Văn hóa - Xã hội
Xã hội Nhật Bản dân số, gia đình và cộng đồng
Ngô Hương Lan

Cuốn sách “Xã hội Nhật Bản: dân số, gia đình và cộng đồng” là tập hợp kết quả nghiên cứu của đề tài khoa học cấp cơ sở năm 2020 và 2021 của tác giả, có chỉnh lý, bổ sung, đưa thêm một số thông tin về những vấn đề của Nhật Bản trong đại dịch Covid-19 nhằm gửi đến độc giả những thông tin chính xác và cập nhật về xã hội Nhật Bản hiện nay.

109 lượt xem
Di sản văn hóa cồng chiêng ở Quảng Ngãi
Cao Chư

Cuốn sách trình bày về tổng thể các giá trị di sản văn hóa cồng chiêng ở tỉnh Quảng Ngãi trong tổng thể văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

98 lượt xem
Tư duy sinh thái và tương lai học
Võ Văn Minh
Tất cả các quốc gia cần phải có bài học vỡ lòng rằng “là con người thì phải biết quý trọng Mẹ trái đất”. Từ tư duy đó mà thiết lập trật tự thế giới bằng các nguyên lí căn bản của Sinh thái học: “Tôn trọng tự nhiên - Tôn trọng loài người”. Đừng cố hành động theo bản năng để tranh giành, cướp giật, bất chấp mọi thứ như một loài hoang dã. Mục đích của những ngày “cách li xã hội” là cắt đứt các mối quan hệ tạm thời để virus corona không còn cơ hội lây lan. Hi vọng sau một thời gian sẽ dứt dịch. Song, điều quan trọng là nếu hệ sinh thái toàn cầu vẫn mất cân bằng nghiêm trọng thì sớm hay muộn vẫn còn đó nhiều trận đại dịch khác ở tương lai. Để tương lai được an toàn với loài người và Trái đất được vẹn toàn, thì những “người anh em” trên quả đất này cần phải đoàn kết, thương yêu, cùng nhau bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên từ tư duy của mỗi người như chính ứng xử với người mẹ yêu quý của mình. Hi vọng tư duy sinh thái sẽ là “chủng virus” hữu ích “lây nhiễm” nhanh chóng trong cộng đồng để thiết lập cân bằng sinh thái trên toàn cầu. Để thế giới an bình và mọi nhà hạnh phúc!
484 lượt xem
Làng nghề thủ công Hà Nội
Hà Nguyễn, Ha Nguyen

Hà Nội dường như là thủ đô thiên nhiên của châu thổ sông Nhị, của miền Bắc Việt Nam. Các mạch núi Tây Bắc đều dồn về đây, các dòng sông cũng dồn về đây rồi toả ra thế “chúng thuỷ triều Đông”. Và có lẽ bởi vậy mà vùng“đất lành chim đậu” này cũng trở thành nơi hội tụ của các anh tài, các nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước. Từ mùa thu năm Canh Tuất (1010) đất kinh thành được phục hưng và bừng nở với Long phượng thành, với 61 rồi 36 phố phường, với thập tam trại và nhiều chợ búa ở cửa ô. Trí thức, thương nhân, thợ thủ công tụ hội về đây chen đua, cọ sát trí năng thủ xảo, tâm linh để dần dần kết tinh thành văn hiến, văn vật, thành tài hoa đất kinh kỳ. Nếu nhà văn Tô Hoài cho rằng Hồ Gươm - Kẻ Chợ tạo ra tiếng Hà Nội, do trăm nhà trăm vùng đua tiếng rồi dung hợp lại mà thành, không giống bất cứ một phương ngữ tiếng Việt nào thì “tài khéo đất rồng” là kết quả hội tụ và kết tinh cái sành sỏi, cái tế vi của người Hà Nội. Xung quanh Thăng Long - Đông Kinh - Kẻ Chợ mọc dần lên các làng chuyên doanh đặc sản: các làng nghề như gốm sứ Bát Tràng, vàng quỳ Kiêu Kỵ, làng nghề giấy vùng Bưởi, làng hoa Ngọc Hà, quất Nghi Tàm... Làng nghề trồng trọt, làng nghề thủ công cứ thế mà nổi danh cùng năm tháng. Trong suốt hàng ngàn năm lịch sử, nhiều nghề, làng nghề Hà Nội vẫn tồn tại, phát triển và để lại dấu ấn khó quên trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội ngày càng bộc lộ một diện mạo phong phú, một tiềm năng không nhỏ, một truyền thống nghề không thể để mai một với thời gian. Hà Nội có tiềm năng lớn về du lịch các làng nghề. Khách đến với Hà Nội không chỉ được chiêm ngưỡng các danh thắng, di tích lịch sử và các lễ hội mà còn được thưởng thức, ngắm nhìn cả một bảo tàng sống động về các sản phẩm đặc sắc, phong phú và đa dạng của các làng nghề đã được hình thành và tồn tại hàng ngàn năm lịch sử.

