong quá trình phân tích, thiết kế CSDL. Chương 2 - Mô hình cơ sở dữ liệu quan hệ: trình bày những khái niệm cơ bản nhất về mô hình dữ liệu quan hệ của E.F.Codd, chúng được dùng nhiều trong việc thiết kế các hệ quản trị CSDL hiện nay. Chương này cũng giới thiệu những thuật toán quan trọng trong CSDL như các thuật toán tính bao đóng và khoá tối tiểu trên 1 quan hệ cũng như trên 1 sơ đồ quan hệ… Nội dung chương còn đặc biệt quan tâm đến các dạng chuẩn và các thuật toán có liên quan. Việc chuẩn hoá các quan hệ cũng như các sơ đồ quan hệ đóng một vai trò quan trọng trong việc thiết kế các hệ quản trị cơ sở dữ liệu trên mô hình dữ liệu của E.F.Codd. Bên cạnh đó, chương 2 còn tập trung hướng dẫn áp dụng các khái niệm và phương pháp tiên tiến để chuẩn hoá các quan hệ đến 3NF (3NF) trong các hệ quản trị CSDL hiện hữu. Chương 3 - Quy trình phân tích thiết kế CSDL: được trình bày một cách hệ thống toàn bộ quy trình phân tích, thiết kế một CSDL, bao gồm các giai đoạn chủ chốt như phân tích yêu cầu dữ liệu, phát triển mô hình phân tích dữ liệu, thiết kế CSDL mức logic và mức vật lý, thiết kế an toàn bảo mật cho CSDL. Quá trình phân tích, thiết kế nhằm xây dựng và quản trị CSDL được trình bày ở đây tập trung vào CSDL quan hệ, một loại CSDL được xây dựng dựa trên mô hình dữ liệu quan hệ có lý thuyết toán học vững chắc nhất. Ngoài ra, đây cũng là loại CSDL phổ biến nhất, được sử dụng hầu hết trong các hệ quản trị CSDL thông dụng trên thế giới.
1441 lượt xem
Quản lý dự án công nghệ thông tin
ThS Trần Nguyên Hương, CN Lê Hương Giang, Lê Văn Phùng
Trong quyển sách “Kỹ nghệ phần mềm”, Tiến sỹ Roger S. Pressman đã viết: “Quản lý dự án phần mềm là tầng dầu trong tiến trình kỹ nghệ phần mềm. Ta gọi nó là một tầng, thay vì là một bước hay hoạt động, bởi vì nó phủ lên toàn bộ tiến trình phát triển từ đầu đến cuối”. Việc quản lý dự án phần mềm cung cấp những hiểu biết về phạm vi công việc cần làm, những rủi ro phải chịu, các nguồn lực cần tới, nhiệm vụ cần hoàn thành, những cột mốc cần theo dõi, chi phí phải chi tiêu và lịch biểu phải tuân thủ. Quản lý dự án phần mềm rất quan trọng cho sự thành công của dự án nên cả người phụ trách dự án với tất cả các thành viên tham gia dự án phải hiểu cách tiến hành nó, hiểu cách làm việc trong khuôn khổ do dự án lập ra. Trong thực tế, do thiếu được trang bị kiến thức đầy đủ về phương pháp quản lý dự án phần mềm, hay nói rộng ra là dự án công nghệ thông tin, nên nhiều dự án công nghệ thông tin đã không thực sự thành công. Tuy có một vài cuốn sách về quản lý dự án đã được xuất bản, nhưng nhìn chung, sách quản lý dự án chuyên khảo trong từng lĩnh vực hẹp còn quá ít. Do vậy việc thực hành quản lý dự án, nhất là quản lý dự án về công nghệ thông tin còn gặp nhiều lúng túng. Với ý nguyện muốn phục vụ công tác quản lý dự án công nghệ thông tin có hiệu quả hơn, nhóm tác giả, do TS. Lê Văn Phùng làm chủ biên, đã tiến hành biên soạn cuốn sách “ trên cơ sở các tài liệu sưu tập được và từ chính các kinh nghiệm mà các tác giả đã trải qua trong quá trình thực hiện và quản lý dự án công nghệ thông tin ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách gồm 5 chương: Chương 1. Dự án và quản lý dự án Chương 2. Lập kế hoạch dự án công nghệ thông tin Chương 3. Các phương tiện phục vụ quản lý dự án Chương 4. Tổ chức triển khai, giám sát và điều chỉnh kế hoạch dự án Chương 5. Quản lý các hoạt động kết thúc dự án Đối tượng phục vụ của cuốn sách này chủ yếu là cho những người làm công nghệ thông tin, cho tất cả các bạn yêu thích, muốn thực hành về quản lý dự án. Chúng tôi hy vọng cuốn sách còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho các đồng nghiệp trong giảng dạy, nghiên cứu trên các lĩnh vực có liên quan đến khoa học quản lý. Nội dung cuốn sách này đặc biệt thích hợp với sinh viên cao đẳng, đại học và trên đại học ngành Hệ thống thông tin quản lý trong Công nghệ thông tin.
