Sách hay về Báo chí
Phóng sự báo chí - Lý thuyết, kỹ năng và kinh nghiệm
TS. Nguyễn Quang Hòa
Bằng một cách nào đó, bạn đã có và bắt đầu đọc cuốn sách này, điều đó có nghĩa trong huyết quản của bạn đã có “máu” của một người viết phóng sự. Đây là cuốn sách được biên soạn để hỗ trợ việc giảng dạy môn Phóng sự báo chí cho sinh viên năm thứ ba, bên cạnh giáo trình của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Ở thời điểm này, sinh viên đã được học lịch sử báo chí, cách viết tin, quá trình sáng tạo một tác phẩm báo chí, làm quen với một số thể loại báo chí khác như Tường thuật, Ghi nhanh. Học nghề báo không thể chỉ nghe, đọc tài liệu mà rất quan trọng phần trao đổi, hướng dẫn của những người giàu kinh nghiệm trong quá trình thực hiện đề tài cụ thể. Bởi vậy, cuốn sách này ngoài cung cấp những kiến thức cơ bản về thể loại Phóng sự báo chí như: Hoàn cảnh lịch sử ra đời và phát triển của phóng sự, các dạng phóng sự, các quan niệm khác nhau về thể loại phóng sự cũng như các đặc điểm của thể loại này; những tố chất cần có của người viết; sách còn dành nhiều trang đề cập tới cách vượt qua những khó khăn khi tác nghiệp trong thực tế và cách thể hiện để bài viết sinh động, cuốn hút; cả những vấp váp của tác giả và những đồng nghiệp để bạn đọc tham khảo, sau này tránh lặp lại.
1116 lượt xem
Báo chí dưới góc nhìn thực tiễn
TS. Nguyễn Thế Kỷ
Trong suốt chặng đường 88 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trên nhiều mặt. Từ Báo Thanh niên - tờ báo cách mạng được Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo năm 1925, đến nay, cả nước đã có hơn 800 cơ quan báo chí in, 67 đài phát thanh, truyền hình, hơn 60 báo điện tử và hàng trăm trang thông tin điện tử là cánh tay nối dài của các báo, tạp chí… Hơn bao giờ hết, báo chí cách mạng Việt Nam đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và cả không ít khó khăn, thách thức. Đó là yêu cầu cách mạng, chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại; tiếng nói của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp, là diễn đàn tin cậy, gần gũi của nhân dân; là quá trình hội tụ truyền thông, tích hợp đa phương tiện, đa loại hình. Báo chí ta hiện nay có diện mạo ra sao; đang phát triển như thế nào; công tác lãnh đạo, quản lý đang đặt ra những yêu cầu gì; có điều gì cần quan tâm, giải quyết? Khá nhiều vấn đề vừa nêu đã được TS. Nguyễn Thế Kỷ, bằng trải nghiệm hàng chục năm ở báo nói, báo hình, báo in, báo điện tử; ở các cương vị quản lý, chỉ đạo công tác báo chí, đã mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất cách nhìn, hướng đi, nhiệm vụ, giải pháp trong một số cuốn sách, công trình nghiên cứu mấy năm gần đây. “Báo chí - Dưới góc nhìn thực tiễn” là cuốn sách tuyển chọn các bài viết, công trình nghiên cứu của TS. Nguyễn Thế Kỷ về báo chí và văn hóa. Sách gồm hai phần: - Phần 1: Báo chí - Những góc nhìn. Tác giả cố gắng khắc họa bức tranh toàn cảnh nền báo chí nước nhà; những vấn đề then chốt trong công tác lãnh đạo, quản lý báo chí. Đó là công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống báo chí cả nước; là công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ báo chí trên các mặt: bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn, trách nhiệm xã hội, đạo đức nghề nghiệp; báo chí với nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường công tác đối ngoại, bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Tổ quốc… - Phần 2: Những câu chuyện văn hóa. Là những ghi chép, những cảm xúc chân thành, đằm thắm về đất nước, về con người, về những vùng đất mà tác giả đã đi, đã viết, đã lắng thành những kỷ niệm khó quên. Tác giả có những trang viết sâu sắc về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, về Đảng quang vinh, dân tộc anh hùng, nhân dân dũng cảm, bạn bè quốc tế thủy chung, son sắt. Nổi rõ trong đó là quê hương xứ Nghệ, là dải đất miền Trung trữ tình, gian khó, đang vươn về phía trước.