631 lượt xem
Học điều hay làm việc tốt mỗi ngày. Quyển 2 - Giữ lời hứa
Thu Hằng, Phạm Tuấn

Qua câu chuyện và minh họa hấp dẫn, cuốn sách nhắc chúng ta khi đã hứa thì phải giữ đúng lời và gửi tới các bạn trẻ thông điệp: Hứa mà không làm hoặc làm không đến nơi đến chốn sẽ làm mất đi niềm tin của mọi người đối với mình

41 lượt xem
Văn hóa chiến lược của Ấn Độ - Xây dựng chính sách an ninh quốc gia
Shrikant Paranjpe
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử sâu xa về văn hóa - tôn giáo - thương mại. Mối quan hệ đó không ngừng được phát huy và được nâng lên một tầm cao mới nhờ sự tạo dựng, vun đắp của hai vị lãnh tụ tiền bối, hai nhà văn hóa kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Thủ tướng J.Nehru cũng chính là một trong những vị khách đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Tháng 02/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc tại Ấn Độ. Kể từ đó, các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên ngày càng được tăng cường. Hơn nửa thế kỷ qua, tuy tình hình của mỗi nước Việt Nam, Ấn Độ, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, cũng như sự đan xen phức tạp của các mối quan hệ quốc tế, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ những năm 1980 vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và vẫn được các thế hệ lãnh đạo hai nước nhắc lại như một câu châm ngôn khi nói đến mối tình keo sơn, ngày càng phát triển giữa hai dân tộc. Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/01/1972 - 07/01/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 7/2007 - 7/2017). Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức xuất bản Bộ sách về đất nước, con người Ấn Độ, gồm 8 cuốn: 1. Ấn Độ: Đất nước - Xã hội - Văn hóa. 2. Kinh tế Ấn Độ - Tiến trình tự lực, tự cường. 3. Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ. 4. Người Ấn Độ thích tranh luận. 5. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng. 6. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa. 7. Văn hóa chiến lược của Ấn Độ - Xây dựng chính sách an ninh quốc gia. 8. Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới. Nội dung Bộ sách giới thiệu về lịch sử, văn hóa, kinh tế và con người Ấn Độ; làm nổi bật văn hóa chiến lược của Ấn Độ trong xây dựng chính sách an ninh quốc gia qua các thời kỳ lịch sử; đặc biệt là các công trình khoa học của các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ về mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế.
685 lượt xem
Việt - Lào: Hai nước chúng ta
Nguyễn Văn Khoan

Cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung nước dòng sông Mê Kông, cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng rất gần gũi và thân thiết. Là điểm giao thoa, cầu nối giữa nhiều phần của đại lục châu Á, được các nhà địa chính trị Pháp coi là gốc của châu Á, hai dân tộc Việt Nam và Lào đã có sự liên hệ trong lịch sử trường kỳ dựng và giữ nước. Như một nhu cầu tự phát và dần hướng tới tự giác, khi hữu sự, bị đe dọa xâm lược, hoặc bị xâm lược, hai dân tộc đã tìm đến nhau, giúp đỡ lẫn nhau. Thế kỷ XV, đã chứng kiến sự hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân các bộ tộc Lào, cả về vũ khí, đạn dược, trang bị lẫn xây dựng căn cứ chiến đấu. Sang thế kỷ XIX, vận mệnh của hai dân tộc lại gắn bó với nhau khi có kẻ thù chung là thực dân Pháp. Nhiều cuộc khởi nghĩa yêu nước của nhân dân Việt Nam đã được nhân dân các bộ tộc Lào che chở, giúp đỡ. Phong trào Cần Vương của vua quan triều đình Huế cũng đã nhận được sự hỗ trợ rất nhiều từ các bộ tộc Lào anh em nơi vùng biên. Các nghĩa quân của các bộ tộc Lào chống Pháp cũng nhận được sự giúp đỡ, phối hợp của các lực lượng yêu nước chống Pháp ở các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào. Sự hợp tác tự nguyện và tự giác ban đầu đó đã đặt nền móng vững chắc cho bước phát triển mới trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc ở thế kỷ XX khi hoàn cảnh lịch sử đặt ra cho mỗi dân tộc và cả hai dân tộc những thách thức hết sức khó khăn cần phải vượt qua. Cuốn sách “Việt - Lào: Hai nước chúng ta”, do tác giả Nguyễn Văn Khoan sưu tầm và biên soạn, tập hợp một số công trình khoa học viết về một số chủ đề đã công bố trên các sách báo, tạp chí, được sắp xếp theo thời gian lịch sử đáp ứng yêu cầu của bạn đọc khao khát tìm hiểu một vấn đề lớn của lịch sử hai nước, đồng thời có thêm tài liệu nghiên cứu, tham khảo về lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào.

