Bộ sách 1000 năm Thăng Long Hà Nội
Bộ sách 1000 năm Thăng Long Hà Nội
ownerSố lượng sách: 10 cuốn
share twitter
Giới thiệu
Lượt xem
890
Lượt bán
3
Giới thiệu Combo

Bộ sách 1000 năm Thăng Long Hà Nội tuyển tập các cuốn sách với nội dung đa dạng về văn hóa, lịch sử và ẩm thực Hà Nội xưa.

Với mục đích đem lại trải nghiệm đọc sách tuyệt vời và tiện ích cho bạn đọc, Bộ sách này bao gồm 10 cuốn sách, trong đó, độc giả được khám phá vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc của Thủ đô từ những danh thắng 1000 năm tuổi, hòa quyện cùng dấu ấn lịch sử - văn hóa vượt thời gian cho đến vẻ đẹp thanh lịch, tao nhã của người Hà Thành.

Không chỉ tiết kiệm chi phí so với việc mua sách riêng lẻ, Bộ sách còn mang lại sự tiện ích và đa dạng cho người đọc. Với các lựa chọn đa dạng về nội dung, độc giả có thể thỏa sức khám phá và tận hưởng thế giới riêng trong từng cuốn sách

Xem thêm more
Rút gọn short
Giá bán
  • Mua combo
    Danh sách trong Combo
    Trường học Hà Nội xưa
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Trong tấm bia Tiến sĩ đầu tiên được dựng lên ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám ghi chép tên tuổi, quê quán những Tiến sĩ Nho học thi đỗ trong khoa thi năm 1442, bài ký do Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung soạn có câu: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí vững thì thế nước mạnh và thịnh, nguyên khí kém thì thế nước yếu và suy, cho nên các đấng thánh đế minh vương không ai không chăm lo xây dựng nhân tài”. Đây được xem như tuyên ngôn về giáo dục Nho học của các vương triều phong kiến Việt Nam nói riêng, của nền giáo dục đào tạo Việt Nam nói chung qua các thời kỳ lịch sử. Muốn có nhân tài để dựng nước và giữ nước thì phải giáo dục, đào tạo. Việc giáo dục, đào tạo nhân tài được thực hiện bởi các trường học, từ trường học của quốc gia, trường học ở địa phương, cho đến những ngôi trường tư thục do các thầy giáo tự lập ra để đào luyện con người. Thăng Long - Hà Nội nghìn năm qua nổi tiếng là mảnh đất thiêng của nền giáo dục Việt Nam. Nơi đây có Quốc Tử Giám Thăng Long - trường đại học sớm nhất và lớn nhất của quốc gia Đại Việt thời trung đại. Nơi đây có trường Đông Kinh nghĩa thục - ngọn cờ đầu của nền tân học Việt Nam thời cận đại. Nơi đây có nhiều ngôi trường tư thục nổi tiếng của các danh sĩ nối tiếp nhau trong suốt chiều dài lịch sử. Văn hiến Thăng Long - Hà Nội thể hiện trước hết và hơn hết, là sự tụ hội, thăng hoa và tỏa rạng trong suốt nghìn năm qua, là nơi biểu tượng bền bỉ bậc nhất của nền học vấn: các ngôi trường học xưa trên đất Thăng Long - Hà Nội.
