Tuyển tập sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa đạo đức
TS. NGND. Trần Văn Bính

Tại Đại hội lần thứ VII (năm 1991), Đảng Cộng sản Việt Nam đã trịnh trọng tuyên bố: “Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”. Khẳng định đó là kết quả tổng kết những bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, và những bài học rút ra từ hoạt động thực tiễn hơn 5 năm Đổi mới. Khẳng định đó ngay lập tức nhận được sự đồng thuận của toàn dân, tạo được sự khích lệ lớn đối với mỗi người Việt Nam, trong đó có giới trí thức, các nhà khoa học. GS. TS. NGND. Trần Văn Bính - nguyên Trưởng khoa Văn hóa (nay là Viện Văn hóa và Phát triển) thuộc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, trong nhiều năm qua, đã tập trung nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, đặc biệt trên lĩnh vực văn hóa và con người. Các bài viết của Giáo sư, dù ra đời tại các thời điểm khác nhau, đều hướng tới việc nghiên cứu và khẳng định những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Tư tưởng của Hồ Chí Minh hướng về nội hàm của hai từ văn hóa, là tư tưởng coi con người là động lực, là mục tiêu của mọi hoạt động kinh tế, xã hội, là tư tưởng “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, và là sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống cho mỗi con người… Gắn việc nghiên cứu, học tập các tư tưởng của Người với việc giải quyết những vấn đề cơ bản, cấp thiết về văn hóa, con người, trong tình hình hiện nay, là mục tiêu cơ bản của cuốn sách. Đó là các vấn đề: xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, là tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Hướng tới kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách “Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa, đạo đức” của GS.TS.NGND. Trần Văn Bính. Nội dung cuốn sách gồm hai phần: Phần 1: Di sản Hồ Chí Minh về văn hóa Phần 2: Di sản Hồ Chí Minh về đạo đức. Việc phân chia này chỉ mang tính chất tương đối để bạn đọc tiện theo dõi, bởi văn hóa và đạo đức là hai phạm trù có quan hệ mật thiết, gắn bó chặt chẽ với nhau, hòa quyện vào nhau. Cuốn sách không phải là tập chuyên khảo tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa và con người, tác giả không đặt cho mình nhiệm vụ trình bày vấn đề một cách hệ thống và chi tiết, mà thông qua từng bài viết nghiên cứu dưới các góc độ khác nhau, tác giả mong muốn giới thiệu những tư tưởng cơ bản nhất, sát thực nhất đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người ở nước ta hiện nay. Nhân dịp tái bản cuốn sách, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xin trân trọng cảm ơn sự định hướng chỉ đạo của TS. Nguyễn Bắc Son, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các nhà khoa học đã dành thời gian đóng góp những ý kiến quý báu cho cuốn sách này. Hy vọng, cuốn sách sẽ được đông đảo bạn đọc gần xa, trong và ngoài nước nhiệt tình đón nhận. Xin trân trọng cảm ơn!

605 lượt xem
Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do người sáng lập
PGS. TS Đàm Đức Vượng

Cuốn sách Những dấu ấn lịch sử về Hồ Chí Minh và Đảng do Người sáng lập trình bày một cách có hệ thống về toàn bộ quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, người sáng lập Nhà nước cách mạng Việt Nam; những tên chữ, bút danh, bí danh của Người gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của Người; về các tổ chức tiền thân của Đảng; về Hội nghị thành lập Đảng và toàn bộ quá trình hoạt động của Đảng trải qua 12 Đại hội đại biểu toàn quốc.