1120 lượt xem
Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại
TS. Nguyễn Thành Lợi
Sự ra đời các phương tiện truyền thông mới đã và đang tác động sâu sắc đến “bữa tiệc thông tin” của công chúng hiện đại, ảnh hưởng trực tiếp đến sự “sinh tồn” của các phương tiện truyền thông truyền thống, đặt ra cho các tòa soạn và nhà báo những thách thức chưa từng có. Hiện nay, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số, Internet đã và đang tác động sâu sắc, đa dạng, phong phú đến “món ăn” tinh thần hàng ngày của công chúng truyền thông hiện đại. Đặc biệt, với sự ra đời của các thiết bị di động, những màn hình tương tác trở thành phương tiện truyền thông thông minh để mỗi giây, cư dân mạng có thể tải và chia sẻ hàng tỉ byte thông tin. Điều đó khiến cuộc va chạm giữa phương tiện truyền thông truyền thống và mới, giữa báo chí chính thống và truyền thông xã hội trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Dù thừa nhận hay không, truyền thông xã hội vẫn là một thực thể truyền thông đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống truyền thông hiện đại, tâm lý tiếp nhận thông tin của công chúng, tác động không nhỏ đến ngành báo chí truyền thông thế giới đương đại. Có thể thấy, truyền thông Internet ra đời tạo ra xu hướng hội tụ truyền thông và đa phương tiện, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự vận động và phát triển của báo chí truyền thông hiện đại. Vậy, hội tụ truyền thông là gì? Sự xuất hiện của kỷ nguyên truyền thông số đã khiến nghiệp vụ báo chí truyền thông có những thay đổi căn bản. Những thay đổi đó tác động như thế nào đến tiến trình hội tụ truyền thông? Từ tòa soạn đơn loại hình đến đa phương tiện rồi phát triển tới tòa soạn hội tụ là sự phát triển tiệm tiến từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp. Trong bối cảnh chung đó, các tòa soạn báo ở Việt Nam nên sắp xếp và thay đổi mô hình tổ chức như thế nào để thích ứng với xu thế phát triển chung của thế giới hiện đại? Đây là những vấn đề đang được báo giới, học giả cũng như các nhà báo hết sức quan tâm. Có thể khẳng định, sự xuất hiện thời đại truyền thông hội tụ không làm thay đổi bản chất của báo chí, mà báo chí vẫn cần sự phát hiện và khai quật của nhà báo chuyên nghiệp, vẫn cần sự gia công trong khâu biên tập và khâu xuất bản, vẫn phải thông qua phương tiện truyền thông để đưa sản phẩm báo chí tới công chúng. Và sự thay đổi của nó là tốc độ truyền phát thông tin và phương thức tiếp nhận thông tin. Nắm vững các kỹ năng làm báo hiện đại vẫn là yêu cầu quan trọng nhất của người làm báo trong môi trường truyền thông hiện nay. Trong môi trường hội tụ truyền thông, những nghiên cứu về sự thay đổi và bất biến của nghiệp vụ báo chí truyền thông ở nước ta vẫn còn khá ít ỏi. Cuốn sách “Tác nghiệp báo chí trong môi trường truyền thông hiện đại” của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi giới thiệu với độc giả những nét khái quát nhất về các vấn đề khá mới mẻ đang được nghiên cứu rộng rãi trên thế giới nhiều năm - nhiều thập kỷ qua như truyền thông xã hội, các lý thuyết truyền thông, hội tụ truyền thông, tòa soạn hội tụ, đồng thời trình bày đặc điểm và những kỹ năng cần thiết đối với “nhà báo đa năng” trong môi trường hội tụ truyền thông. Tác giả đã giới thiệu những kỹ năng cơ bản trong viết báo đa phương tiện, thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, với những ví dụ minh họa sinh động của các hãng truyền thông nổi tiếng trên thế giới, tác giả đã làm rõ cách thức xây dựng kế hoạch truyền thông cho một chủ đề cụ thể, phương thức sử dụng đa phương tiện, thông tin đồ họa cho báo chí hiện đại. Kết cấu của cuốn sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng là sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, phóng viên, biên tập viên và những người muốn nghiên cứu lĩnh vực này. Tìm tòi, trình bày và giải thích là mục đích của tác giả viết cuốn sách này, khi tiếp xúc với những vấn đề mà nhà nghiên cứu cảm thấy xa lạ, hoặc khi bản thân vấn đề đó còn khá mới mẻ, người nghiên cứu sẽ phải có những nhận thức sơ bộ đối với đề tài. Sau khi những nhận thức dần được hình thành, hoạt động nghiên cứu không thể chỉ dừng lại ở khâu miêu tả và đánh giá lý thuyết của nước ngoài, mà cần có sự áp dụng sâu hơn vào thực tiễn đào tạo và làm báo của nước nhà. Nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ quan sát, nhưng cuối cùng phải giải thích về sự vật mình quan sát được, cần áp dụng phương pháp nào đó để giải thích, ví dụ phương pháp xã hội học, phương pháp tâm lý học truyền thông. Góc độ phân tích phương pháp nghiên cứu của mỗi người mỗi khác mới cho ra đời những quan điểm mới mẻ, có tác dụng gợi mở cho độc giả và ngành khoa học. Công trình nghiên cứu của nhà báo, tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi đã đưa ra những vấn đề mới mang tính gợi mở cho các cuộc thảo luận tiếp theo của các nhà khoa học, các đồng nghiệp và độc giả trong nước. Đây là hướng đi khá mới mẻ, cũng là một sự thử nghiệm rất đáng quý.
1087 lượt xem
Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại
Nguyễn Đình Hậu, Phan Văn Kiền, Phạm Chiến Thắng, Phan Quốc Hải
Cùng với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ và sự thay đổi trong xu hướng tiếp nhận thông tin của công chúng, báo chí truyền thông hiện đại cũng đang bước vào một thời kỳ mà mọi giá trị của thông điệp và tin tức đều khó có thể khẳng định sự bền vững. Sự thay đổi của công nghệ và tần suất xuất hiện của những xu hướng mới khiến cho báo chí truyền thông hiện đại luôn nằm trong xu thế vận động liên tục. Đóng một vai trò quan trọng trong quá trình truyền tải thông điệp truyền thông đến công chúng, các nhà báo hiện đại cũng luôn phải thay đổi, làm mới chính mình để không chỉ đáp ứng nhu cầu của công chúng mà còn để không bị tụt hậu so với công nghệ của nền công nghiệp truyền thông đang thay đổi từng ngày, từng giờ hiện nay. Nhằm đáp ứng nhu cầu của bạn đọc, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện đại”. Đây là công trình nghiên cứu của nhóm tác giả đang cùng là nghiên cứu sinh tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội. Nội dung cuốn sách được cấu trúc với 4 chương: Chương 1: Một số vấn đề và xu hướng chung của báo chí truyền thông hiện nay do Phan Văn Kiền viết. Chương 2: Truyền hình hiện đại: Đặc tính và xu hướng do Phan Quốc Hải viết Chương 3: Xu hướng phát thanh hiện đại trên Internet do Nguyễn Đình Hậu viết Chương 4: Những vấn đề của quảng cáo hiện đại do Phạm Chiến Thắng viết. Nội dung cuốn sách đề cập đến một số xu hướng mới của báo chí truyền thông hiện nay, với mong muốn đem đến một cái nhìn xuyên suốt và đa diện về những xu hướng chủ đạo của báo chí truyền thông hiện đại cả trên thế giới và ở Việt Nam, cả trên lĩnh vực báo chí và truyền thông. Dù chưa bao quát hết được tất cả các lĩnh vực của báo chí và truyền thông hiện đại, nhưng ở mỗi góc nhìn, các tác giả đã cố gắng vừa bao quát được những đặc điểm chung về xu hướng của loại hình, vừa có những kiến giải riêng vào từng góc độ tiếp cận.
417 lượt xem
Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào?