    922 lượt xem
    Danh thắng Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Chúng ta có Hà Nội, một thành phố thật đẹp. Hà Nội đẹp vẻ đẹp của nét cổ kính, trầm mặc. Hà Nội đẹp vẻ đẹp hòa quyện dấu ấn lịch sử - văn hóa qua thời gian. Hà Nội đẹp vẻ đẹp con người thanh lịch. Hà Nội đẹp vẻ đẹp tâm hồn cao nhã... Trong những cuộc phiếm du riêng biệt ở Hà Nội, mỗi nét đổi thay của thành phố đều là những khám phá đầy hứng thú, mang phong vị rất riêng. Hà Nội có một sức quyến rũ kỳ lạ đối với người xa đến. Ở chốn xa xôi nào đó, nơi hang cùng xóm vắng hay rừng sâu núi thẳm, phương trời Tây hay phương trời Nam, chiều chiều vẫn có những người ngóng về một phương trời để cố trông cái ánh sáng mờ của Hà Nội chiếu lên nền mây, để mong mỏi một ngày được bước chân trên những đường phố cũ, thưởng ngoạn, khám phá những danh thắng của đất đế đô 1000 năm tuổi. Danh thắng Hà Nội đa dạng lắm, phong phú lắm! Một mái nhà cũ nghiêng nghiêng trong khu Phố Cổ giữa lòng Thủ đô, một dáng cầu màu son cong cong soi bóng nước Hồ Gươm, một tòa thủy đình trầm mặc điểm xuyết giữa khung cảnh non nước hữu tình bên núi Thầy, những mái đình, mái chùa thấp thoáng trên dải Hương Sơn... Đó đều là tuyệt tác của thiên nhiên và bàn tay con người, góp phần điểm tô, thêu dệt nên bức tranh hương sắc ngàn năm của Thăng Long - Hà Nội, để mỗi người đều mong ước ít nhất một lần được tận mắt ngắm nhìn, trải nghiệm!
    1643 lượt xem
    Công trình kiến trúc Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Hà Nội là nơi hội tụ tinh hoa ngàn năm văn vật, là điểm giao hòa của muôn nẻo văn hóa. Dáng nét u tịch, trầm mặc của bóng chùa Trấn Quốc soi mình bên hồ Tây; Những mái nhà nhỏ xinh lớp lớp chồng diêm trong khu phố cổ; Bức tường rêu phong cổ kính của Nhà thờ Lớn; Vẻ uy nghi, đường bệ của mái vòm Nhà hát Lớn; Bông sen tinh khiết, thanh tao nằm cạnh bậc vĩ nhân của dân tộc giữa lòng Thủ đô; Những con sóng uốn lượn dập dềnh trên mái Trung tâm Hội nghị Quốc gia... đã trở thành biểu tượng của vẻ đẹp Thủ đô. Này đây dáng dấp kiến trúc cổ truyền Á Đông trong những nếp nhà, mái đình Hà Nội. Này đây mạch nguồn châu Âu trong những công trình kiến trúc Pháp được thiết kế và xây dựng bởi chính các kiến trúc sư người Pháp. Này đây những thành tựu mới nhất của khoa học kiến trúc hiện đại được tạo tác bởi chính bàn tay và khối óc những con người mới trong một thời đại mới. Mỗi dáng nét đại diện cho một thời kỳ lịch sử trong tiến trình hàng ngàn năm xây dựng và phát triển của Thăng Long - Hà Nội. Song, kỳ diệu thay, tất cả lại đồng thời hiện hữu trong mỗi sớm mai khi thành phố bừng tỉnh giấc, để cùng con người nơi đây dựng xây cuộc sống tươi mới, và tôn vinh những bàn tay lao động sáng tạo đã xây đắp lên những công trình kiến trúc tuyệt đẹp của Thủ đô.
    1448 lượt xem
    Danh nhân Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Thăng Long - Hà Nội là miền đất thiêng của dân tộc Việt Nam, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Chính nơi đây đã sản sinh và hun đúc nên nhiều bậc danh nhân hào kiệt, những tấm gương sáng chói trong suốt dặm dài lịch sử. Hàng ngàn năm qua, suốt từ buổi đầu lập nước cho đến hôm nay, dường như không lúc nào trên mảnh đất này lại vắng bóng những con người góp phần làm nên lịch sử. Họ là những vì sao lấp lánh trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội. Danh nhân Hà Nội, những người con sinh ra và trưởng thành trên vùng đất ngàn năm thương nhớ, đã đem tài trí, sức lực của mình xây dựng, gìn giữ quê hương, đồng thời có vai trò quan trọng trong xã hội, góp phần quyết định tới dòng chảy của lịch sử dân tộc. Họ đã khắc ghi tên mình và tên quê hương (Thăng Long - Hà Nội) vào lịch sử bằng danh tiếng, chiến tích và công lao trong trọn một đời tận tuỵ cống hiến cho Tổ quốc, cho quê hương. Thăng Long - Hà Nội sắp tròn 1000 năm tuổi. Thăng Long - Hà Nội đang mở ra thời kỳ phát triển mới với sức sống mãnh liệt của mảnh đất ngàn năm. Điểm lại một số gương mặt tiêu biểu của Thủ đô, các danh nhân Thăng Long - Hà Nội, để thấy lại những con người đã bằng trí tuệ và tâm hồn, sức lực và tâm huyết, đã góp phần đáng kể tạo tác nên một cốt cách Thăng Long thanh cao và bất hủ, sống mãi ngàn năm...
