Kinh tế - Tài chính
Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc gia
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cùng phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Nghiên cứu chủ trương, đường lối, cơ chế và chính sách phát triển kinh tế trong Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”. Hội thảo tập hợp các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, các nhà hoạt động thực tiễn trong cả nước để trao đổi thảo luận, chia sẻ kết quả nghiên cứu về quan điểm, chủ trương, đường lối, cơ chế và chính sách phát triển kinh tế, với hy vọng tạo một kênh trao đổi học thuật gợi ý các ý tưởng mới, các tiếp cận mới, các mô hình mới về phương diện phát triển kinh tế.
Các nghiên cứu được chọn lọc tốt nhất theo cơ chế phản biện để đăng chính thức trong kỷ yếu này đề cập đến các chủ đề: Đổi mới kinh tế gắn với hoàn thiện thể chế; Đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng đổi mới sáng tạo; Phát triển các loại thị trường gắn với xu hướng phát triển kinh tế số; Phát triển các thành phần kinh tế trên cơ sở mở rộng quyền tự do kinh doanh; Phát triển nguồn nhân lực gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đặc biệt, kỷ yếu còn có những bài viết với cách tiếp cận mới hướng tới phát triển bền vững cho Việt Nam như tăng trưởng theo cơ chế đền bù sinh thái cấp vùng và tiếp cận liên kết vùng chủ động.
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh ngoài các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu công bố quốc tế thì còn có trách nhiệm là kênh nghiên cứu tư vấn cho khu vực doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách vĩ mô. Do vậy, Kỷ yếu khoa học này được chính thức xuất bản với hy vọng trở thành một tài liệu tham khảo với kỳ vọng đóng góp một phần về phương diện phát triển kinh tế từ kênh học thuật của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Trân trọng cám ơn Ban Kinh tế Trung ương và các nhà khoa học đã gửi bài viết tâm huyết và tham dự Hội thảo.

173 lượt xem
Phân tích SWOT trong chiến lược kinh doanh
NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG
Mô hình phân tích SWOT là một công cụ hữu dụng được sử dụng nhằm hiểu rõ Điểm mạnh ( Strengths), Điểm yếu ( Weaknesses), Cơ hội ( Opportunities) và Nguy cơ ( Threats) trong phân tích kinh doanh của một doanh nghiệp. Thông qua phân tích SWOT, doanh nghiệp sẽ nhìn rõ mục tiêu của mình cũng như các yếu tố trong và ngoài tổ chức có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực tới mục tiêu mà doanh nghiệp đề ra. Trong quá trình xây dựng kế hoạch chiến lược, phân tích SWOT đóng vai trò là một công cụ căn bản nhất, hiệu quả cao giúp bạn có cái nhìn tổng thể không chỉ về chính doanh nghiệp của mình mà còn thấy được những yếu tố luôn ảnh hưởng và quyết định tới sự thành công của doanh nghiệp bạn. • Điểm mạnh là những tác nhân bên trong doanh nghiệp mang tính tích cực hoặc có lợi giúp bạn đạt được mục tiêu. • Điểm yếu là những tác nhân bên trong doanh nghiệp mang tính tiêu cực hoặc gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của bạn. • Cơ hội là những tác nhân bên ngoài doanh nghiệp ( thị trường kinh doanh, xã hội, chính phủ…) mang tính tích cực hoặc có lợi giúp lợi đạt được mục tiêu. • Nguy cơ là những tác nhân bên ngoài doanh nghiệp ( thị trường kinh doanh, xã hội, chính phủ…) mang tính tiêu cực hoặc gây khó khăn trong việc đạt được mục tiêu của bạn. Có thể thấy, mục đích của phân tích SWOT là nhằm xác định thế mạnh mà bạn đang nắm giữ cũng như những điểm hạn chế cần phải khắc phục. Nói cách khác, SWOT chỉ ra cho bạn đâu là nơi để bạn tấn công và đâu là nơi bạn cần phòng thủ. Cuối cùng, kết quả SWOT cần phải được áp dụng một cách hợp lý trong việc đề ra một Kế hoạch hành động (Action plan) thông minh và hiệu quả. Thấy rõ tầm quan trọng của SWOT, trường Đào tạo Doanh nhân PTI, nơi đào tạo hàng nghìn nhà lãnh đạo cấp cao và cấp trung, đã tổ chức biên soạn cuốn sách “Phân tích SWOT trong chiến lược kinh doanh”. Hy vọng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp có thể hiểu rõ SWOT để vận dụng thành công vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp mình.