841 lượt xem
Lãng du trong văn hóa xứ sở hoa anh đào
Hữu Ngọc
Đã từ lâu, Người Việt Nam luôn rất quan tâm và ngưỡng mộ nền văn hóa Nhật Bản. Càng hiểu biết về nền văn hóa đó chúng ta lại càng phát hiện thêm những nét độc đáo, những nét riêng, nét chung và những sự tương đồng giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Nhật Bản. Trong vài thập kỷ gần đây, sự giao lưu văn hóa, giao lưu giữa những người dân của hai nước đã phát triển một cách ngoạn mục. Càng ngày sự tương đồng, gần gũi giữa văn hóa hai nước càng được nghiên cứu, phân tích, thừa nhận nhiều hơn, đến mức có một số học giả, kể cả chính trị gia hai nước cho rằng Nhật Bản và Việt Nam không chỉ là đối tác chiến lược mà còn là đối tác tự nhiên, đồng minh tự nhiên, không chỉ vì lợi ích. Nhà văn hóa Hữu Ngọc, Người được giới học giả trong và ngoài nước kính trọng và gọi là “Nhà xuất nhập khẩu văn hóa”. Ông viết nhiều sách về văn hóa, nhiều bài viết khá nổi tiếng trong đó có văn hóa Nhật Bản. Lãng du trong văn hóa xứ sở Hoa Anh đào, là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông. Với 7 chương, tựa như 7 khúc nhạc của bản hòa tấu giàu âm hưởng về xứ sở hoa Anh đào, cuốn sách sẽ lần lượt đưa bạn đọc đến thăm “Xứ sở hai hòn trống mái”, trải nghiệm “Hành trình văn hóa Nhật Bản qua một lịch sử đóng mở”, tìm hiểu “tư duy và tâm linh”, “nghệ thuật và nghệ thuật sống” của người Nhật Bản, khám phá “tâm hồn Nhật Bản qua truyện cổ tích”, “Dạo chơi vườn văn Nhật Bản” và cuối cùng mời bạn đọc “Bước sang ngưỡng cửa thế kỷ XXI” với những dự báo cho tương lai của xứ sở hoa Anh đào cũng như mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp. Đến với Lãng du trong văn hóa xứ sở Hoa Anh đào,chúng ta sẽ cảm nhận được sự tinh tế và một lối viết mang dáng dấp tùy bút, mộc mạc mà đằm thắm của Hữu Ngọc. Từng trang viết hấp dẫn, nhẹ nhàng mà sâu sắc dựa trên nguồn tư liệu và trải nghiệm phong phú của chính bản thân tác giả, sẽ khiến cho ta cảm nhận khá đủ đầy về đất nước Mặt trời mọc từ những góc nhìn, cự ly khác nhau, vừa chi tiết, vừa khái quát… Nào, mời bạn cùng lãng du tìm hiểu văn hóa của xứ sở Hoa Anh đào nổi tiếng thế giới nhé!.
996 lượt xem
Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa
Khoa ngôn ngữ học - Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội, Hội ngôn ngữ học Hà Nội
Giáo sư Tiến sĩ Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Tài Cẩn, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học và Công nghệ năm 2000, là một học giả uyên bác, nhà ngôn ngữ học lớn của nền ngữ học Việt Nam có ảnh hưởng sâu rộng trong giới ngôn ngữ học nước nhà. Ngoài hơn 10 ấn phẩm chính và hơn 100 bài báo khoa học có giá trị về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam công bố ở trong nước và quốc tế, GS Nguyễn Tài Cẩn còn là tác giả của hàng trăm bài thơ chữ Hán rất được khen ngợi, song di sản quý giá nhất mà ông để lại cho đời là những gợi mở từ tư tưởng học thuật của ông để tìm ra con đường đi hợp lí nhất trong cách tiếp cận các lĩnh vực khoa học nhân văn đối với việc nghiên cứu tiếng Việt, nghiên cứu Hán Nôm, nghiên cứu lịch sử văn học, nghiên cứu văn hóa dân gian và nghiên cứu tư liệu Truyện Kiều. Có thể nói, ngày nay với tầm ảnh hưởng trong nước và quốc tế cố GS Nguyễn Tài Cẩn (1926 - 2011) vẫn luôn luôn hiện diện trên con đường đang đi của giới ngôn ngữ học, giới Việt ngữ học, giới nghiên cứu Hán Nôm, giới nghiên cứu lịch sử văn học và giới Kiều học nước nhà. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa. Đây là một tài liệu quý, tập hợp nhiều bài báo khoa học ghi nhận những cống hiến xuất sắc của GS Nguyễn Tài Cẩn đối với nền ngữ học nước nhà cũng như đề cập đến những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa nói chung, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam nói riêng. Cuốn sách Những vấn đề ngôn ngữ và văn hóa là sự nỗ lực cố gắng của Hội Ngôn ngữ học Hà Nội và Khoa Ngôn ngữ học đã tổ chức biên soạn tài liệu hội thảo. Hy vọng cuốn sách sẽ mang lại nhiều thông tin quí giá cho bạn đọc trong và ngoài nước.
186 lượt xem
Ngôn ngữ - Văn hóa Thăng Long Hà Nội 1000 năm
Hội ngôn ngữ học Hà Nội
