Giáo trình Tư pháp quốc tế
Giáo trình Tư pháp quốc tế
share twitter
Giới thiệu
Tác giả
TS. Ngô Quốc Chiến
Lượt xem
699
Lượt bán
3
ISBN
978-604-80-7934-5
Loại sách
Ebook
Nhà xuất bản
NXB Thông tin và Truyền thông
Quyền phát hành
Trường Đại học Ngoại Thương
Giá bán
  • Mua sách
    Giới thiệu sách

    Tư pháp quốc tế (TPQT) là một môn học bắt buộc 3 tín chỉ trong chương trình cử nhân Luật Thương mại quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương. Trong các chương trình cử nhân luật ở các trường Đại học của Việt Nam, đây cũng là môn học bắt buộc.
    Cùng với quá trình toàn cầu hóa làm cho thế giới ngày càng “phẳng” hơn, các quan hệ quốc tế ngày nay trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật cộng với nỗ lực của các quốc gia trong việc thiết lập các khuôn khổ pháp lý điều chỉnh các quan hệ quốc tế đã làm cho sự dịch chuyển của thể nhân, của hàng hóa, dịch vụ và dòng vốn trở nên dễ dàng và nhanh chóng. Trong bối cảnh đó, TPQT với tư cách là một ngành luật nghiên cứu các quan hệ tư quốc tế đã có những thay đổi lớn, với một loạt các lý thuyết mới, cách tiếp cận mới về lựa chọn pháp luật áp dụng, lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp và công nhận, cho thi hành quyết định dân sự nước ngoài, không chỉ ở các nước Civil Law, đặc biệt là châu Âu vốn được biết đến là khu vực mà ở đó TPQT phát triển rất mạnh mẽ, mà cả ở các nước thuộc hệ thống Common Law. Có thể kể tới: nguyên tắc về mối quan hệ gắn bó nhất, nguyên tắc gương soi (mirror principle), forum non conveniens, forum necessitatis, forum shopping, proper law…, Điều này đòi hỏi khoa học pháp lý về TPQT Việt Nam phải bắt kịp xu thế vận động đó.
    Chính sự phát triển nhanh chóng về số lượng và đa dạng về thể loại của các quan hệ tư quốc tế đã đòi hỏi TPQT, với tư cách là một hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh quan hệ tư quốc tế, phải có những thay đổi để bắt kịp với các xu thế vận động đó. Kể từ khi Hiến pháp mới được thông qua năm 2013, một loạt các văn bản pháp luật của Việt Nam đã được sửa đổi, đặc biệt là các văn bản luật điều chỉnh các QHDS, kinh doanh, lao động và thương mại. Nếu như hoạt động lập pháp năm 2014 được đánh dấu bằng sự ra đời của ba đạo luật quan trọng là Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và Luật Hôn nhân và Gia đình, thì năm 2015 lại là một dấu mốc đặc biệt đối với TPQT Việt Nam với việc Quốc hội đã thông qua Bộ luật hàng hải, Bộ luật dân sự (BLDS) và Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Hoạt động lập pháp liên quan đến TPQT còn được tiếp tục trong năm 2016 với việc thông qua Luật Điều ước quốc tế và tất nhiên sẽ còn được tiếp diễn với việc xây dựng mới hoặc sửa đổi các văn bản pháp luật khác, cũng như ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế điều chỉnh các quan hệ tư quốc tế. Chính sự ra đời của các văn bản mới này khiến cho TPQT với tư cách là một ngành luật nghiên cứu các quan hệ tư quốc tế cần phải được cập nhật.
    Thấy được sự cần thiết đó, Hội đồng Khoa học của Trường Đại học Ngoại thương đã giao nhiệm vụ cho Nhóm biên soạn Giáo trình Tư pháp quốc tế với ý nghĩa là tài liệu học tập và nghiên cứu chính thức của sinh viên Trường Đại học Ngoại thương, chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế. Giáo trình Tư pháp quốc tế cũng có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên các chuyên ngành khác của Trường để học môn Pháp luật đại cương.
    TPQT chịu nhiều ảnh hưởng của các quan điểm học thuật và nhiều giải pháp của luật mang tính trừu tượng, hàn lâm, nên việc tìm hiểu và áp dụng các quy định đôi khi rất khó khăn và khó định lượng kết quả. Để khắc phục tình trạng này, Giáo trình được thiết kế nhằm mục đích giải quyết các vấn đề cụ thể, giúp cho sinh viên chuyên ngành Luật Thương mại quốc tế của Trường Đại học Ngoại thương tích lũy được những kiến thức và kỹ năng cần thiết. Tên của các chương vẫn được đặt theo cách truyền thống để đảm bảo tính hàn lâm cần thiết của một giáo trình đại học, nhưng các chủ đề lớn trong từng chương sẽ được trình bày theo hướng thực tiễn hơn. Cuối mỗi chương sẽ có một danh mục tài liệu cũng như các câu hỏi và bài tập thực hành.
    Với thời lượng 3 tín chỉ, nội dung của Giáo trình được đề cập trong hai Phần. Phần thứ nhất nghiên cứu các vấn đề chung của TPQT, với 4 Chương: Khái quát chung về TPQT (Chương 1), Xung đột pháp luật (Chương 2), Xung đột thẩm quyền xét xử (Chương 3) và Công nhận và cho thi hành quyết định dân sự nước ngoài (Chương 4). Phần thứ hai đề cập đến một số quan hệ cụ thể trong TPQT, như: Hôn nhân và gia đình (Chương 5), Thừa kế (Chương 6), Tài sản (Chương 7), Hợp đồng (Chương 8), Lao động (Chương 9), Nghĩa vụ ngoài hợp đồng (Chương 10), Đầu tư (Chương 11) và Phá sản (Chương 12).
    Với cách tiếp cận như vậy, nhóm tác giả hy vọng Giáo trình sẽ không chỉ có ích cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành luật, việc giảng dạy của giáo viên, mà còn có thể phục vụ cho các chuyên gia, nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu về ngành luật rất đặc biệt này.
    Giáo trình Tư pháp quốc tế do tập thể các tác giả sau đây biên soạn:
    - TS Ngô Quốc Chiến, chủ biên, biên soạn Chương 1, Chương 2, Chương 3, Chương 4; Chương 6, Chương 8, Chương 11;
    - ThS Lý Vân Anh biên soạn Chương 7 và Chương 10;
    - ThS Đỗ Viết Anh Thái biên soạn Chương 12;
    - ThS Đinh Thị Tâm biên soạn Chương 5.
    - ThS Nguyễn Hoàng Mỹ Linh biên soạn Chương 9.

    Xem thêm more
    Rút gọn short
    Có thể bạn thích