1247 lượt xem
Hồ Chí Minh - người đi thức tỉnh tâm hồn
Đặng Quốc Bảo, Phạm Minh Giản
Cuộc đổi mới giáo dục hiện nay theo Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI và Chương trình giáo dục phổ thông mới sau năm 2020 có mục đích cao cả là hiện thực được mong ước của Bác Hồ làm cho “Non sông Việt Nam trở nên tươi đẹp, dân tộc Việt Nam bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu…” (Thư Bác Hồ gửi học sinh khai giảng năm học 1945-1946). Nhà giáo Đặng Quốc Bảo và Phạm Minh Giản kế thừa kết quả nghiên cứu của đồng nghiệp đã biên soạn cuốn sách “Hồ Chí Minh: Người đi thức tỉnh tâm hồn” theo năm nội dung: 1. Tâm nguyện/ huấn đức giáo dục của Bác Hồ. 2. “Tất Thành - Ái Quốc - Chí Minh/ Nếp nhà - Lập chí - Thân dân” (năm thời kỳ trong hành trình cuộc đời). 3. “Từ Nguyễn Ái Quốc” tỏa ra một nền văn hóa… có lẽ “nền văn hóa tương lai” (dân tộc - bằng hữu trên thế giới nói về Bác Hồ). 4. Tinh thần “dục thành đại sự nghiệp” trong một số tứ thơ của Bác Hồ. 5. Các câu chuyện và hồi niệm về Bác.
1088 lượt xem
Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc
Nguyễn Văn Khoan, Đỗ Quang Hưng
Trong việc tìm hiểu, nghiên cứu cuộc đời yêu nước - cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, có một điều chúng ta rất dễ nhận thấy đó là sự thống nhất - có thể gọi là sự kết hợp, chặt chẽ giữa hai mục tiêu giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thể hiện rõ nét trong sự nghiệp báo chí của Người. Và trong thực tế, sự nghiệp báo chí của Người là vô cùng phong phú và sáng tạo, gắn liền và phục vụ đắc lực yêu cầu của từng thời kỳ hoạt động, không chỉ giới hạn vào phạm vi báo chí trong nước mà còn mở rộng ra cả phạm vi nước ngoài (Trung Quốc, Liên Xô, Pháp, Thái Lan), kể cả báo chí của Quốc tế Cộng sản. Cuốn sách “Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc” của GS. Đỗ Quang Hưng và TS. Nguyễn Văn Khoan đã đáp ứng đúng yêu cầu của công việc tìm hiểu - nghiên cứu và học tập tư tưởng của Người một cách chính xác, khoa học. Để biên soạn cuốn sách này, nhóm biên soạn đã có nhiều công phu trong việc khai thác, thu thập tư liệu từ nhiều nguồn và nhiều phía, tuy rằng chủ yếu là thừa hưởng kết quả sưu tầm và nghiên cứu của các tập “Hồ Chí Minh tuyển tập” và “toàn tập” đã được công bố rộng rãi trong nhiều năm qua, nhưng đã có sự điều chỉnh, bổ sung thêm một số tư liệu mới được khai thác từ các trung tâm lưu trữ trong nước và nước ngoài, đặc biệt là có sự đóng góp kịp thời và hiệu quả của “Thư mục các bài viết của Nguyễn Ái Quốc” đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) của Đảng Cộng sản Pháp do nhà sử học Pháp Alain Ruscio (là Giám đốc Trung tâm thông tin các tư liệu về nước Việt Nam hiện đại - viết tắt là C. I. D.) xuất bản nhân dịp kỷ niệm 100 năm báo Nhân đạo mới ra mắt bạn đọc (1904 - 2004), dưới đề mục chung “Vấn đề thuộc địa trên báo Nhân đạo”. Nội dung phong phú và khoa học của cuốn sách “Dấu ấn của nhà báo Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc” được giới thiệu theo một cấu trúc chặt chẽ và hợp lý. Cuốn sách giới thiệu khá tỉ mỉ tình hình ra đời và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam từ những ngày đầu, và phát triển liên tục cho tới ngày nay, và vai trò to lớn, có tính quyết định, mở đường khai lối của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đó. Cuốn sách gồm hai phần chính: Phần I giới thiệu 26 bài viết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh theo thời gian, bài sớm nhất là “Tâm địa thực dân” năm 1919 cho tới bài cuối cùng là “Trả lời phỏng vấn của Sáclơ Phuốcniô” năm 1969, chỉ trước khi Người đi xa một thời gian ngắn. Phần II giới thiệu 12 bài viết của một số nhà khoa học nghiên cứu về các bài báo của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có Phụ lục lần lượt giới thiệu Tổng mục các bài viết của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên báo L’Humanité của Đảng Cộng sản Pháp và cuối cùng là một số tài liệu, bản chụp bài viết của Nguyễn Ái Quốc bằng tiếng Việt - Pháp - Anh - Hán. Có thể khẳng định rằng cơ cấu như vậy là chặt chẽ và hoàn chỉnh đối với một công trình mang tính giới thiệu thông tin. Chỉ tiếc rằng nếu trong Phần I bên cạnh tên bài báo có cả thông tin về bài báo đăng trên số nào, ngày nào thì sẽ cụ thể, khoa học hơn.
