Ngọc Lặc là huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa, phía Bắc giáp huyện Cẩm Thủy, Bá Thước; phía Nam giáp huyện Thọ Xuân, Thường Xuân; phía Tây giáp huyện Lang Chánh; phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Yên Định.
Ngọc Lặc từ xa xưa đã giữ một vị trí địa lý khá đặc biệt. Đối với nội tỉnh Thanh Hóa, Ngọc Lặc là vùng đất cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa giữa vùng miền núi với các huyện đồng bằng của tỉnh. Đối với bên ngoài tỉnh, Ngọc Lặc có tính chất mở ra với các địa phương khác trong nước. Vị trí địa lý của Ngọc Lặc ngày càng phát huy giá trị của một vùng đất mang tính cởi mở tạo nên thế và lực cho huyện trong thời kỳ hợp tác và phát triển.
Ngọc Lặc có diện tích tự nhiên 49.092,4 ha; có 21 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm Thị trấn Ngọc Lặc (huyện lỵ) và 20 xã: Cao Ngọc, Cao Thịnh, Đồng Thịnh, Kiên Thọ, Lam Sơn, Lộc Thịnh, Minh Sơn, Minh Tiến, Mỹ Tân, Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Ngọc Trung, Nguyệt Ấn, Phúc Thịnh, Phùng Giáo, Phùng Minh, Quang Trung, Thạch Lập, Thúy Sơn, Vân Am.
Ngọc Lặc là nơi có một lịch sử cư trú lâu đời của các dân tộc: Mường, Kinh (Việt), Dao, Thái. Tính đến ngày 31/12/2023, dân số của Ngọc Lặc là 35.137 hộ. Trong đó, người Mường có 25.295 hộ, chiếm hơn 70% dân số toàn huyện. Người Kinh có 9.209 hộ, chiếm 28% dân số toàn huyện. Người Dao, người Thái và các dân tộc khác chiếm khoảng gần 2% dân số toàn huyện.
Ở Ngọc Lặc, người Mường có mặt khắp nơi trong huyện, đông nhất là ở các xã: Thạch Lập, Nguyệt Ấn, Vân Am, Thúy Sơn, Kiên Thọ, Minh Sơn, Mỹ Tân, Cao Ngọc, Quang Trung, Đồng Thịnh, Lộc Thịnh, Ngọc Trung, Ngọc Liên, Ngọc Sơn, Minh Tiến, Phúc Thịnh, Phùng Giáo, Phùng Minh, Cao Thịnh và Thị trấn Ngọc Lặc. Người Kinh có số dân đông ở các xã: Lam Sơn, Kiên Thọ, Minh Sơn, Ngọc Liên, Cao Thịnh, Minh Tiến và Thị trấn Ngọc Lặc. Người Dao tập trung tại làng Tân Thành thuộc xã Thạch Lập, làng Hạ Sơn thuộc thị trấn Ngọc Lặc và làng Phùng Sơn thuộc xã Phùng Giáo. Người Thái cư trú tại xã Phùng Minh, Phúc Thịnh.
Các dân tộc ở Ngọc Lặc cư trú và sinh sống với nhau hòa hợp. Người Mường có mặt trên đất Ngọc Lặc từ rất lâu đời. Huyền thoại về vùng đất cho biết các Mường như Mường Rặc (nay thuộc xã Quang Trung, Ngọc Liên, và một phần xã Ngọc Sơn), Mường Mèn (nay thuộc xã Minh Sơn, Minh Tiến); Mường Chẹ (nay thuộc xã Cao Ngọc, Mỹ Tân); Mường Lập, Mường Yến (nay thuộc xã Thạch Lập); Mường Tạ (nay thuộc xã Thúy Sơn và một phần của xã Thạch Lập); Mường Mèn (nay thuộc xã Minh Sơn, Minh Tiến); Mường Ngòn (nay thuộc xã Ngọc Khê); Mường Ứn; Mường Bằng (nay thuộc xã Kiên Thọ, Nguyệt Ấn); Mường Um (nay thuộc xã Vân Am) là các Mường cổ trong vùng. Từ đó, đã hình thành nên những lớp di sản văn hóa dân gian Mường phong phú, có nét sắc thái riêng, biểu hiện rõ nét trong phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, ẩm thực, trang phục, lễ hội và nguồn tri thức dân gian, kiến tạo nên bản sắc vùng đất Ngọc Lặc với nền tảng văn hóa Mường sâu đậm. Và nét đặc trưng dễ nhận thấy nhất là không gian sinh sống của người Mường với kiến trúc ngôi nhà sàn truyền thống. Trên địa bàn huyện hiện có gần một nghìn ngôi nhà sàn, trong đó, tập trung nhiều nhất là làng Lập Thắng, xã Thạch Lập. Lập Thắng là làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.
Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, vùng đất Ngọc Lặc có địa thế chiến lược trọng yếu, là căn cứ địa của nghĩa quân Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược. Vì thế Ngọc Lặc là vùng đất có mật độ cao về các di tích lịch sử, văn hóa: Đền thờ Trung túc vương Lê Lai, Đền Lai, Đền Lê Lâm, Đền Mỹ Lâm, Đền Cao, Đền Chẹ, Đền Cọn, Đền Riếng, Đền Bà Chúa Chầm, Thiền tự Trúc Lâm - Bàn Bù. Các di tích lịch sử, văn hóa này đều gắn với các lễ hội truyền thống có tầm ảnh hưởng lớn trong cộng đồng các dân tộc ở Ngọc Lặc và các vùng phụ cận.
Trên cơ sở tính đặc sắc của tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch văn hóa, Ngọc Lặc có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch: Du lịch cộng đồng, Du lịch sinh thái, Du lịch văn hóa, Du lịch tâm linh, Du lịch nghỉ dưỡng, Du lịch nông thôn, đưa du lịch trở thành một ngành, một thành phần kinh tế quan trọng của địa phương. Du lịch là ngành định hướng tài nguyên rất rõ nét, vì vậy, việc biên soạn sách Bách khoa thư Du lịch Ngọc Lặc có ý nghĩa quan trọng, nhận diện các giá trị văn hóa truyền thống và giá trị tự nhiên có thể khai thác phát triển thành sản phẩm du lịch, đồng thời quảng bá, giới thiệu về tài nguyên du lịch Ngọc Lặc, nhằm đưa các di tích lịch sử, văn hóa trở thành các điểm đến, cùng các giá trị văn hóa đặc sắc trở thành các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn đối với du khách khi đến Ngọc Lặc.