    2097 lượt xem
    Sinh hoạt nghệ thuật dân gian Hà nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Từ rất xa xưa, trong lịch sử ngàn năm Thăng Long - Hà Nội, những lễ hội dân gian như hội Đền Gióng, hội Đền Cổ Loa, hội Đền Hai Bà đã được các vương triều phong kiến Việt Nam nâng lên thành quốc lễ. Đồng thời, những loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian, từ múa rối đến hát chèo... cũng được chủ động kế thừa và phát triển. Văn hoá cung đình bắt nguồn từ văn hoá dân gian, rồi chính văn hóa cung đình lại góp phần nâng cấp, phát triển văn hóa dân gian. Sự kết hợp hài hòa, bện quyện, sự tồn tại song hành, đan xen giữa hai dòng văn hoá đó đã tạo nên một phức thể văn hóa nghệ thuật độc đáo trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội. Hầu hết những loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian phổ biến ở đồng bằng Bắc Bộ đều có sự hiện diện ở Thăng Long - Hà Nội. Vùng nông thôn rộng lớn (Kẻ Quê) bao quanh Kẻ Chợ chính là nơi lưu trữ, phát triển nền văn nghệ dân gian với những làn điệu dân ca độc đáo, đặc sắc. Rồi từ Kẻ Quê, các loại hình sinh hoạt nghệ thuật dân gian này thâm nhập vào Kẻ Chợ, bồi đắp, làm phong phú thêm đời sống văn nghệ Thăng Long - Hà Nội. Và cũng chính tại đây, những nghệ sĩ của Thăng Long - Hà Nội đã đưa vào đó những nét riêng của mình, để rồi cũng là Ca trù, cũng là hát chầu văn, cũng là hát xẩm, cũng là hát chèo... nhưng được thể hiện trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội bởi những nghệ sĩ của Thăng Long - Hà Nội đã mang những dáng nét, bản sắc riêng độc đáo, trở thành Chiếng chèo cổ xứ Đoài, hát xẩm phố cổ Hà Nội...
    891 lượt xem
    Lễ hội Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Lễ hội cổ truyền là một đặc trưng của văn hoá người Việt, là nhu cầu không thể thiếu được trong tư duy và sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân. Trong đời sống người Việt, lễ hội là biểu hiện cách ứng xử văn hoá với thiên nhiên, với thần thánh và cộng đồng. Mỗi người có thể tìm thấy cho chính mình sự hồn nhiên tươi trẻ, niềm hưng phấn nghệ thuật, những xúc cảm chất phác, thơ ngây khi tự nguyện tham gia vào lễ hội. Lễ hội cũng được coi là một trong những nguồn sữa mẹ của các loại hình nghệ thuật. Lễ hội hỗn dung các tầng văn hoá trong tiến trình lịch sử, đồng thời bảo lưu, nuôi dưỡng và phát triển nhiều truyền thống văn hoá của cộng đồng, của dân tộc. Hà Nội là một đô thị cổ, nhưng cội nguồn sâu xa hơn cũng chính là một làng quê ven sông Nhị. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, Thăng Long - Hà Nội trở thành vùng đất văn vật văn hiến - một miền hội hè phong phú. Lễ hội Hà Nội vừa có nét đặc trưng đô thị, vừa thấm đượm những phong vị của làng quê, mang dáng dấp của truyền thống và nguồn cội. Lễ hội Hà Nội vừa phong phú, đa dạng, vừa hấp dẫn, lôi cuốn vô cùng. Hà Nội có hàng ngàn lễ hội, trải suốt bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông, từ tháng Giêng đến tháng Chạp, từ đỉnh Ba Vì chon von đến dải đất thơ mộng ven hồ Tây quanh năm lộng gió. Qua năm tháng, lễ hội đã ăn sâu, bén rễ, hội tụ và lan tỏa các giá trị văn hóa trên mảnh đất cổ kính và linh thiêng, trở thành một phần không thể thiếu của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi.