578 lượt xem
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc
PGS. TS. Lê Văn Yên
Cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện trải qua gần 90 năm, đã giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Một trong những nhân tố tạo nên thắng lợi là có đường lối quốc tế đúng đắn, mà cốt lõi là tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh, nên được các lực lượng cách mạng tiến bộ trên thế giới đồng tình ủng hộ, và những thắng lợi đó cũng đã góp phần tăng cường sức mạnh đoàn kết của các lực lượng cách mạng thế giới. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, gắn liền với các thời kỳ phát triển của Đảng ta và cách mạng Việt Nam, gắn liền với tiến trình cách mạng thế giới. Đoàn kết quốc tế thực sự trở thành chiến lược cách mạng và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, bao hàm nhiều lĩnh vực và rất phong phú, tư tưởng đoàn kết quốc tế là một nội dung quan trọng trong hệ thống lý luận của tư tưởng Hồ Chí Minh. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh với tính chất, tư cách nghiên cứu tư tưởng của một nhà lý luận, một chiến sĩ cách mạng, một tấm gương nhân đạo - nhân văn, một nhà văn hóa lớn đã và đang là chủ đề lớn và cấp thiết của khoa học xã hội Việt Nam và được nhiều người quan tâm. Nghiên cứu tư tưởng đoàn kết quốc tế của Hồ Chí Minh trong cách mạng giải phóng dân tộc có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta hiện nay. Làm rõ quan điểm và giá trị thực tiễn của tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế trong cách mạng giải phóng dân tộc sẽ góp phần nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh. Hiện nay, bối cảnh quốc tế biến đổi nhanh chóng và sâu sắc. Xu thế quốc tế hóa đời sống các nước ngày càng tăng, nhất là về kinh tế. Các nước có mối liên hệ với nhau, không một nước nào có thể phát triển lại không mở rộng quan hệ đoàn kết, hợp tác với các nước khác. Đó là một yêu cầu khách quan. Việt Nam đang thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với những nỗ lực chủ quan, sự tăng cường, mở rộng đoàn kết, hợp tác với tất cả các nước theo nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, các bên cùng có lợi, đã tạo cho Việt Nam những nhân tố mới để tiếp tục đổi mới và phát triển. Việt Nam là thành viên trong cộng đồng quốc tế, để tăng cường sức mạnh của mình, một trong những vấn đề quan trọng là phải mở rộng đoàn kết, hợp tác theo tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển. Nghiên cứu nội dung trên còn có ý nghĩa thực tiễn đối với công cuộc đổi mới của nhân dân ta do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cũng như đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân tiến bộ trên thế giới hiện nay; góp phần đấu tranh phê phán những luận điệu sai trái, xuyên tạc lịch sử hoạt động đoàn kết quốc tế vẻ vang của Hồ Chí Minh và của Đảng ta.
659 lượt xem