Tiếng của người Hà Nội, nếu nhìn ở bình diện ngôn ngữ thuần tuý thì cũng giống như tiếng của các vùng miền khác trên đất nước Việt Nam, thuộc một phương ngữ của tiếng Việt. Nhưng, xét từ góc độ chức năng xã hội, tiếng Hà Nội có một vị thế vô cùng quan trọng: là tiếng nói của Thủ đô ngàn năm văn hiến, và, có thể coi là một phần cơ sở của tiếng Việt tiêu chuẩn. Với những đặc thù của Thủ đô nên tiếng Hà Nội là một khái niệm không dễ xác định. Những biến động của lịch sử - chính trị - kinh tế - xã hội -văn hóa của Thủ đô nói riêng và Việt Nam nói chung đã và đang tác động đến cấu trúc cũng như chức năng của tiếng Hà Nội. Nếu như coi ngôn ngữ vừa là sản phẩm đồng thời là yếu tố, phương tiện của văn hoá, thì, tiếng Hà Nội là tấm gương phản ánh văn hóa Hà Nội và việc sử dụng ngôn ngữ của người Hà Nội là biểu hiện cụ thể, sinh động văn hóa của người Hà Nội. Tiếng Hà Nội nếu được nghiên cứu trong mối quan hệ với văn hóa và nhìn từ góc độ ngôn ngữ văn hóa sẽ góp phần làm phong phú hơn những vấn đề về lí thuyết ngôn ngữ học, về tiếng Việt, như khái niệm phương ngữ với ngôn ngữ toàn dân, chuẩn với biến thể… Đồng thời, việc nghiên cứu tiếng Hà Nội sẽ góp thêm tiếng nói vào nghiên cứu các vấn đề về Thăng Long - Hà Nội, nhất là lịch sử Hà Nội, khẳng định nền văn hiến Hà Nội khi Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội đang tới gần. Ngôn ngữ là một bộ phận cấu thành và luôn gắn bó khăng khít với nền văn hóa dân tộc. Những nhân tố văn hóa xã hội để lại dấu ấn trong ngôn ngữ, những trầm tích văn hóa đã, đang và sẽ được phát hiện qua những di tích ngôn ngữ văn hóa trên mảnh đất Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay là những cứ liệu văn hóa quý báu góp phần làm sáng tỏ những sự kiện lịch sử, sự tồn tại và phát triển của Thăng Long - Hà Nội trong dòng chảy 1000 năm qua. Cuốn sách Ngôn ngữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội 1000 năm là tập hợp những bài viết của nhiều tác giả với mong muốn tôn lên vẻ đẹp nền văn hiến Thăng Long - Hà Nội của nước Đại Việt xưa từ góc nhìn ngôn ngữ văn hoá. Hội Ngôn ngữ học Hà Nội đã thành lập Hội đồng biên tập cuốn sách gồm các vị sau đây: PGS. TS. Nguyễn Xuân Hòa, GS. TS. Trần Trí Dõi, GS. TS. Nguyễn Văn Khang, TS. Phạm Đăng Bình, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.
346 lượt xem
Ấn Độ: Đất nước- Xã Hội - Văn Hóa
PGS. TS Nguyễn Thị Mai Liên, PGS. TS LÊ VĂN TOAN
Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ có nền tảng vững chắc từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử sâu xa về văn hóa - tôn giáo - thương mại. Mối quan hệ đó không ngừng được phát huy và được nâng lên một tầm cao mới nhờ sự tạo dựng, vun đắp của hai vị lãnh tụ tiền bối, hai nhà văn hóa kiệt xuất là Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlal Nehru, cùng các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước. Thủ tướng J.Nehru cũng chính là một trong những vị khách đầu tiên đến thăm Việt Nam sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Tháng 02/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm và làm việc tại Ấn Độ. Kể từ đó, các chuyến thăm cấp cao giữa hai bên ngày càng được tăng cường. Hơn nửa thế kỷ qua, tuy tình hình của mỗi nước Việt Nam, Ấn Độ, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động, cũng như sự đan xen phức tạp của các mối quan hệ quốc tế, nhưng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ vẫn “trong sáng như bầu trời không một gợn mây”. Câu nói này của Thủ tướng Phạm Văn Đồng từ những năm 1980 vẫn giữ nguyên giá trị cho đến ngày hôm nay và vẫn được các thế hệ lãnh đạo hai nước nhắc lại như một câu châm ngôn khi nói đến mối tình keo sơn, ngày càng phát triển giữa hai dân tộc. Năm 2017 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Ấn Độ khi hai nước kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (07/01/1972 - 07/01/2017) và 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (tháng 7/2007 - 7/2017). Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đã hợp với Trung tâm Nghiên cứu Ấn Độ - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ tổ chức xuất bản Bộ sách về đất nước, con người Ấn Độ, gồm 8 cuốn: 1. Ấn Độ: Đất nước - Xã hội - Văn hóa. 2. Kinh tế Ấn Độ - Tiến trình tự lực, tự cường. 3. Người Ấn Độ - Sự thật về lý do tại sao thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Ấn Độ. 4. Người Ấn Độ thích tranh luận. 5. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng. 6. Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa. 7. Văn hóa chiến lược của Ấn Độ - Xây dựng chính sách an ninh quốc gia. 8. Việt Nam - Ấn Độ: Bối cảnh mới, tầm nhìn mới. Nội dung Bộ sách giới thiệu về lịch sử, văn hóa, kinh tế và con người Ấn Độ; làm nổi bật văn hóa chiến lược của Ấn Độ trong xây dựng chính sách an ninh quốc gia qua các thời kỳ lịch sử; đặc biệt là các công trình khoa học của các chuyên gia Việt Nam và Ấn Độ về mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam - Ấn Độ trên lĩnh vực văn hóa, kinh tế.
