Tiếng Việt
Chọn ngôn ngữ
Tiếng Việt
English
Nhà xuất bản Thông tấn xã Việt Nam (tên gọi tắt là Nhà xuất bản Thông tấn) tên giao dịch: VIETNAM NEWS AGENCY PUBLISHING HOUSE (Viết tắt là VNA PUBLISHING HOUSE)
Nhà xuất bản chuyên ngành Thông tấn, thông tin báo chí, có chức năng biên soạn, xuất bản và phát hành các loại ấn phẩm phục vụ cho công tác thông tin, báo chí, tuyên truyền đối nội, đối ngoại về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Là một trong những đơn vị thông tin của TTXVN, có cơ hội tiếp cận với ngân hàng tin, ảnh tư liệu giá trị của ngành, NXBTT đã quyết định tập trung vào ba mảng đề tài lớn, được coi là những thế mạnh của đơn vị:
Mảng sách Thời sự - sự kiện
Mảng sách Nghiệp vụ báo chí
Mảng sách ảnh
- Về lãnh tụ và các nhà lãnh đạo cách mạng tiền bối Việt Nam
- Về các dân tộc Việt Nam, về lịch sử cách mạng dân tộc
- Về lịch sử và hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, các tổ chức đoàn thể Trung ương, địa phương
- Về Việt Nam đất nước con người
Hôn nhân không chỉ là bước chuyển trọng đại trong chu kỳ vòng đời người mà còn là một sự kiện quan trọng đối với mỗi gia đình, dòng họ, làng xóm... Ngoài các quy định của pháp luật, hôn nhân cần được xác lập thông qua các phong tục cưới hỏi. Phong tục cưới hỏi của các dân tộc Việt Nam được lưu truyền từ đời này sang đời khác và luôn biến đổi theo thời gian. Bởi vậy, phong tục cưới hỏi không chỉ là một trong những nghi lễ quan trọng của chu kỳ vòng đời người, mà còn phản ánh rõ nét
đặc điểm văn hóa tộc người với những dấu ấn truyền thống và hiện đại. Từ xưa đến nay, các dân tộc Việt Nam đều rất chú trọng phong tục cưới hỏi. Phong tục cưới hỏi vừa là một sinh hoạt văn hóa tâm linh, vừa là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Phong tục cưới hỏi chứa đựng các giá trị văn hóa truyền thống đã được chắt lọc, kết tinh qua nhiều thế hệ, như lối sống, phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, văn hóa nghệ thuật... và có tác động sâu sắc đến việc hình thành cốt cách, tình cảm, diện mạo văn hóa của cá nhân và cộng đồng. Phong tục cưới hỏi là một phần không thể thiếu đối với mỗi gia đình, dòng họ và cộng đồng, một thành tố quan trọng góp phần cấu thành nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Dân gian Việt Nam có câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”, mang ý nghĩa những ứng xử đối với sự chết của con người là những ứng xử cuối cùng đối với cuộc đời của một con người, cũng là những hành động rốt ráo trong quan hệ giữa con người với con người trong cộng đồng. Tang ma là nghi lễ cuối cùng trong chu trình vòng đời của con người. Từ xưa đến nay, các dân tộc Việt Nam đều rất chú trọng phong tục tang ma. Hầu hết các cộng đồng tộc người ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều quan niệm cái chết không phải là sự chấm dứt hoàn toàn và chết không phải là hết. Cái chết chỉ là sự chấm dứt cuộc sống hiện tiền trong chu trình vòng đời ở hiện tại và khởi đầu một cuộc sống mới ở thế giới bên kia, có thể là thế giới của tổ tiên, thế giới của thần linh hoặc những cảnh cõi huyền diệu khác. Bởi vậy, phong tục tang ma của các dân tộc Việt Nam vừa là các nghi thức để hoàn thành những thời khắc cuối cùng của người chết trong đời sống hiện tại; tỏ lòng tri ân của gia đình, dòng họ và cộng đồng đối với người quá cố; đồng thời là bước chuẩn bị và tiễn đưa người chết bước vào một cuộc sống mới ở thế giới bên kia.