Nguyễn Thị Bích Yến
Trong lĩnh vực truyền thông đại chúng, việc nghiên cứu công chúng là bộ phận rất quan trọng, mang tính then chốt cho sự tồn tại của một sản phẩm truyền thông. Vì thế, các nước phát triển trên thế giới đã thực hiện công việc này một cách thường xuyên và chuyên nghiệp. Các chuyên gia chú trọng việc nghiên cứu công chúng từ góc độ kinh tế học, báo chí học, xã hội học, về thái độ, hành vi, nhu cầu, điều kiện tiếp cận… của công chúng đối với các sản phẩm truyền thông đại chúng. Đặc biệt, thời đại toàn cầu hoá thông tin đã tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong hoạt động truyền thông nói chung và truyền thông đại chúng nói riêng. Đây chính là lý do quan thiết khiến các nhà nghiên cứu quan tâm hơn đến việc nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ kinh tế hay còn gọi là nghiên cứu công chúng thị trường báo chí. Mặc dù, công chúng truyền thông giữa các quốc gia có sự khác biệt về địa tầng văn hoá xã hội, kinh tế, chính trị... song trong xu thế toàn cầu hóa thông tin đã khiến họ dần không còn “biên giới cứng” trong tiếp nhận thông tin. Vì thế, quan niệm về công chúng truyền thông, công chúng thị trường báo chí giữa các nước phát triển và Việt Nam có một số điểm xích lại gần nhau”. Hiện tại, Việt Nam đã có nhiều công trình nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ xã hội học, báo chí học nhưng việc nghiên cứu công chúng thị trường báo chí từ góc độ kinh tế là hướng nghiên cứu còn mới mẻ. Hơn nữa, chưa có một công trình toàn diện nào nghiên cứu về những giải pháp phát triển công chúng thị trường của một tờ báo nước ngoài cụ thể. Để giúp cho bạn đọc có cái nhìn sâu hơn về công chúng thị trường, cũng như có cơ hội được tìm hiểu về bí quyết thành công của một tờ báo in lâu đời nhất thế giới còn hoạt động (1703), tác giả đã phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông xuất bản cuốn sách “Phát triển công chúng thị trường báo chí như thế nào? Kinh nghiệm của báo Wiener Zeitung (Áo)”. Hy vọng đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho báo chí Việt Nam nói chung, các nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, các sinh viên, học viên… khi nghiên cứu công chúng báo chí từ góc độ kinh tế; các độc giả muốn tìm hiểu bí quyết thành công của tờ báo nổi tiếng này. Nội dung cuốn sách gồm 3 chương: Chương 1: Khái niệm công chúng truyền thông, thị trường báo chí, công chúng thị trường báo chí Chương 2: Kinh nghiệm phát triển công chúng thị trường của báo Wiener Zeitung (Áo) Chương 3: Phát triển công chúng thị trường của của báo Wiener Zeitung, một số gợi ý cho báo chí Việt Nam
500 lượt xem
Thuật làm báo (Sách thực hành)
TRẦN DZĨ HẠ
“Kinh nghiệm là ông thầy tốt nhất”. Cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” nêu lên những kinh nghiệm thực tế của một người đã từng có nhiều năm viết báo và vẫn đang tiếp tục viết báo, đó là nhà báo Trần Dzĩ Hạ. Thông thường những người viết sách về những vấn đề lý thuyết thì hay tham khảo sách khác trước đó rồi mới chấp bút, như vậy là từ sách sang sách. Còn nhà báo Trần Dzĩ Hạ thì lấy vốn sống thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp của chính bản thân để viết sách, như vậy là từ cuộc sống vào sách. Cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ không giống bất kỳ một quyển sách nào trước đó về cách trình bày, không sao chép từ sách nọ sang sách kia. Cái gì Trần Dzĩ Hạ viết là của Trần Dzĩ Hạ. Những bài viết trong cuốn sách đã thể hiện sự độc lập tư duy, hay trăn trở, tính tìm tòi và đầu óc sáng tạo của tác giả, chứ không câu nệ vào những lý thuyết có sẵn. Tác giả luôn luôn đặt ra những câu hỏi, những phản biện, chứ không thấy ai nói sao nghe vậy, không dễ chấp nhận những cái có sẵn, không “tát nước theo mưa”. Sáng tạo là một trong những điều cần thiết của người viết báo và cả viết văn. Tất cả những điều này chỉ có thể tìm thấy trong một người yêu nghề, hết lòng với cây bút. Trần Dzĩ Hạ luôn luôn suy nghĩ, tìm tòi và phát hiện, chính điều này đã làm