Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Việt Nam là một quốc gia văn hiến có lịch sử phát triển mấy nghìn năm rực rỡ; ngay từ thế kỷ XV, sau khi đánh đuổi quân Minh, giành lại độc lập cho đất nước, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã khẳng định trong “Bình Ngô đại cáo”: 唯, 我 大 越 之 國, 實 為 文 献 之 邦…Duy, ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang...: Như nước Đại Việt ta, thực là một nước văn hiến.... Một trong những nhân tố đặc biệt quan trọng góp phần làm nên văn hiến Việt Nam chính là Nho giáo, Nho học; và chính những di tích nho học là một phần bộ mặt của nền văn hiến đó. Với truyền thống “tôn sư trọng đạo”, trọng người hiền tài; hơn 500 năm về trước, vâng mệnh vua Lê Thánh Tông - vị minh quân “võ công văn trị” nổi tiếng trong lịch sử dân tộc; Thân Nhân Trung - Hàn lâm viện Thừa chỉ, Đông các Đại học sĩ, Quốc tử giám Tế tửu, Lễ bộ Thượng thư, Lại bộ Thượng thư, đã viết: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng Thánh đế, minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sĩ quan hệ với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quý trọng kẻ sĩ không biết thế nào là cùng...”[1]. Thực tế cho thấy, với bất cứ một quốc gia, dân tộc nào muốn phát triển đều phải chú trọng đến việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực - nhân tài cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa nước nhà, sự nghiệp giáo dục - đào tạo càng có vai trò to lớn hơn bao giờ hết. Việc nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống và kinh nghiệm của cha ông là một động thái quan trọng cho tiến trình hội nhập và phát triển hiện nay. Trong lịch sử dân tộc, tầng lớp Nho sĩ Việt Nam đã góp phần to lớn của mình trong sự nghiệp củng cố và phát triển đất nước. Công lao to lớn của họ đã được đất nước và nhân dân trân trọng, tôn vinh. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã luôn dành cho họ vị trí xứng đáng trong xã hội; thể hiện bằng việc sử dụng, bổ nhiệm những người có tài, có trình độ học vấn đã đỗ đạt vào các vị trí trong bộ máy chính quyền phong kiến từ Trung ương đến địa phương. Việc tưởng nhớ, ghi công ông tổ nho học và các hiền triết - danh nho ở bất kỳ triều đại nào cũng là mối quan tâm của chính quyền phong kiến các cấp cũng như đông đảo các tầng lớp nhân dân. Từ đó đã ra đời hệ thống di tích thờ tự danh nho trên khắp miền đất nước. Vùng đồng bằng Bắc Bộ, mảnh đất gốc, cái nôi của văn minh Việt, nơi đã tiếp nhận sớm nhất sự du nhập và ảnh hưởng của Nho giáo từ Trung Hoa. Đây cũng là vùng đất mà Nho học phát triển mạnh nhất và đạt được những thành tựu to lớn nhất. Cũng chính ở đây, hệ thống di tích Nho học có số lượng khá lớn. Sau những biến thiên dữ dội của lịch sử dân tộc, hệ thống Văn miếu ở đồng bằng Bắc Bộ hiện chỉ còn lại 4 di tích với qui mô kiến trúc tương đối lớn ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên. Ngoài ra, một số địa phương trên cả nước cũng còn giữ lại được nhiều di tích Văn miếu với qui mô và tính chất khác nhau, như: Văn Thánh Huế, Khổng Tử miếu [Hội An, Quảng Nam], Khổng Tử miếu Tam Kỳ [Quảng Nam], Văn miếu Bình Định, Văn miếu Diên Khánh [Khánh Hòa], Văn miếu Trấn Biên [Đồng Nai], Văn Thánh miếu Vĩnh Long… và rất nhiều các văn chỉ, từ chỉ với qui mô và hiện trạng khác nhau ở các địa phương. Trong những năm qua, việc nghiên cứu các di tích Nho học ở các địa phương cũng đã và đang được tiến hành dưới nhiều mức độ khác nhau. Từ đó rút ra những ý nghĩa, bài học cần thiết để khai thác giá trị của hệ thống di tích Nho học trong quá trình Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế tri thức hôm nay. Kế thừa những thành tựu to lớn của các nhà nghiên cứu trước đây, cuốn sách "Hệ thống di tích Nho học Việt Nam và các văn miếu tiêu biểu ở Bắc Bộ" sẽ hệ thống hóa tổng quan những vấn đề về Nho giáo và Nho học Việt Nam đồng thời giới thiệu khá chi tiết những di tích Văn miếu tiêu biểu ở Bắc Bộ. Cuốn sách cũng cung cấp một cách tiếp cận đa chiều thông qua việc “giải mã văn hóa” các vấn đề liên quan đến hệ thống di tích Nho học. Điều đó giúp cho người đọc hiểu sâu hơn về các di sản văn hóa tri thức của cha ông ta để lại.