Giới thiệu sách
Là “nhà xuất nhập khẩu văn hóa”, Hữu Ngọc đã sáng tác và thuyết trình nhiều để giới thiệu ra thế giới tinh hoa văn hóa Việt Nam và phổ biến trong nước tinh hoa văn hóa của nhiều dân tộc. Chúng tôi, độc giả nước ngoài, tìm hiểu văn hóa Việt Nam qua tác phẩm Lãng du trong văn hóa Việt Nam của ông: bản tiếng Anh (Wandering through Vietnamese culture) được Giải vàng sách Việt Nam 2006, tái bản và in 10 lần, bản tiếng Pháp (A la decourverte de la culture du Vietnam) được giải GADIF 2008 (Giải các đại sứ và tổ chức Pháp ngữ ở Việt Nam) và in 6 lần - tổng cộng khoảng hai vạn bản in. Hữu Ngọc là một mắt xích nối văn hóa Việt Nam với văn hóa thế giới. Tác phẩm Hữu Ngọc - Đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam giới thiệu lịch sử văn hóa Việt Nam qua chân dung những người cùng thời với ông. Hữu Ngọc sinh cuối năm 1918. Ông sống gần trọn thế kỷ XX và bắc cầu sang thế kỷ XX - XXI. Ở trong nước, ông vừa là nhân chứng và như các công dân Việt Nam khác, là tác nhân ít nhiều của các giai đoạn lịch sử Việt Nam thời Pháp thuộc, Nhật thuộc, Cách mạng tháng Tám, Tuyên ngôn độc lập, chiến tranh chống Pháp, Mỹ, Khơme đỏ, Trung Quốc, thời “bao cấp”, thời “đổi mới mở cửa” đến “toàn cầu hóa”. Trong khung cảnh quốc tế, ông cũng sống trong giai đoạn cực kỳ biến động, sau chiến tranh thế giới I, cuộc đấu tranh dân chủ chống Phát xít, chiến tranh thế giới II, chiến tranh lạnh, Mỹ bá chủ thế giới sau khi Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, công cuộc phi thực dân hóa, thế giới thứ ba trỗi dậy, cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật vô tiền khoáng hậu, sự diễn biến sắp xếp - cân bằng lực lượng của các siêu cường… Trong tác phẩm này, Hữu Ngọc thể nghiệm vốn sống của mình trong bối cảnh quốc gia và quốc tế, thể nghiệm qua giao lưu trực tiếp và gián tiếp (sách, báo, thông tin) với những người cùng thời. Hữu Ngọc hiểu “Hữu Ngọc đồng hành cùng thế kỷ văn hóa - lịch sử Việt Nam” theo quan niệm chủ quan của mình: đó là những người trong nước và ngoài nước sống và hành động khi ông bước vào tuổi có ý thức về cuộc sống xã hội ngoài cái nôi gia đình (tuổi lên 9 - 10). Đối với ông, cụm từ “những người cùng thời” bao gồm những nhân vật có tên và cả quần chúng, các nhóm xã hội vô danh. Vì tác giả chỉ đề cập đến những giao lưu tiếp xúc bản thân, nên có thể có những nhân vật và sự kiện quan trọng đương thời không xuất hiện trong sách của ông. Thị lực của Hữu Ngọc rất yếu nhưng cái nhìn nội tâm của ông lại rất sâu sắc, đôi lúc hóm hỉnh khi phác họa một chân dung, kể lại một sự việc, nêu lên hay thể hiện một vấn đề. Mong các bạn đọc thích thú tìm thấy ở những người cùng thời một bức trang lịch sử gần trăm năm với những âm hưởng lan tỏa cho đến ngày nay.
Xem thêm
Rút gọn