523 lượt xem
Phân tích tài chính
Nguyễn Thị Liên Hoa, Lê Đạt Chí, Từ Thị Kim Thoa, Vũ Việt Quảng, Nguyễn Thị Ngọc Trang
Nếu ví giám đốc tài chính (CFO) là đỉnh cao nhất trong nghề tài chính, thì việc trở thành một chuyên gia phân tích tài chính chuyên nghiệp cũng có nghĩa là bạn đang tìm cách chinh phục một trong những đỉnh cao cuối cùng để trở thành một CFO thực thụ. Với mục tiêu như trên, quyển sách này được biên soạn dựa trên những kiến thức mới và hiện đại nhất về phân tích tài chính để cung cấp những công cụ hỗ trợ giúp bạn phân tích, dự báo và chẩn đoán bệnh tình của công ty nhằm mục tiêu đạt được tối đa hóa giá trị công ty và giá chứng khoán mà bạn đang nắm giữ.
482 lượt xem
Tài chính doanh nghiệp hiện đại (Tái bản lần 2 - Có chỉnh sửa bổ sung)
Trần Ngọc Thơ

Quyển sách chuyên khảo tài chính doanh nghiệp hiện đại dựa trên kinh nghiệm giảng dạy môn học tài chính doanh nghiệp và một tập hợp các tài liệu nghiên cứu rất có giá trị của các giáo sư có uy tín ở các trường đại học nổi tiếng trên thế giới chuyên nghiên cứu tài chính doanh nghiệp và thị trường tài chính như các giáo sư Stewart C.Myers, Richard A.Brealey, Stephen A.Ross, Black&Scholes, William F.Sharpe, J.C.Hull, Alan Shapiro v.v. Đây là những giáo sư rất nổi tiếng mà có lẽ các bạn đã từng nghe tên tuổi.

1136 lượt xem
Phát triển du lịch góp phần giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền núi phía bắc
Bộ Thông tin và Truyền thông

Các tỉnh miền núi phía Bắc là địa bàn có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng. Tuy nhiên, thực trạng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; nhận thức của người dân cũng như các cấp chính quyền trong việc phát triển kinh tế du lịch còn hạn chế. Vì vậy, việc cung cấp những thông tin cần thiết cho người dân, cán bộ, chính quyền các cấp về phát triển kinh tế du lịch gắn với giảm nghèo bền vững là việc làm vô cùng thiết thực để kinh tế du lịch các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển, mang lại lợi ích thực sự cho cộng đồng dân cư nơi đây. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông giao Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các chuyên gia biên soạn, xuất bản cuốn sách “Phát triển du lịch góp phần giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc”. Nội dung cuốn sách giới thiệu tổng quan và phân tích những khái niệm cơ bản; những chủ trương, chính sách của Nhà nước, của vùng về phát triển du lịch và giảm nghèo bền vững. Đồng thời cũng đúc kết các bài học kinh nghiệm về phát triển du lịch gắn với giảm nghèo làm cơ sở để đề ra các giải pháp nhằm phát triển du lịch gắn với giảm nghèo bền vững ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

516 lượt xem
Quản trị tri thức trong Doanh nghiệp
TS. Nguyễn Thu Hương, TS. Đặng Thị Việt Đức