1995 lượt xem
Nghiệp vụ đấu thầu
Đào Thị Thu Trang, Nguyễn Quang Duệ
“Mua - bán” là hoạt động quan trọng nhất của nền kinh tế thị trường ở bất kỳ quốc gia nào. Để một nền kinh tế có thể tồn tại lâu dài, cạnh tranh trong mua – bán buộc phải được đặt trong môi trường công khai, minh bạch và được tiêu chuẩn hóa. Trong tất cả các hình thức mua - bán trên thị trường, hoạt động đấu thầu là một hoạt động mua bán phức tạp đòi hỏi phải được thực hiện thông qua một quy trình do một Chính phủ hoặc một tổ chức quy định. Vì vậy hoạt động đấu thầu đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra cho cạnh tranh hiện nay và thể hiện được vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường. Ở Việt Nam hiện nay, không chỉ các dự án kinh tế có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được quy định phải thực hiện đấu thầu mà các chủ đầu tư tư nhân cũng luôn coi đấu thầu là hình thức lựa chọn đối tác cung cấp hiệu quả, khiến cho hoạt động đấu thầu trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Hoạt động đấu thầu không chỉ được tổ chức ở phạm vi trong nước mà còn ở phạm vi quốc tế. Hoạt động đấu thầu ngày càng trở nên quan trọng, đòi hỏi những người tham gia phải có lượng kiến thức nhất định về đấu thầu để không phải lúng túng hoặc mắc sai phạm trong khi thực hiện. Những sai phạm trong hoạt động đấu thầu dù là vô tình hay hữu ý đều có thể gây ra những tổn thất lớn cho nền kinh tế. Vì vậy, việc nghiên cứu những vấn đề xoay quanh hoạt động đấu thầu là hết sức cần thiết cho tất cả những ai tham gia vào hoạt động mua - bán của thị trường. Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của hoạt động đấu thầu, sau nhiều năm làm việc ở lĩnh vực quản lý kinh tế và giảng dạy ở một số trường đại học, TS.Nguyễn Quang Duệ đã chủ biên tổ chức biên soạn cuốn sách “Nghiệp vụ Đấu thầu”. Nội dung cuốn sách gồm 7 chương, Chương 1: Một số vấn đề cơ bản về đấu thầu;Chương 2: Chuẩn bị đấu thầu;Chương 3: Tổ chức đấu thầu;Chương 4: Đánh giá và phê duyệt hồ sơ dự thầu; Chương 5: Kết thúc đấu thầu;Chương 6: Tổ chức các hình thức đấu thầu;Chương 7: Quản lý hoạt động đấu thầu. Đây là cuốn sách chuyên khảo cả về lý thuyết và thực hành trong lĩnh vực đấu thầu nói riêng và quản trị kinh doanh nói chung. Đặc biệt, cuốn sách đã tiếp cận các vấn đề về đấu thầu và quản lý hoạt động đấu thầu gắn với yêu cầu của thị trường và bối cảnh thực tiễn ở Việt Nam. Cuốn sách được biên soạn dựa trên hệ thống luật pháp hiện hành quy định các vấn đề liên quan đến hoạt động đấu thầu. Nghiệp vụ Đấu thầu không chỉ đáp ứng nhu cầu giảng dạy, nghiên cứu, học tập cho các trường đại học mà còn là tài liệu quí cho các nhà quản lý doanh nghiệp và những người trực tiếp tham gia các hoạt động đấu thầu.
826 lượt xem
IoT (Internet vạn vật) - Kiến trúc IoT, IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0, IoT tổ ong
TS. Phạm Anh Dũng

Nội dung sách cung cấp những kiến thức cơ bản về IoT như: kiến trúc IoT, IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0, IoT tổ ong và rất nhiều các lĩnh vực khác nhau của IoT, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “IoT (Internet vạn vật) - Kiến trúc IoT, IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0, IoT tổ ong” do TS. Nguyễn Phạm Anh Dũng (nguyên Trưởng Bộ môn Vô tuyến - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) biên soạn.

Nội dung của cuốn sách gồm 6 chương:
Chương 1. Tổng quan về IoT
Chương 2. Kiến trúc mạng và ngăn xếp giao thức Internet
Chương 3. Kiến trúc và các giao thức IoT
Chương 4. Điện toán đám mây và sương mù cho IoT
Chương 5. IoT công nghiệp và công nghiệp 4.0
Chương 6. IoT trong các hệ thống 4G LTE và 5G 
Hy vọng, cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho sinh viên các trường đại học, các chuyên gia, kỹ sư và bạn đọc quan tâm đến khái niệm, công nghệ và các ứng dụng của IoT.

1638 lượt xem