    1503 lượt xem
    Món ngon Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Nói đến hương và vị của món ăn Việt Nam, trước hết phải nói đến món ngon Hà Nội. Chính chiều dài lịch sử, bề dày văn hoá của mảnh đất rồng thiêng ngàn năm đã góp phần quan trọng hình thành khẩu vị của người Hà Nội. Hà Nội là nơi hội tụ của bốn phương, mang chứa tinh hoa hương vị, khẩu vị của mọi vùng, mọi xứ. Các món quà từ khắp nơi được mang về Hà Nội, được kiểm định, tôn vinh và gìn giữ trên chính mảnh đất này. Cái ngon ở Hà Nội dào dạt những hương vị hồn quê ấy. Mấy bìa đậu phụ Mơ mềm mại, ngọt mát; Một bát phở bò nghi ngút; Mấy cặp chả cá thơm lừng; Bát canh cá rô Đầm Sét; Chén rượu tim rắn ấm nồng; Đĩa giò Ước Lễ mềm đậm; Vài phong bánh cốm trong ngày cưới; Bánh cuốn Thanh Trì, bánh cốm Hàng Than, bánh tôm Hồ Tây, bánh chè lam Thạch Xá, bánh dợm Phú Nhi, bánh đa Sủi, bánh dày Quán Gánh... đượm chút gì rất tinh tế, ý vị trong thú ẩm thực đất Kinh kỳ. Tất cả tạo nên một phong vị rất riêng của ẩm thực đất Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến.
    1154 lượt xem
    Di tích lịch sử văn hóa Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Thủ đô Hà Nội là trung tâm của cả nước, nơi hội tụ tinh hoa văn hoá dân tộc. Ít có nơi nào lưu giữ được nhiều chứng tích lịch sử như thành phố Hà Nội. Nơi đây, mỗi địa danh, mỗi đường phố đều gắn với các sự tích, chiến công của ông cha. Những địa danh như Cổ Loa, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình... chứa đựng những dấu ấn, ghi nhớ những chặng đường lịch sử quan trọng, thể hiện ý chí bất khuất và tài năng của nhân dân Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Một nét kiến trúc Chùa Một Cột, tổng hòa không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám... đều góp phần làm rạng rỡ truyền thống lịch sử - văn hóa ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Các di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội là chứng tích vô giá của truyền thống ngàn năm văn vật, là viên ngọc quý, là cổ vật thiêng liêng của Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội. Các di tích lịch sử - văn hóa Hà Nội là biểu tượng của sức sống nội tại, được dựng xây từ mồ hôi công sức và cả xương máu của lớp lớp thế hệ người Việt Nam nói chung và người Hà Nội nói riêng. Đó là những tảng đá nền kê chân cột để tạo dựng tòa nhà cao vững, vừa là bằng sắc để minh chứng cho quá khứ huy hoàng, vừa là di sản quý giá, là nét vàng son của phẩm chất đặc trưng cho con người Hà Nội, con người Việt Nam, vừa là linh hồn truyền tải những giá trị thiêng liêng của mảnh đất ngàn năm văn vật. Thăng Long - Hà Nội sắp bước qua tuổi ngàn năm. Thăng Long - Hà Nội có hàng ngàn di tích lịch sử - văn hóa. Các di tích lịch sử - văn hóa chính là một cây cầu kết nối Thăng Long xưa với Hà Nội nay, nối liền quá khứ - hiện tại - tương lai. Yêu Thăng Long - Hà Nội, trân trọng di sản của ông cha, trước hết và hơn hết là yêu, trân trọng, giữ gìn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
    1248 lượt xem
    Mỹ thuật Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen
    Trong mỹ thuật truyền thống Việt Nam, mỹ thuật dân gian Hà Nội đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Các tác phẩm điêu khắc được tạo tác ở các chùa, đình, đền Hà Nội, hay những bức tranh dân gian Hàng Trống, Kim Hoàng độc đáo thể hiện những dấu ấn lớn của mỹ thuật dân gian Thăng Long - Hà Nội nói riêng và mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung, phản ánh được tính cách và tâm hồn người Hà Nội xưa, bảo tồn các giá trị lịch sử - văn hóa to lớn trong nhiều mặt của cuộc sống. Đến thời kỳ cận đại và hiện đại, mỹ thuật hiện đại Hà Nội với những con người Hà Nội mới, từ các hoạ sĩ tự học đến các họa sĩ ở Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, từ các nghệ nhân dân gian đến những nghệ sĩ được đào tạo bài bản, đã không ngừng tiếp thu phương pháp khoa học tạo hình của Mỹ thuật phương Tây (được coi là một cơ sở khoa học xây dựng hình tượng nghệ thuật) và kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình truyền thống trong sáng tác mỹ thuật, đã làm chủ nhiều chất liệu như sơn dầu, sơn mài, lụa, tranh khắc, không ngừng sáng tạo các tác phẩm mỹ thuật trong dòng chảy chung của nghệ thuật. Mỹ thuật Hà Nội đã phản ánh được cái đẹp về hình ảnh cuộc sống, phong tục, tập quán của người Hà Nội, vẻ đẹp con người Hà Nội, với đầy đủ phẩm chất nghệ thuật và mang một bản sắc văn hoá tạo hình có nhiều nét riêng biệt. Nhiều tài năng bậc thầy, với nhiều phong cách nghệ thuật độc đáo của Mỹ thuật Hà Nội đã góp phần tạo nên một diện mạo chung của nền mỹ thuật Việt Nam. Đồng thời, mỹ thuật Hà Nội là nơi hội tụ và tỏa sáng tinh hoa truyền thống dân tộc, nơi ghi danh những bậc thầy của hội hoạ - điêu khắc Việt Nam hiện đại với những bản sắc độc đáo của mình.
    1063 lượt xem
    Làng nghề thủ công Hà Nội
    Hà Nguyễn, Ha Nguyen

    Hà Nội dường như là thủ đô thiên nhiên của châu thổ sông Nhị, của miền Bắc Việt Nam. Các mạch núi Tây Bắc đều dồn về đây, các dòng sông cũng dồn về đây rồi toả ra thế “chúng thuỷ triều Đông”. Và có lẽ bởi vậy mà vùng“đất lành chim đậu” này cũng trở thành nơi hội tụ của các anh tài, các nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước. Từ mùa thu năm Canh Tuất (1010) đất kinh thành được phục hưng và bừng nở với Long phượng thành, với 61 rồi 36 phố phường, với thập tam trại và nhiều chợ búa ở cửa ô. Trí thức, thương nhân, thợ thủ công tụ hội về đây chen đua, cọ sát trí năng thủ xảo, tâm linh để dần dần kết tinh thành văn hiến, văn vật, thành tài hoa đất kinh kỳ. Nếu nhà văn Tô Hoài cho rằng Hồ Gươm - Kẻ Chợ tạo ra tiếng Hà Nội, do trăm nhà trăm vùng đua tiếng rồi dung hợp lại mà thành, không giống bất cứ một phương ngữ tiếng Việt nào thì “tài khéo đất rồng” là kết quả hội tụ và kết tinh cái sành sỏi, cái tế vi của người Hà Nội. Xung quanh Thăng Long - Đông Kinh - Kẻ Chợ mọc dần lên các làng chuyên doanh đặc sản: các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, vàng quỳ Kiêu Kỵ, làng nghề giấy vùng Bưởi, làng hoa Ngọc Hà, quất Nghi Tàm... Làng nghề trồng trọt, làng nghề thủ công cứ thế mà nổi danh cùng năm tháng. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều nghề, làng nghề Hà Nội vẫn tồn tại, phát triển và để lại dấu ấn khó quên trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội ngày càng bộc lộ một diện mạo phong phú, một tiềm năng không nhỏ, một truyền thống nghề không thể để mai một với thời gian. Hà Nội có tiềm năng lớn về du lịch các làng nghề. Khách đến với Hà Nội không chỉ được chiêm ngưỡng các danh thắng, di tích lịch sử và các lễ hội mà còn được thưởng thức, ngắm nhìn cả một bảo tàng sống động về các sản phẩm đặc sắc, phong phú và đa dạng của các làng nghề đã được hình thành và tồn tại hàng ngàn năm lịch sử.

    1132 lượt xem
    Có thể bạn thích