Đã từ lâu các doanh nghiệp đều nhận ra rằng khó có thể cạnh tranh chỉ bằng cách đầu tư mở rộng vốn và lao động - hai nguồn lực đầu vào truyền thống của phương trình sản xuất. Muốn cạnh tranh, doanh nghiệp phải dựa vào một nguồn lực chiến lược, đó là tri thức. Trên thực tế, nhiều công ty duy trì siêu lợi nhuận bằng cách tạo ra, duy trì các bí quyết về vật liệu, sản phẩm và quy trình sản xuất kinh doanh. Tuy vậy, việc nhận thức một cách rõ ràng rằng tri thức là một tài sản chiến lược và là nguồn lực duy nhất tạo lợi thế cạnh tranh bền vững trong điều kiện kinh tế phát triển nhanh chóng hiện nay khi việc giữ các bí mật kinh doanh trở nên khó khăn lại là một điều mới. Khái niệm quản trị tri thức cũng là một nhận thức mới và các mô hình quản trị tri thức chỉ có lịch sử hơn hai thập niên, cũng là quá non trẻ so với lịch sử quản trị doanh nghiệp hàng thế kỷ. Để cung cấp các kiến thức cơ bản về quản trị tri thức, nhóm tác giả do TS. Đặng Thị Việt Đức và TS. Nguyễn Thu Hương phối hợp với NXB Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Quản trị tri thức trong doanh nghiệp”. Nội dung của cuốn sách gồm 7 chương, cụ thể như sau: Chương 1: Tổng quan về tri thức Chương 2: Tổng quan về quản trị tri thức Chương 3: Sáng tạo tri thức Chương 4: Nắm bắt và mã hóa tri thức Chương 5: Chia sẻ tri thức và cộng đồng thực hành Chương 6: Ứng dụng tri thức Chương 7: Quản lý nhân viên tri thức trong doanh nghiệp Cuốn sách được biên soạn dựa trên những khái niệm và quy trình phổ biến nhất về quản trị tri thức. Các tác giả cũng cố gắng trích dẫn nhiều kinh nghiệm ứng dụng quản trị tri thức tại một số doanh nghiệp trên thế giới, cũng như trình bày các công cụ, các bài học kinh nghiệm thực hành quản trị tri thức để người đọc có cái nhìn cụ thể, thực tiễn và thuyết phục hơn. Hy vọng, cuốn sách sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho nhà nghiên cứu, các độc giả đang và sắp bước vào lĩnh vực quản trị doanh nghiệp và quản trị tri thức.
899 lượt xem
Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực tự cường
PGS. TS Đỗ Đức Định, PGS. TS LÊ VĂN TOAN
Ấn Độ giành được độc lập dân tộc năm 1947, đến nay đã trải qua 70 năm xây dựng và phát triển. Trong suốt tiến trình đó, tự lực tự cường luôn là mục tiêu cơ bản hàng đầu mà nhân dân và Chính phủ Ấn Độ phấn đấu để thực hiện, mặc dù trong mỗi thời kỳ đã áp dụng những chính sách, giải pháp thực tiễn khác nhau. Giai đoạn đầu từ khi mới được giải phóng khỏi chế độ thuộc địa vào giữa thế kỷ XX đến năm 1990, Ấn Độ đã kiên trì theo đuổi đường lối độc lập, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính (self-reliance). Đến thời kỳ cải cách từ năm 1991 đến nay, Ấn Độ đã chuyển mạnh sang thực hiện chính sách tự do hoá, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế; và trong thực tiễn, đã liên tiếp có những giải pháp sáng tạo như thực hiện các cuộc cách mạng về giải phóng dân tộc, cách mạng Xanh phát triển nông nghiệp, nông thôn, Cách mạng Trắng phát triển chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm, Cách mạng Xám phát triển giáo dục, khoa học - công nghệ, Cách mạng Công nghiệp để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, mà ngày nay là công cuộc công nghiệp hóa lần thứ tư, còn gọi là “công nghiệp hóa 4.0”. Dù có những thay đổi về chính sách, giải pháp cho phù hợp với thực tế, nhưng về cơ bản, mục tiêu tự lực, tự cường của nhân dân và Chính phủ Ấn Độ luôn nhất quán, không thay đổi, luôn nhằm xây dựng đất nước trở thành một cường quốc, trong đó có cường quốc kinh tế vào thế kỷ XXI. Đó chính là lý do để chúng tôi đặt tên cho cuốn sách này là “Kinh tế Ấn Độ: Tiến trình tự lực, tự cường”. Tiến trình xây dựng đất nước theo đường lối tự lực, tự cường đã mang lại cho Ấn Độ những thành quả ngày càng to lớn, nâng mức tăng trưởng kinh tế bình quân từ 4 - 5%/năm trong các thập niên 1950-1980 lên 7 - 8%/năm trong các thập niên cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI, riêng năm 2006 đạt đỉnh cao 9,6%, sau đó liên tục tăng trưởng bình quân khoảng 7,5%/năm, đến 2016 GDP của Ấn Độ tính theo tỷ giá hối đoái đã đạt 2.300 tỷ USD, đưa Ấn Độ từ nền kinh tế kém phát triển lên vị trí thứ năm thế giới, vượt cả nền kinh tế Anh với 2.290 tỷ USD, chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức, đồng thời trở thành một trong năm nền kinh tế mới nổi thuộc nhóm BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi. Yếu tố chính dẫn tới việc nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ là do nước này đã chuyển đổi mô hình phát triển từ nặng về độc lập, tự chủ, hướng nội, thay thế nhập khẩu, sang đẩy mạnh cải cách, tự do hóa, hướng vào xuất khẩu, tăng cường phát triển kinh tế thị trường, tư nhân hóa xí nghiệp quốc doanh, coi trọng hơn khu vực tư nhân, mở rộng hội nhập quốc tế, phát triển các ngành kinh tế - công nghệ hiện đại như công nghệ thông tin và các ngành dịch vụ mới. Nhằm làm sáng tỏ tiến trình tự lực tự cường của Ấn Độ, chúng tôi chia cuốn sách thành 6 chương để đi sâu nghiên cứu, phân tích một cách hệ thống những bước đi, chính sách và cách làm sáng tạo của Ấn Độ. Cụ thể Chương 1 nghiên cứu 2 thời kỳ thực hiện 2 mô hình tăng trưởng khác nhau nhưng có liên quan mật thiết với nhau, đó là thời kỳ 1947-1990 thực hiện chính sách độc lập tự chủ, tiếp đến là thời kỳ cải cách theo hướng tự do hoá, hiện đại hóa, mở rộng hội nhập quốc tế từ năm 1991 đến nay, và triển vọng xây dựng đất nước trở thành một cường quốc kinh tế của thế kỷ XXI. Chương 2 nghiên cứu quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế tri thức, tập trung vào các ngành cơ bản như nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, và khoa học - công nghệ. Chương 3 nghiên cứu quá trình chuyển đổi các hoạt động kinh tế đối ngoại từ nặng về đóng cửa, hướng nội, thay thế nhập khẩu, sang mở cửa, hướng vào xuất khẩu, kết hợp phát triển kinh tế thị trường ở trong nước với hội nhập khu vực và quốc tế, phát triển ngoại thương, đầu tư nước ngoài (gồm cả đầu tư của nước ngoài vào Ấn Độ và đầu tư của Ấn Độ ra nước ngoài), thực hiện Chính sách Hướng Đông, rồi Hành động phía Đông, mở rộng quan hệ kinh tế của Ấn Độ từ khu vực Nam Á thông qua Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) sang các nước ASEAN, rồi cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời tăng cường quan hệ kinh tế với các nước công nghiệp phát triển. Chương 4 phân tích ý tưởng và khả năng thực tế của Ấn Độ trong nỗ lực nhằm xây dựng một cường quốc kinh tế vào thế kỷ XXI thông qua việc nghiên cứu những năng lực được tạo dựng trong 70 năm công nghiệp hóa, đánh giá công cuộc cải cách theo hướng tự do hoá tạo đà cho nền kinh tế cất cánh như thế nào, phân tích các yếu tố khu vực và quốc tế ngày càng mở ra những cơ hội mới góp phần thúc đẩy nền kinh tế quốc dân vươn lên đạt những đỉnh cao mới. Chương 5 nghiên cứu mối quan hệ truyền thống gắn bó giữa Ấn Độ và Việt Nam, trọng tâm là sự hợp tác trong lĩnh vực kinh tế. Chương 6 giới thiệu những bài viết ngắn gọn, cập nhật thông tin chuyên biệt về kinh tế, thương mại Ấn Độ đương đại.