Nội dung của cuốn sách giới thiệu những đặc điểm khái quát về tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nội dung cuốn sách gồm hai phần: Phần I (từ chương 1 đến chương 5), giới thiệu khái quát về tiếng Việt. Phần này tập trung giới thiệu hai vấn đề: Thứ nhất là đặc điểm của tiếng Việt ở các bình diện cấu trúc - hệ thống, gồm: Ngữ âm tiếng Việt (chương 2), Ngữ pháp tiếng Việt (chương 3), Từ vựng - ngữ nghĩa tiếng Việt (chương 4). Thứ hai là đặc điểm khái quát của tiếng Việt theo tiến trình phát triển xuyên suốt từ quá khứ đến nay, bao gồm: đặc điểm nguồn gốc, loại hình học tiếng Việt, lịch sử phát triển của tiếng Việt (chương 1) và tiếng Việt hiện nay dưới tác động của các nhân tố ngôn ngữ - xã hội gắn với việc chuẩn hóa và hiện đại hóa tiếng Việt (chương 5). Phần II (từ chương 6 đến chương 7), giới thiệu khái quát về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Phần này tập trung giới thiệu hai vấn đề: Một là, những đặc điểm chung về tình hình dân tộc thiểu số và ngôn ngữ các dân tộc thiểu ở Việt Nam (chương 6), như: đặc điểm tên gọi, dân số, cư trú, thành phần dân tộc, việc kết hôn khác dân tộc trong gia đình,v.v. Có thể coi đây là các nhân tố tác động đến cấu trúc của ngôn ngữ cũng như việc sử dụng, bảo tồn các ngôn ngữ dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay. Hai là, đặc điểm của từng ngôn ngữ dân tộc thiểu số (chương 7), như: đặc điểm tên gọi gắn với tên gọi dân tộc, đặc điểm cội nguồn (ngữ hệ), cấu trúc (loại hình), chữ viết và việc sử dụng hiện nay.
Nhằm tiếp tục đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, quảng bá về vẻ đẹp, tiềm năng của các tuyến biên giới quốc gia trên đất liền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, đồng thời giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thiết thực hướng tới chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi ảnh nghệ thuật với chủ đề “Tự hào một dải biên cương”.
Qua 5 tháng phát động cuộc thi, Ban Tổ chức đã nhận được: 4.477 tác phẩm dự thi (4.078 ảnh đơn; 399 bộ ảnh, mỗi bộ ảnh gồm 5-8 ảnh đơn) của 745 tác giả, đến từ 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước gửi về. Hội đồng giám khảo đã làm việc khách quan, công tâm, trách nhiệm để chọn ra: 2 giải Nhất, 3 giải Nhì, 6 giải Ba, 10 giải Khuyến khích; trưng bày triển lãm 197 tác phẩm. Để các tác phẩm ảnh “Tự hào một dải biên cương” được lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội cũng là cơ hội tôn vinh các tác giả chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp từ mọi miền Tổ quốc, kiều bào ở nước ngoài, người nước ngoài đang công tác và sinh sống tại Việt Nam, Ban Tổ chức cuộc thi phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn biên soạn, xuất bản cuốn sách ảnh “Tự hào một dải biên cương”.
Cuốn sách khắc họa vẻ đẹp quê hương, đất nước, con người ở các vùng biên giới trên đất liền, từ “Sắc màu biên cương”, “Mùa xuân ở Lao Xa”, “Mùa vàng nơi biên ải”, “Bình minh miền biên viễn” đến “Độc đáo lễ hội đua bò ở vùng biên”, “Mùa nước nổi ở biên giới An Giang”, “Lễ cấp sắc của người Dao Đỏ”...
Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác, hòa bình, phát triển giữa Việt Nam và các quốc gia có chung đường biên giới trên đất liền được khẳng định qua những hình ảnh về hoạt động giao thương với nước bạn tại các cửa khẩu, những cuộc giao lưu thắm tình hữu nghị nơi biên cương và các cuộc phối hợp tuần tra biên giới song phương giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Đặc biệt, cuốn sách dành những hình ảnh đẹp, xúc động ghi nhận và tôn vinh những đóng góp, hy sinh của các thế hệ người Việt Nam, nhất là các lực lượng vũ trang trong công cuộc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Xuất bản cuốn sách, chúng tôi mong muốn lan tỏa những cảm xúc chân thành, vẹn nguyên và sâu sắc từ những bức ảnh tới công chúng yêu nghệ thuật Việt Nam; khẳng định thắng lợi của những chủ trương, đường lối và những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước, của các địa phương đặc biệt là các địa phương khu vực biên giới trong việc xây dựng tuyến biên giới quốc gia trên đất liền, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.