Chuyển đổi số thế nào?
Chuyển đổi số thế nào?
Chọn loại sách
share twitter
Giới thiệu
Tác giả
Hồ Tú Bảo Nguyễn Nhật Quang
Lượt xem
222
ISBN
978-604 -80-7580-4
Loại sách
Ebook
Nhà xuất bản
NXB Thông tin và Truyền thông
Giới thiệu sách

Chuyển đổi số là câu chuyện mới đang diễn ra ở hầu hết các quốc gia với những mức độ và cách thức khác nhau. Ở nước ta, Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã nhanh chóng lan tỏa trên cả nước. “Chuyển đổi số” đã thành một từ được nói đến hàng ngày trên truyền thông. Cuộc sống của người dân cũng đang dần gắn nhiều hơn với môi trường thực-số. Nhiều doanh nghiệp đang tích cực tìm hiểu và thực hiện chuyển đổi số. Hầu hết các tỉnh thành và bộ ngành đã công bố đề án chuyển đổi số. Ủy ban Quốc gia về Chuyển đổi số đã được thành lập và hoạt động để giúp Chính phủ điều hành công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
Nhận thức về chuyển đổi số liên quan đến hai vấn đề chính: “chuyển đổi số là gì và vì sao phải làm?” và “làm chuyển đổi số thế nào?”. Trong khi vấn đề thứ nhất được nói đến nhiều thời gian qua, những câu hỏi của vấn đề thứ hai như “cần làm gì để chuyển đổi số?”, “phải bắt đầu từ đâu?”, “ai làm chuyển đổi số?”, “thành bại của chuyển đổi số vì sao?”, “tổ chức việc thực hiện chuyển đổi số thế nào?”… vẫn đang rất cần được trả lời và làm rõ.
Hai năm trước chúng tôi viết cuốn sách “Hỏi đáp về chuyển đổi số” với 200 câu hỏi và trả lời để chia sẻ nhận thức ban đầu của mình về chuyển đổi số là gì. Mong muốn tìm câu trả lời về làm chuyển đổi số thế nào dẫn chúng tôi đến những thách thức mới. Những cuốn sách đã xuất bản trên thế giới phần lớn mô tả các hoạt động cụ thể về chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh của các nước phát triển và ít về phương pháp làm chuyển đổi số. Gần hai năm qua khi tìm hiểu, trao đổi, trải nghiệm với nhận thức dần rõ hơn, chúng tôi đề xuất phương pháp luận ST-235 về làm chuyển đối số, và viết cuốn sách này để chia sẻ với cộng đồng.
Phương pháp luận ST-235 có cốt lõi là tư duy hệ thống được mô tả với hai phần. Phần một (ST) xác định mô hình hệ sinh thái thực-số của các tổ chức với tám hợp phần chia thành các nhóm về hoạt động chính (sản phẩm-dịch vụ, quy trình vận hành, quản trị-quản lý), về nhân tố thành bại (con người, thể chế, công nghệ), về dữ liệu và kết nối, và về an toàn an ninh hệ thống. Chuyển đổi số của một tổ chức về bản chất là xây dựng hệ sinh thái thực-số của mình từ hệ sinh thái hiện tại, và việc này được thực hiện theo phương thức mô tả ở phần hai (235) của ST-235, với 2 nguyên lý, 3 cặp nguyên tắc, và 5 nội dung cốt lõi cần làm.
Hai nguyên lý của ST-235 là tư tưởng chủ đạo và dẫn dắt toàn bộ quá trình chuyển đổi số, xác định rằng chuyển đổi số là quá trình tự thay đổi một cách hệ thống và chuyển đổi số là quá trình liên tục đổi mới sáng tạo với dữ liệu và kết nối. Ba cặp nguyên tắc của ST-235 xác định những điều cần tuân theo khi thực hiện chuyển đổi số, gồm tổng thể và toàn diện, đồng bộ và đột phá, chính chủ và lãnh đạo. Năm vấn đề cốt lõi mỗi tổ chức cần thực hiện khi chuyển đổi số là con người, thể chế, công nghệ, lộ trình, và quản trị thực thi.
Cuốn sách được chia thành sáu chương. Chương Một tóm tắt những khái niệm và vấn đề cơ bản của chuyển đổi số. Chương Hai giới thiệu phương pháp luận ST-235. Bốn chương tiếp theo trình bày về làm chuyển đổi số quốc gia, các lĩnh vực kinh tế-xã hội, các địa phương và doanh nghiệp nhìn theo phương pháp luận ST-235.
Chúng tôi chân thành bày tỏ lời cảm ơn sâu sắc đến Nhóm Thinktank VINASA vì những điều được chia sẻ, được học tập từ các thảo luận về chuyển đổi số vào các sáng thứ bảy hàng tuần. Chúng tôi chân thành cảm ơn bạn bè, đồng nghiệp và gia đình với những động viên và khuyến khích hoàn thành cuốn sách; cảm ơn các tỉnh thành, các tập đoàn, các doanh nghiệp, tổ chức, trường học, các đơn vị tổ chức tập huấn chuyển đổi số… đã cho chúng tôi cơ hội đến trao đổi, giới thiệu ST-235 và nhận được nhiều câu hỏi thú vị; cảm ơn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tổ chức GIZ và 11 trường dạy nghề về hoạt động chuyển đổi số chúng tôi được tham gia trong gần hai năm qua; cảm ơn Cục Tin học hóa (hiện nay là Cục Chuyển đổi số quốc gia), Bộ Thông tin và Truyền thông; cảm ơn Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã hợp tác với chúng tôi làm cuốn sách này.

Xem thêm more
Rút gọn short
Có thể bạn thích