799 lượt xem
Bộ sách xây dựng kế hoạch Marketing hoàn hảo - Tập 1. Nền tảng Marketing
NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG
Trong bối cảnh thị trường kinh doanh toàn cầu đang có nhiều thay đổi nhanh chóng, các doanh nghiệp luôn phải xem xét các cơ hội và hiểm họa mà toàn cầu hóa đem lại. Người làm marketing cần có sự tinh nhanh trong nắm bắt thông tin để có thể điều chỉnh phù hợp với tương lai. Một trong những nhân tố tiên quyết tạo nên hiệu quả marketing cho doanh nghiệp đó chính là khâu lập kế hoạch marketing. Kế hoạch marketing là cách sắp xếp cấu trúc để hướng dẫn quá trình quyết định thị trường mục tiêu cho sản phẩm hay dịch vụ của doanh nghiệp bao gồm thị trường cần gì, muốn gì, sau đó sẽ đáp ứng các nhu cầu và mong muốn đó tốt hơn so với các đối thủ. Về bản chất, việc lập kế hoạch marketing một cách chặt chẽ được tiến hành theo một quy trình 10 bước quy tắc nhưng lô-gic, cho phép doanh nghiệp xác định các vấn đề, câu trả lời, câu hỏi một cách chính xác và ra quyết định. Qui tắc 10 bước được chia thành 4 phần chính như sau: 1. Marketing cơ bản bao gồm các thông tin dựa trên những gì mà kế hoạch marketing sẽ phát triển. 2. Kế hoạch marketing sẽ cung cấp hướng dẫn cho việc thực hiện trên thị trường 3. Việc thực hiện kế hoạch marketing là sự tương tác thực tế với thị trường mục tiêu và có nhiệm vụ tạo ra doanh thu và lợi nhuận như dự kiến 4. Việc đánh giá phương pháp marketing là việc đo mức độ thành công của việc thực hiện kế hoạch trên thực tế và rút ra bài học để có thể kết hợp với nền tảng marketing sẵn có nhằm phục vụ cho sự phát triển cho kế hoạch marketing của năm tới. Đứng trước yêu cầu của thực tế và mong muốn trợ giúp các doanh nghiệp Việt Nam biến ý tưởng thành hành động, Trường Đào tạo Doanh nhân PTI đã biên soạn bộ sách “Xây dựng Kế hoạch Marketing hoàn hảo” nhằm giúp các doanh nghiệp tìm được giải pháp marketing cơ bản mỗi ngày. Bộ sách gồm 03 tập như sau: Tập 1: Nền tảng Marketing (gồm 03 chương): Tập trung đưa ra những phương pháp cơ bản hướng dẫn các doanh nghiệp tiến hành đánh giá hoạt động kinh doanh và các bước chuẩn bị cho việc triển khai đánh giá. Đây là phần đặc biệt quan trọng dành cho mỗi doanh nghiệp trước khi bắt tay vào thực hiện lập kế hoạch. Xuất phát từ những thông tin đánh giá ấy để xác định chính xác những thách thức và cơ hội doanh nghiệp đang đón nhận. Tập 2: Kế hoạch Marketing (gồm 16 chương): Nội dung triển khai hướng dẫn doanh nghiệp tiến hành trình tự tất cả bước trong quy trình lập kế hoạch Marketing từ việc xác định mục tiêu bán hàng, thị trường mục tiêu, mục tiêu marketing, định vị thương hiệu, đến việc đưa ra chiến lược marketing, chiến lược sản phẩm, định giá sản phẩm, phân phối… Tập 3: Thực hiện và Đánh giá: Ngay sau khi doanh nghiệp của bạn đã có kế hoạch marketing hoàn hảo, phù hợp với hoạt động kinh doanh của mình, bạn sẽ được hướng dẫn thực hiện các bước trong kế hoạch vào thực tiễn kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp của bạn đưa ra được những đánh giá chính xác, khoa học nhất về tác động của kế hoạch marketing. Bộ sách này được đúc kết qua nhiều năm giảng dạy cho hàng nghìn lãnh đạo cấp cao và cấp trung, tư vấn trực tiếp cho hàng trăm doanh nghiệp về chiến lược phát triển và lập kế hoạch marketing, Trường Đào tạo Doanh nhân PTI hy vọng các doanh nghiệp sẽ gặt hái được nhiều thành công trong kinh doanh sau khi biết cách lập kế hoạch markeing một cách hoàn hảo.