1000 lượt xem
Một số góc nhìn về triết lý giáo dục
PGS. TS. Đặng Quốc Bảo, PGS. TS. Phạm Minh Giản, ThS. Phạm Minh Xuân, ThS. Đặng Thị Thu Liễu
Các tác giả Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản, Phạm Minh Xuân, Đặng Thị Thu Liễu thừa kế ý tưởng của các vị thầy và bằng hữu đã biên soạn cuốn sách: “Một số góc nhìn về triết lý giáo dục”. Vì “Triết lý” và “Giáo dục” là hai lĩnh vực phong phú của quá trình nhận thức và quá trình phát triển nên những nội dung nêu ra ở cuốn sách này mới chỉ là thu hoạch bước đầu. Dẫu sao đây là những cố gắng đáng trân trọng cho việc đi tìm kiến giải mới cho “Đổi mới tư duy giáo dục”. Chúng tôi vui mừng giới thiệu cuốn sách này tới những người quan tâm và mong được sự góp ý để nhóm tác giả hoàn thiện việc nghiên cứu.
617 lượt xem
So sánh Xú-pha-xít Lào với ca dao Việt Nam
PGS. TS Lý Hoài Thu, ThS Tạ Hồng Hạnh, TS Nguyễn Phương Liên
Người Lào có câu xú-pha-xít “Mạy huồm co po huồm xược” (Đay chung dây, cây chung khóm). Quan hệ Việt Nam - Lào như lá chung một cành, như hoa chung một bụi. Hai đất nước cùng nằm trên bán đảo Đông Dương thuộc vùng Đông Nam Á, không chỉ liền kề nhau về địa lý mà còn có mối quan hệ bang giao hữu hảo lâu đời. Bởi vậy, bên cạnh những điểm khác nhau tất yếu, xuất phát từ bản sắc dân tộc, nền văn hóa hai nước nói chung, văn học dân gian hai nước nói riêng có những điểm tương đồng như là bản chất chung trong quá trình sáng tạo folklore nhân loại cũng như sự giống nhau do những điều kiện lịch sử, địa lý tự nhiên và những quan hệ giao lưu văn hoá mang lại. Nghiên cứu sự giống nhau và khác nhau này thông qua việc so sánh xú-pha-xít Lào và ca dao Việt Nam sẽ góp phần khẳng định tính độc lập của mỗi dân tộc; đặc biệt, không chỉ giúp cho những người quan tâm hiểu biết thêm về xú-pha-xít Lào hay ca dao Việt Nam, hiểu rõ hơn những nét đẹp truyền thống trong tâm hồn và tính cách của chính mình và của người bạn láng giềng mà còn góp phần làm sáng tỏ sự giống nhau kỳ lạ, đến từng chi tiết của một bộ phận văn học dân gian giữa hai dân tộc. Trong giáo trình chính thống của ngành Văn học, các tác giả đề cập đến khái niệm trữ tình dân gian (để phân biệt với tự sự dân gian), có sử dụng cụm từ “ca dao, dân ca” đi liền với nhau. Trong đó, khi nhấn mạnh đến ba yếu tố cần chú ý để phân loại dân ca Việt Nam: 1 - Lời ca (câu hay bài) 2 - Giai điệu (giọng hoặc làn điệu) 3 - Hình thức sinh hoạt (hay lề lối hát) Có thể thấy, yếu tố thứ hai đặc trưng cho dân ca nhưng hai yếu tố còn lại thì có thể bắt gặp ở khái niệm được định danh là “ca dao” trong văn học dân gian Việt Nam. Thậm chí có thể thấy là lời những bài dân ca có cùng thi pháp với ca dao, hay có thể sử dụng bất kỳ câu ca dao nào làm lời cho một làn điệu dân ca ngẫu hứng (hát ru con, hò...). Cuốn sách còn chia riêng thể loại “Lời ăn tiếng nói của nhân dân” bao gồm tục ngữ và câu đố. Tuy nhiên, trong văn học dân gian Lào tồn tại hai khái niệm: xú-pha-xít có nội hàm bao gồm thành ngữ, tục ngữ, câu đố và cả ca dao (vì gồm nhiều câu dài, hoặc những tác phẩm được ghi lại thành lời, tách riêng khỏi các làn điệu...); lăm và khắp có nội hàm tương tự dân ca ở Việt Nam. Chính do sự khác biệt trong cách phân loại cũng như tính nguyên hợp trong các thể loại của folklore, trong cuốn sách này, chúng tôi sử dụng khái niệm “phương ngữ” (phương: mùi thơm, ở đây chỉ những câu nói tinh hoa của dân gian (Trữ tình dân gian: ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ, câu đố dân gian), khác với cách hiểu phương ngữ là “từ/tiếng địa phương” hay thổ ngữ) song song với “ca dao” để so sánh với xú-pha-xít của Lào.
909 lượt xem
ASEAN: 55 năm hình thành và phát triển (1967 - 2022)
Trần Xuân Hiệp, Trương Công Vĩnh Khanh