cho ông có nhiều đề tài để viết. Trong cuốn sách này có rất nhiều lý thuyết nghiệp vụ báo chí, từ khâu đi viết bài đến khâu toà soạn, nhưng lại được viết dưới hình thức câu chuyện hoặc tiểu phẩm, có các tình tiết cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ và cũng dễ tiếp thu, dễ thực hành. Thực tế diễn ra muôn màu muôn vẻ, cuốn “Thuật làm báo - Sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ không đưa ra những lý thuyết chung chung mà nêu lên thực tế sống động của người làm báo, trong đó có cả những thành công và những thất bại. Thành công hay thất bại của người đi trước thường để lại một kinh nghiệm đáng quý cho những người đi sau. Mặc dù, không học ở bất kỳ một trường lớp báo chí nào, song con số vài nghìn bài viết của Trần Dzĩ Hạ trên Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như trên 100 tờ báo khác đã thể hiện khả năng của một người làm báo. Trần Dzĩ Hạ là phóng viên của Chương trình Thanh niên Đài Tiếng nói Việt Nam, rất có duyên khi viết những tiểu phẩm cho tiết mục “Tuổi trẻ và cuộc sống” và những truyện hài hước và cũng là người duy nhất của chương trình viết được những tiết mục này. Cuốn sách “Thuật làm báo - sách thực hành” của Trần Dzĩ Hạ chưa phải đã hoàn thiện, hoàn mỹ, nhưng nó đã bổ sung cho những tập giáo trình về nghiệp vụ báo chí đang được giảng dạy ở các trường đào tạo chuyên ngành báo chí trên cả nước. Giá như, mỗi một đời làm báo để lại một cuốn sách kinh nghiệm lưu vào kho nghiệp vụ báo chí nhằm giúp cho lớp nhà báo đi sau thì hay và quý biết mấy.
381 lượt xem
Thông tấn báo chí - Lý thuyết và kỹ năng
TS. Nguyễn Thành Lợi
Các bạn đang có trong tay cuốn“Thông tấn báo chí - Lý thuyết và kỹ năng”. Đây là một trong số không nhiều cuốn sách viết về chủ đề này. Thông tấn báo chí là một môn học quan trọng trong chương trình đào tạo ngành thông tin đối ngoại của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Thông qua cách viết ngắn gọn, dễ hiểu, với những ví dụ minh họa sinh động, sát với nội dung, các tác giả đã làm rõ một số vấn đề lý thuyết về thông tấn báo chí, làm rõ khái niệm, đặc điểm, kết cấu các thể loại tác phẩm báo chí cơ bản như: Tin, phỏng vấn, bài thông tấn, phóng sự điều tra. Đồng thời, chỉ ra các phương pháp cơ bản, những bài tập thực hành để rèn luyện kỹ năng viết các thể loại tác phẩm này. Kết cấu của cuốn sách rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các nhóm đối tượng là học viên, sinh viên, những người đang có mong muốn bước vào nghề làm báo, muốn được rèn luyện, nâng cao kỹ năng viết các thể loại tác phẩm báo chí. Các tác giả cũng đã công phu lựa chọn, tập hợp và phân tích những ví dụ tiêu biểu, phù hợp với mục đích, yêu cầu của từng thể loại. Các ví dụ được trích từ nguồn tin đáng tin cậy. Hệ thống các bài tập thực hành với những yêu cầu cụ thể sẽ giúp người học có thể tự rèn luyện kỹ năng viết các thể loại tác phẩm báo chí. Đặc biệt, chủ đề của các ví dụ, bài tập thực hành đều tập trung trong lĩnh vực báo chí đối ngoại và báo chí quốc tế, phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện các nội dung của công tác thông tin đối ngoại. Cuốn sách sẽ là tài liệu hữu ích, phục vụ trực tiếp quá trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ báo chí nói chung, cán bộ thông tin đối ngoại nói riêng. Cuốn sách cũng sẽ là tài liệu tham khảo có giá trị cho những ai quan tâm đến những vấn đề lý thuyết về báo chí cũng như muốn được thực hành, nâng cao kỹ năng viết các thể loại tác phẩm báo chí. Trong công tác thông tin đối ngoại hiện nay, báo chí đóng vai trò quan trọng, góp phần cung cấp thông tin, quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới và giúp nhân dân ta hiểu rõ hơn về thế giới. Việc biên soạn cuốn sách này chắc chắc sẽ góp phần tích cực trong việc đào tạo, bồi dưỡng những người làm báo đối ngoại, đồng thời cũng sẽ góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị to lớn của báo chí trong quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện của đất nước ta.
459 lượt xem