533 lượt xem
Phân tích kỹ thuật: Hoạch định chiến lược giao dịch
Lê Đạt Chí, Phan Thị Bích Nguyệt
Phân tích kỹ thuật là dự đoán các biến động về giá cả trong tương lai dựa trên việc xem xét các biến động giá trong quá khứ. Giống như dự báo thời tiết, phân tích kỹ thuật không đưa đến một dự đoán hoàn toàn chính xác về tương lai. Thay vào đó, phân tích kỹ thuật giúp các nhà đầu tư dự đoán về những gì có thể xảy ra. Chính vì vậy, chúng tôi tập trung việc hoạch định chiến lược giao dịch tương ứng với những công cụ của phân tích kỹ thuật làm trọng tâm cho cuốn sách này. Mỗi một công cụ mà nhà phân tích kỹ thuật sử dụng đều hàm chứa trong nó là những chiến lược giao dịch thích ứng. Do đó điều cần thiết cho một nhà giao dịch là hoạch định nên chiến lược cho việc giao dịch hơn là đi dự báo thị trường.
639 lượt xem
Kinh tế tri thức và phát triển bền vững (Tập 1)
Nguyễn Thanh Tuyên
Nhân loại đã trải qua hơn 20 năm đầu thế kỷ XXI - thế kỷ bùng nổ của công nghệ thông tin và kinh tế tri thức trên phạm vi toàn cầu. Nhân loại cũng ngày càng thấm thía những giới hạn của thiên nhiên trước áp lực khủng khiếp về nhu cầu vật chất ngày càng gia tăng của 8 tỷ con người. Những nhu cầu vật chất không thể thay thế được ấy vốn là động lực của phát triển đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường sống của con người là Trái Đất. Thông qua mô hình Niêu cơm Thạch Sanh, một mô hình tổng quát, vĩ mô cả về không gian và thời gian, cùng cách tiếp thu khoa học và phản biện, cuốn sách giúp độc giả hiểu được bản chất của sự phát triển, vai trò và ý nghĩa của công nghệ số, tri thức, đặc biệt là bí mật của quá trình tạo ra giá trị và của cải nhờ kinh tế tri thức và công nghệ số với các sản phẩm như phần mềm, vaccine phòng Covid-19. Cuốn sách dành cho những ai muốn có một tầm nhìn lớn, tư duy đột phá về con đường phát triển của nhân loại, về sức mạnh vô cùng to lớn của kinh tế tri thức, công nghệ thông tin và mối quan hệ của chúng với phát triển bền vững. Cuốn sách cũng dành cho những ai chuẩn bị trước cho tương lai trước những hiểm họa chưa từng có do sự phát triển mang tính hủy diệt của kinh tế và công nghệ khiến thế giới đi vào kỷ nguyên khan hiếm vĩnh viễn.
998 lượt xem
Cách tư duy và giao dịch như một nhà vô địch đầu tư chứng khoán
Mark Minervini
Cuốn sách Cách Tư Duy và Giao Dịch Như Một Nhà Vô Địch Đầu Tư Chứng Khoán giúp bạn làm chủ hoạt động giao dịch bằng cách tuân theo những quy tắc giao dịch mãi mãi trường tồn theo thời gian và những kỹ thuật đã được chứng minh là hiệu quả. Bạn sẽ có lời giải đáp cho những câu hỏi hóc búa nhất và thường dễ bị hiểu nhầm nhất, chẳng hạn như khi nào các khoản lãi nhỏ trong ngắn hạn sẽ tạo nên tỷ suất sinh lợi lớn trong dài hạn; khi nào nên cắt lỗ thậm chí trước khi giá chạm vào mức cắt lỗ; làm thế nào thiết lập quy mô vị thế tối ưu; nên mua và bán khi nào và như thế nào; nên kiểm tra cái gì trong phân tích hậu giao dịch để cải thiện yếu điểm của bạn và xây dựng nền tảng vững chắc hướng tới thành công. Trong cuốn sách đầu tay, Phong Cách Giao Dịch của Một Phù Thủy Chứng Khoán (Trade Like a Stock Market Wizard) (được xuất bản bởi McGraw-Hill vào năm 2013), tôi đã cung cấp nền tảng cho những ai muốn học hỏi chiến lược giao dịch SEPA® của tôi. Mặc dù tôi chưa bao giờ có ý định viết bộ sách hai tập, nhưng cuốn sách này chứa đựng nhiều vấn đề tôi không đề cập đến trong cuốn sách đầu tay vì giới hạn không gian của cuốn sách. Trong những trang tiếp theo, tôi sẽ tiết lộ công thức bí mật được đúc rút từ 33 năm giao dịch thực tế. Đây là “cuốn sách hướng dẫn thực hành” vô giá về các chiến lược giao dịch giúp tôi trở thành Nhà Vô Địch Đầu Tư Hoa Kỳ (US Investing Champion) và biến vài ngàn đôla thành cơ ngơi hàng triệu đôla.