Sau những thể nghiệm đầu tiên về việc thành lập một tổ chức khu vực với sự tham gia của tất cả các quốc gia Đông Nam Á từ những năm 1960, cuối cùng một tổ chức chính thức đã ra đời vào ngày 08/8/1967, mang tên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Trải qua những thăng trầm lịch sử, sự tồn tại và phát triển của ASEAN là minh chứng cho tình đoàn kết chặt chẽ của các nước Đông Nam Á. Từ khi thành lập với ASEAN-6, từng bước kết nạp thêm các thành viên mới để trở thành ASEAN-10, và đến năm 2015, Cộng đồng ASEAN (AC) đã được xây dựng, củng cố trên ba trụ cột: Cộng đồng An ninh - Chính trị (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC), Cộng đồng Văn hóa - Xã hội (ASCC).
Sau 55 năm xây dựng và trưởng thành (1967 - 2022), ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu to lớn. Trước hết, ASEAN đã tạo cho mình một vị thế mới, với vai trò là trung tâm trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ như EAS, ARF, ASEAN+1, ASEAN+3, RCEP, ADMM+ nhìn chung đều được các cường quốc và đối tác trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đón nhận. Ở cấp độ quốc gia, một số thành viên của ASEAN đã và đang tận dụng tốt sự cạnh tranh chiến lược, vị thế địa chính trị và các lợi thế riêng khác của mình để đóng vai trò lớn hơn trong xây dựng cấu trúc hợp tác khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, ASEAN đã gặt hái được những thành công ấn tượng về kinh tế, trở thành nền kinh tế lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Nhật Bản. Hơn nữa, tiến trình hội nhập của ASEAN đánh dấu một cột mốc, giai đoạn quan trọng mới với việc tuyên bố thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm 2015, mở ra một trang mới trong tiến trình liên kết kinh tế gắn chặt hơn. Về văn hóa - xã hội, ASEAN cũng đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, thu hút sự tham gia của người dân và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân: thu hút sự tham gia của các nhóm, giới và các tiến trình của ASEAN; tăng quyền cho người dân và tăng cường các thể chế đảm bảo. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được rất đáng khâm phục, ASEAN hiện nay vẫn đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức. Khu vực Đông Nam Á được xác định là trung tâm của Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và cũng là điểm mấu chốt của sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước lớn, Đông Nam Á trở thành “đấu trường” can dự, lôi kéo, tập hợp lực lượng nhằm kiềm chế, ngăn chặn lẫn nhau. Ngoài ra, xuất phát từ lợi ích chiến lược, nội bộ ASEAN cũng có những vấn đề gây cản trở cho sự thống nhất cần có của một cộng đồng, chưa thật sự đoàn kết và đôi khi là những bất đồng giữa các nước thành viên về các nội dung liên quan. Điều này khiến cho sức mạnh chung của khu vực bị ảnh hưởng, có phần giảm sút khi đối diện với các vấn đề quốc tế cần tiếng nói của tập thể.
Với tầm quan trọng về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, địa văn hóa, ASEAN đã, đang và sẽ là nhân tố đóng vai trò quan trọng đối với hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á cũng như Ấn Độ - Thái Bình Dương, đồng thời là nhân tố trung tâm của nhiều định chế hợp tác trong khu vực. Cuốn sách “Cộng đồng ASEAN: 55 năm hình thành và phát triển (1967 - 2022)” ra đời trong thời điểm ASEAN hướng đến kỷ niệm 55 năm ngày thành lập sẽ tạo thêm nhiều động lực cho chúng ta cùng chung tay xây dựng hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN ngày một phát triển. Dù biết rằng các tác giả đã hết sức cố gắng, nhưng để nghiên cứu về ASEAN là việc không hề dễ dàng, vì thế, chắc chắn khó tránh khỏi những thiếu sót, bất cập. Hy vọng rằng, cuốn sách này sẽ góp phần cung cấp thông tin và kiến thức cho bạn đọc về quá trình xây dựng Cộng đồng ASEAN trong giai đoạn hiện nay.