692 lượt xem
Quản trị tài chính doanh nghiệp
TS. Đặng Thị Việt Đức, ThS. Đinh Xuân Dũng
Cuốn sách Quản trị tài chính doanh nghiệp được viết nhằm mục tiêu cung cấp kiến thức và công cụ quản trị tài chính doanh nghiệp căn bản, là cơ sở để từng bước tiếp cận, giải quyết các vấn đề cụ thể trong nội dung quản trị tài chính doanh nghiệp. Với đối tượng đầu tiên của cuốn sách là các sinh viên khối ngành kinh tế, tài chính, quản trị, cuốn sách được viết sao cho các sinh viên mới bắt đầu tìm hiểu về chủ đề này cũng có thể hiểu về các quyết định tài chính doanh nghiệp và vai trò của quản trị tài chính doanh nghiệp trong quá trình ra quyết định quản trị toàn doanh nghiệp. Tuy vậy, các độc giả khác cũng có thể tìm đọc cuốn sách như tài liệu tham khảo hữu ích về quản trị tài chính doanh nghiệp.
394 lượt xem
Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp khu vực: Tín dụng xanh khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long - Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Phân hiệu Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh tại Tỉnh Vĩnh Long
Đồng bằng sông Cửu Long là một khu vực thuộc Đông Nam Á, là nơi sinh sống của nhiều nền văn hóa và dân tộc khác nhau. Sông Mekong chảy qua vùng đồng bằng và khu vực này được biết đến với sản xuất lúa gạo. Đồng bằng sông Cửu Long cũng là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất trên thế giới trước biến đổi khí hậu. Mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu đã và đang bắt đầu tác động đến Đồng bằng sông Cửu Long, vì tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt ngày càng phổ biến. Điều này đang có tác động tàn phá đến người dân sống ở Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như môi trường nơi đây. Tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh. Ngoài ra, ngân hàng xanh có thể giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, đồng thời khuyến khích mọi người áp dụng các thực hành thân thiện với môi trường hơn. Đó chính là lý do Trường ĐH Kinh tế Tp.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam – Chi nhánh tỉnh Vĩnh Long tổ chức hội thảo cấp khu vực: “Tín dụng xanh tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: Cơ hội, thách thức và xu hướng phát triển”. Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận về tác động của tín dụng và tài chính xanh tại Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Hội thảo bao gồm 19 tham luận đề cập đến các khía cạnh khác nhau của tài chính xanh ở Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long. Mục đích của hội thảo là giới thiệu tài chính xanh ở Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời đưa ra một số giải pháp phát triển tài chính xanh nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam. Hội thảo đã thành công tốt đẹp, hy vọng rằng các giải pháp đề xuất sẽ giúp phát triển nền tài chính xanh ở Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như làm gia tăng nhận thức của chính quyền địa phương, người dân và doanh nghiệp về xu hướng phát triển kinh tế xanh cho khu vực này hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho tương lai.
663 lượt xem
Sức mạnh mềm Ấn Độ: Gợi mở đối với Việt Nam
PGS. TS. Lê Văn Toan

Vì mới xuất hiện vài thập niên gần đây nên sức mạnh mềm được coi là khái niệm khoa học mới. Nhưng với Ấn Độ, một trong bốn nền văn minh cổ của nhân loại, có lịch sử dài lâu đến hơn 5000 năm; một quốc gia có hơn 1,3 tỷ dân, sử dụng hàng trăm ngôn ngữ khác nhau, ưa thích đàm đạo triết học và hiện là một quốc gia mạnh về nhiều mặt, nên sức mạnh mềm Ấn Độ, trên thực tế, lại là một thực thể văn hóa - xã hội đã hiện hữu từ rất sớm, khó nơi đâu trên thế giới có thể so sánh. Viết về sức mạnh mềm Ấn Độ, do vậy, là thách thức với tất cả những ai có ý định nghiên cứu về chủ đề này, kể cả những người đã hiểu biết sâu về Ấn Độ. Trên tay bạn đọc là cuốn chuyên khảo “Sức mạnh mềm Ấn Độ: gợi mở đối với Việt Nam” của tác giả PGS.TS. Lê Văn Toan, nhà nghiên cứu hàng đầu và cũng là Giám đốc sáng lập Trung tâm nghiên cứu Ấn Độ thuộc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

684 lượt xem
Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia: Thực trạng và Triển vọng
Nguyễn Xuân Thiên
Cách đây nửa thế kỷ, vào ngày 24/6/1967, Việt Nam và Campuchia chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Sự kiện chính trị trọng đại này là một mốc son trong lịch sử mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống gắn bó nhân dân hai nước, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi dân tộc. Việt Nam và Campuchia là hai quốc gia láng giềng nằm trên bán đảo Đông Dương, có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó. Tuy vậy, quan hệ giữa hai nước cũng có những thăng trầm nhất định tùy thuộc vào hoàn cảnh lịch sử cũng như chính sách đối ngoại của mỗi nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể. Nhưng trên hết, có thể khẳng định, trải qua nửa thế kỷ, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia luôn được vun đắp và đã đạt được nhiều thành tựu trên hầu hết các lĩnh vực: Kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng... Đây là cơ sở, nền tảng vững chắc để hai nước tiếp tục phát huy trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”. Được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã kịp thời phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và các chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á biên soạn, xuất bản Bộ sách gồm 05 cuốn nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (1967 - 2017), đó là: 1. Chính sách đối ngoại trung lập của Campuchia giai đoạn 1953 - 1970 2. Quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Campuchia: Thực trạng và triển vọng 3. Quan hệ Việt Nam - Campuchia từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay 4. Việt Nam - Campuchia: Hợp tác hữu nghị và phát triển 5. 50 năm quan hệ Việt Nam - Campuchia: Thành tựu và triển vọng Mặc dù, Nhà xuất bản và các tác giả đã có nhiều cố gắng nhưng do thời gian có hạn và các nội dung được đề cập ở nhiều lĩnh vực, do vậy không thể tránh khỏi những hạn chế; rất mong nhận được góp ý của bạn đọc để bộ sách sẽ được hoàn thiện hơn trong lần xuất bản sau. Ý kiến góp ý của bạn đọc xin gửi về: Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông. Địa chỉ: Tầng 6, Tòa nhà Cục Tần số vô tuyến điện, 115 Trần Duy Hưng - Hà Nội. Điện thoại: 024.35772141. Fax: 024.35779858. Email:nxb.tttt@mic.gov.vn.
511 lượt xem
Quản trị bán hàng
Trần Thị Thập
Bán hàng là một hoạt động chức năng cơ bản nhằm đạt được mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp. Trên thế giới, các quan điểm về bán hàng cũng được phát triển nhanh chóng theo thời gian: vai trò của người bán hàng là người cung cấp sản phẩm, dịch vụ và xác định người bán hàng là người sáng tạo giá trị. Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường đang trên đà phát triển, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng quan tâm đến khâu bán hàng và quản trị bán hàng. Các sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing, trong tương lai nhiều người sẽ trở thành người quản trị bán hàng, và hơn ai hết họ sẽ phải nắm rõ Quản trị bán hàng là gì?? Cuốn sách “Quản trị bán hàng” là một công cụ khá hoàn chỉnh bao quát toàn diện các kiến thức cơ bản của Nghề bán hàng, các kỹ thuật quan trọng và phương pháp kỹ năng bán hàng, cách thức lập kế hoạch và tổ chức bán hàng và cuối cùng là phương thức kiểm soát và đánh giá bán hàng. Khi các sinh viên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing được tiếp cận đầy đủ với kiến thức chuyên môn của công tác bán hàng, họ sẽ nhận thức vị trí, vai trò của người quản trị bán hàng và nhân viên bán hàng trong doanh nghiệp, hiểu và vận dụng tốt các kỹ năng cần thiết đối với người quản trị bán hàng, cuối cùng là nhận thức được tương lai phát triển của hoạt động quản trị bán hàng. Cuốn sách này do TS.Lê Thị Thập - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông biên soạn, trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu cả trong nước và ngoài nước. “Quản trị bán hàng” không chỉ là tài liệu thiết yếu dành cho sinh viên chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Marketing, mà các nhà quản trị doanh nghiệp cũng sẽ tìm thấy nhiều thông tin, quan điểm mới về quản trị bán hàng.
849 lượt xem