400 lượt xem
Chủ nghĩa xã hội từ lý luận đến thực tiễn những bài học kinh nghiệm chủ yếu
GS.TS. Lê Hữu Tầng

Cuốn sách bạn đang cầm trên tay là một công trình nghiên cứu công phu, mang tính hệ thống và khái quát, có những kiến giải mới, góp phần làm sáng tỏ một phương diện của chủ nghĩa xã hội hiện còn ít được nghiên cứu - phương diện chủ nghĩa xã hội đi từ lý luận đến thực tiễn, từ đó rút ra một số bài học kinh nghệm bổ ích cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và nhân dân ta đang tiến hành dưới sự lãnh đạo của Đảng.

46 lượt xem
Tự hào một giải biên cương -  Các tác phẩm đoạt giải cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật cấp quốc gia năm 2022
Ban Tuyên giáo Trung ương

Nhằm tiếp tục đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp, tiềm năng của các tuyến biên giới quốc gia trên đất liền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, đồng thời giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết thực hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tự hào một dải biên cương”.

Qua 5 tháng phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được: 4.477 tác phẩm dự thi (4.078 ảnh đơn; 399 bộ ảnh, mỗi bộ ảnh gồm 5-8 ảnh đơn) của 745 tác giả, đến từ 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về. Hội đồng giám khảo đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm để chọn ra: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích; trưng bày triển lãm 197 tác phẩm. Để các tác phẩm ảnh “Tự hào một dải biên cương” được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội cũng là cơ hội tôn vinh các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp từ mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài đang công tác và sinh sống tại Việt Nam, Ban Tổ chức cuộc thi phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh “Tự hào một dải biên cương”.

Cuốn sách khắc họa vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người ở các vùng biên giới trên đất liền, từ “Sắc màu biên cương”, “Mùa xuân ở Lao Xa”, “Mùa vàng nơi biên ải”, “Bình minh miền biên viễn” đến “Độc đáo lễ hội đua bò ở vùng biên”, “Mùa nước nổi ở biên giới An Giang”, “Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ”...

Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hòa bình, phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền được khẳng định qua những hình ảnh về hoạt động giao thương với nước bạn tại các cửa khẩu, những cuộc giao lưu thắm tình hữu nghị nơi biên cương và các cuộc phối hợp tuần tra biên giới song phương giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Đặc biệt, cuốn sách dành những hình ảnh đẹp, xúc động ghi nhận và tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các thế hệ người Việt Nam, nhất là các lực lượng vũ trang trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Xuất bản cuốn sách, chúng tôi mong muốn lan tỏa những cảm xúc chân thành, vẹn nguyên và sâu sắc từ những bức ảnh tới công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam; khẳng định thắng lợi của những chủ trương, đường lối và những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước, của các địa phương đặc biệt là các địa phương khu vực biên giới trong việc xây dựng tuyến biên giới quốc gia trên đất liền, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

275 lượt xem